Ngọc Quang – Tùng Dương/ Báo Giáo dục Việt Nam
Nhiều người bảo rằng, ông Trần Quí Thanh là rất may mắn, vì trong những thời khắc khó khăn nhất luôn có vợ và hai cô con gái bên cạnh.
Cả cuộc đời tần tảo vì chồng, vì con
Có câu nói rất nổi tiếng “Đằng sau sự thành công của đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ”. Và, đứng sau mọi thành công của ông chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát là bà Phạm Thị Nụ – người phụ nữ mạnh mẽ, giỏi giang, dám đương đầu với mọi thử thách nhưng cũng là người luôn hy sinh vì gia đình.
Bà Phạm Thị Nụ, vợ ông Trần Quí Thanh – Chủ tịch Tân Hiệp Phát, sinh ra ở tỉnh Hải Dương, di cư vào Nam sau 1954.
Ngay từ nhỏ, cô gái trẻ tên Nụ đã nỗ lực sống tự lập, làm việc vất vả để tự kiếm tiền chứ không muốn lệ thuộc vào ai.
Vào năm 1979, bà Phạm Thị Nụ và ông Trần Quí Thanh nên duyên vợ chồng. Thời gian này, cuộc sống chung hết sức khó khăn, bởi đất nước vừa trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và còn phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Cả hai vợ chồng đều phải nỗ lực làm việc để lo cho tương lai sau này. Vì vậy mà khi đã mang bầu, bà Nụ vẫn hàng ngày lên núi Bà Đen (Tây Ninh) mua, bán đường.
Cứ như vậy, ngày qua ngày, tháng qua tháng, nắng mưa, vất vả không ngăn được bước chân của bà.
Cho đến khi đã có con, mọi việc trong gia đình từ bé tới lớn đều do bà lo toan, từ việc lo cho con cái miếng ăn, giấc ngủ, lo chăm sóc dạy dỗ từng đứa.
Không chỉ chăm con giỏi, bà Nụ còn rất chiều chồng. Bà luôn tự tay lựa cho ông những bộ quần áo lịch sự và trang nhã khi đi làm.
Ngày nào bà cũng đợi bằng được người chồng thân yêu trở về nhà, để rồi tự tay nấu một món nào đó.
Bà cũng thường nói với ông rằng uống nhiều mà không ăn gì là hại dạ dày, hại gan lắm, thế nhưng lại không một lần than vãn, vẫn luôn ân cần chăm sóc ông mỗi tối khi về tới nhà đã khuya.
Bà luôn động viên và để ông yên tâm làm việc, phát triển sự nghiệp cho riêng mình.
Kể từ khi quen biết rồi thành vợ thành chồng, bà đã biết rằng người đàn ông của mình luôn mang theo hoài bão rất lớn, sẽ chẳng có gì ngăn cản được ý chí của ông.
Sau nhiều năm tháng cố gắng giành giụm chút vốn liếng, hai ông bà lên kế hoạch và thành lập Tân Hiệp Phát vào năm 1994 với tầm nhìn tập đoàn hàng đầu ở châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm.
Khởi nghiệp từ một phân xưởng sản xuất nhỏ chỉ với vài chục nhân viên, Tân Hiệp Phát đã đặt những bước chân đầu tiên vào lĩnh vực sản xuất đồ uống và trở thành một công ty nước giải khát nổi tiếng.
Đến nay Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp tư nhân hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với sản phẩm nước giải khát được phân phối rộng rãi khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam, gần 20 quốc gia trên thế giới.
Tân Hiệp Phát có được sự thành công đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của hai nhà sáng lập và đội ngũ cán bộ nhân viên.
Đặc biệt là tình yêu đã gắn kết gia đình nhỏ của ông Thanh là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo động lực làm nên thành công của Tân Hiệp Phát hôm nay.
Đằng sau những thành công và cả những kế hoạch được triển khai không thành công của ông Thanh luôn có bà Nụ – một người vợ đồng cam cộng khổ, luôn thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành trên mọi bước đi của chồng.
Câu chuyện tình yêu 40 năm của hai vợ chồng Dr Thanh gắn liền với cột mốc 25 năm của Tân Hiệp Phát trên cương vị là hai người đồng nghiệp tâm đầu ý hợp.
Trong nhiều năm tháng phát triển của Tân Hiệp Phát, bà Nụ ít khi xuất hiện trước truyền thông, mà thường chỉ đứng phía sau giúp chồng.
Nhiều cán, bộ nhân viên từng làm việc gắn bó với Tân Hiệp Phát nhiều năm qua kể rằng bà Nụ giống như “linh hồn” của nhà máy.
Bà nắm rõ và hiểu từng nhân sự, quan tâm giúp đỡ nhân viên trong công việc và sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn với họ trong cuộc sống, đối xử với họ bằng tình cảm chân thành.
Sự tháo vát của bà giúp cho ông yên tâm để phát triển những kế hoạch lớn hơn.
Điều đặc biệt, bà là người phụ nữ luôn tôn trọng tư tưởng kinh doanh, vai trò chỉ đạo và cả những thói quen, cách sống của chồng. Bà hiểu và luôn sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, biến cố cùng chồng trước những kế hoạch mới.
Kế hoạch ấy có thể thành công, cũng có thể gặp nhiều trắc trở, thậm chí cũng có thể sẽ thất bại, nhưng bà vẫn ở bên cạnh ông, không oán trách, không than vãn, mà ngược lại luôn tìm cách động viên chồng vượt qua để tự tin bước đi mạnh mẽ hơn trên con đường phía trước.
Sau nhiều thăng trầm, đã có lần ông Thanh chia sẻ với các con rằng: “Yếu tố má xinh đẹp không phải lí do chính ba lấy má, mà vì đã sớm biết đó là cô gái nhẹ nhàng ý tứ, tháo vát trong chuyện làm ăn, sống có trách nhiệm, không ăn chơi đua đòi”.
Ông gặp được bà là điều may mắn lớn nhất trong cuộc đời, nói như các cụ ngày xưa thì đó là duyên phận, là câu chuyện tiền kiếp mà các bề trên đã sắp xếp để ông bà gặp nhau, nên duyên chồng vợ, cùng nhau vượt qua từng chặng đường gian khổ.
Cha mẹ đặt hết niềm tin vào hai con gái
Thời gian gần đây, các kênh truyền thông nổi tiếng thế giới như Financial Times, CNBC, Channel News Asia, Asia Times… đã nhắc đến hiện tượng kinh tế kỳ lạ ở Việt Nam: Một doanh nghiệp gia đình sở hữu cơ ngơi hàng tỷ USD và nằm trong số những công ty của người Việt có khát vọng vươn ra toàn cầu.
Kỳ lạ hơn, doanh nghiệp được vận hành bởi ông bố và 2 cô con gái nhưng đang chiếm lĩnh thị phần ngang ngửa Pepsi và vượt qua cả Coca-Cola.
Doanh thu của Tân Hiệp Phát năm 2016 đã đạt mốc 500 triệu USD và với việc đưa thêm nhiều nhà máy vào hoạt động, doanh thu 1 tỷ USD đã là mục tiêu gần trong vài năm tới.
Đến 2027, con số này sẽ là 3 tỷ USD. Thật bất ngờ, người gánh vác mục tiêu này là một cô gái 38 tuổi – Trần Uyên Phương – Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát – con gái lớn của ông Trần Quí Thanh. Và, người đồng hành, cùng chia sẻ nhiệm vụ cao cả ấy là cô em gái Trần Ngọc Bích, cũng là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
Là diễn giả cuối cùng đăng đàn tại Talkshow, đại diện cho thế hệ ‘doanh nhân thiên niên kỷ’ và là thế hệ kế thừa tại các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, nữ doanh nhân trẻ Trần Uyên Phương đã nói rằng động lực để công ty số 1 Việt Nam trong ngành giải khát đạt được vị thế này chính là tinh thần “biến những điều không thể thành có thể” và “không bỏ cuộc”.
Trong hành trình 38 năm sống cùng gia đình và 25 năm chứng kiến, tham gia làm việc và điều hành Tân Hiệp Phát, bà Phương cho biết có 3 trải nghiệm đậm nét nhất đại diện cho tinh thần “không gì là không thể” mà công ty này theo đuổi.
Trải nghiệm thứ nhất là vào năm 1994, sau khi thành lập, Tân Hiệp Phát khó khăn muôn bề, nguồn lực thì hạn chế.
Ông Trần Quí Thanh khi đó là một kĩ sư cơ khí, đã quyết định mua lại dây chuyền phế thải đã bị cắt làm 3 mảnh của Bia Sai Gòn để đem về tái sử dụng. Không một ai tin là ông có thể làm cho chiếc máy vận hành được.
Câu nói nổi tiếng của ông đối với nhân viên Tân Hiệp Phát thời bấy giờ và kể cả đối với những kĩ sư kì cựu của bia Sài Gòn lúc đó là: “Có cái khung sườn còn tốt hơn là phải chế cái máy từ không có gì cả”.
Sau 2 năm phục chế, với tất cả sự sáng tạo và nhiệt huyết, dàn máy đã chạy được và đạt công suất tới 80% công suất thiết kế của máy.
Tân Hiệp Phát đã khởi sự bước vào ngành công nghiệp sản xuất bia, nước giải khát như vậy, với chi phí đầu tư thấp ở mức không thể.
Sau 7 năm tham gia ngành bia, đến năm 2001, Tân Hiệp Phát đã mở rộng sang nước uống không cồn.
Các nhãn hiệu của Pepsi và Coca-Cola chiếm gần như toàn bộ thị trường thời bấy giờ. Một doanh nghiệp địa phương, chưa hề có kinh nghiệm về mảng nước ngọt đã liều lĩnh bước vào thị trường mới.
Phân tích bài học thất bại của các doanh nghiệp trong nước trước đó, chúng tôi xác định muốn có cơ hội thành công Tân Hiệp Phát phải vươn lên ngang bằng với các công ty hàng đầu thế giới về chất lượng, công nghệ, sản xuất, và cả về marketing, điều tưởng như không thể đối với doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm đó.
Tân Hiệp Phát đã đầu tư rất lớn để mua công nghệ hiện đại nhất thế giới, đầu tư mạnh cho R&D để phát triển sản phẩm phù hợp khẩu vị người Việt, thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới làm marketing như Saatchi & Saatchi, O&M, Dentsu.
Sau 7 năm, một loạt sản phẩm như nước tăng lực Number 1, Trà Xanh Không độ, Trà Dr. Thanh… đã đột phá thị trường, tạo ra trào lưu tiêu dùng mới, đưa Tân Hiệp Phát vươn lên chiếm thị phần lớn thứ 2 Việt Nam, vượt trên cả Coca Cola.
Đến nay, Tân Hiệp Phát luôn giữ vững vị trí số 2 ngành nước giải khát, đứng đầu ngành nước giải khát có lợi cho sức khoẻ và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất trong Top 5 Doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam.
Trải nghiệm thứ hai đặt ra là yêu cầu hiện đại hoá quản trị doanh nghiệp tại Tân Hiệp Phát. Khi doanh nghiệp đã lớn mạnh, muốn phát triển ổn định, đi xa, cạnh tranh được với thế giới thì nhất định phải thay đổi cách quản trị theo hướng chuyên nghiệp.
Năm 1997, Tân Hiệp Phát quyết tâm thay đổi mạnh từ việc quản lý kiểm soát không có hệ thống (thậm chí tận dụng cả vé giữ xe đạp thay cho phiếu xuất hàng) chuyển sang quản lý theo chuẩn quốc tế ISO.
Đơn vị tư vấn cũng liên tục từ chối vì theo kinh nghiệm của họ, ngành bia quá khó để đạt chứng nhận ISO đối với doanh nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau một vài dự án không thành công, họ tin ngành bia Việt Nam không thể đạt chứng nhận ISO. Nhưng chỉ sau 5 tháng 19 ngày, Tân Hiệp Phát đạt chứng nhận ISO.
Để đưa ISO vào Tân Hiệp Phát, với trình độ toàn công ty chưa đến 20 nhân sự có được bằng đại học, trong hơn 5 tháng đó chúng tôi đã kiên trì làm việc mỗi ngày từ 8h sáng dến 5h sáng hôm sau.
Không dừng lại ở đó, năm 2002, Tân Hiệp Phát tiếp tục nghiên cứu mô hình quản trị và tin học hoá.
Tân Hiệp Phát cũng là doanh nghiệp Việt đầu tiên của ngành hàng tiêu dùng nhanh triển khai ứng dụng giải pháp phần mềm ERP quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp, theo kịp các công ty đa quốc gia.
Đây là dự án nhiều triệu đô la, với giải pháp do công ty của Hà Lan thiết kế. Ứng dụng ERP thành công, giá trị đem lại là một hệ thống quản trị hiện đại hàng đầu thế giới, 1 hệ thống kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế.
Giám đốc điều hành sản xuất của bia Carlsberg tại Anh sang hỗ trợ triển khai dự án tại Tân Hiệp Phát đã phải thốt lên: Tân Hiệp Phát đã chuyển từ đi xe đạp sang đi hoả tiễn khi dám triển khai hệ thống ERP.
Trải nghiệm thứ ba chính là câu chuyện của nữ giới trong kinh doanh, câu chuyện của thế hệ lãnh đạo trẻ – 8X, 9X. Nhiều bạn nữ trẻ chia sẻ về những khó khăn khi họ là nữ giới.
Và, họ vật vã để làm những điều mà họ lo sợ là không thể: Thành công trong một xã hội mà lãnh đạo nam giới chiếm đa số.
Về bản thân mình, tôi tự hào mình được là phụ nữ. Được mặc đầm, được xinh đẹp và đặc biệt được toả sáng ở những nơi toàn nam giới.
Theo tôi, điểm mạnh của phụ nữ cũng chính là sự nữ tính, sự nhẹ nhàng. Tôi vẫn chia sẻ với các bạn nữ và nữ nhân viên của mình: Chúng ta không cần trở nên giống nam giới.
Hãy để cho nam giới thể hiện điểm mạnh của họ. Tôi vẫn luôn quan niệm, phụ nữ giống như dòng nước, rất uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng vẫn quyết đoán, mạnh liệt và bền bỉ.
Ông bà ta không tự nhiên có câu: lạt mềm buộc chặt. Theo tôi đây chính là điểm mạnh của phụ nữ. Chúng ta nhìn vào điểm mạnh để phát huy và kết quả sẽ là sự xác nhận chứ không phải giới tính.
Và standtaller (vươn tới), chính là yếu tố mà tôi nhìn thấy điểm chung của các nữ doanh nhân thành công.
Và cũng nhìn thấy từ mẹ tôi, một người đóng góp rất lớn trong sự thành công của Tân Hiệp Phát ngày hôm nay.
Làm việc tại Tân Hiệp Phát tôi cũng phải phấn đấu đi từ vị trí thấp đến cao, từ một thư ký giám đốc marketing kiêm nhân viên bán bia mỗi tối.
Không ngại bất cứ công việc gì, bất kể ngày đêm, ai kêu gì tôi cũng làm, từ phiên dịch đến dẫn các chuyên gia đi tìm hiểu về Thành phố Hồ Chí Minh. Miễn có cơ hội để được học thêm, hiểu thêm.
Dần dần tôi được giao các vị trí quản lí và nay là Phó Tổng giám đốc của tập đoàn.
Tôi vẫn thường nói với nhân viên của mình, không chỉ là nhân viên nữ: Đến mơ mà mình còn không dám thì nói gì đến thực hiện.
Hãy nghĩ đến ngày bạn làm Giám Đốc Khối, Tổng giám đốc của công ty này và nuôi dưỡng ước mơ đó từ khi bạn còn trong giai đoạn thử việc.
Tôi luôn truyền sức mạnh cho nhân viên và những người xung quanh để họ can đảm chấp nhận hiện tại và vượt lên để xây dựng tương lai: “Không phải chúng ta thì ai?”.
Tôi quan niệm vai trò kết nối và huấn luyện của lãnh đạo trở nên ngày càng quan trọng với sự phát triển của Tân Hiệp Phát hiện nay.
Tôi tự hào khi có được lòng tin của nhân viên, của đồng nghiệp bằng chính năng lực, sự tận tuỵ và cống hiến của mình. Tôi nhìn thấy sự phát triển của nhân viên bằng chính sự quan tâm và làm gương của bản thân.
Một điều cực kì quan trọng giúp tôi đứng đây chia sẻ với tất cả quý vị đó chính là: tôi yêu công việc mình đang làm.
Những gì tôi đang thực hiện hằng ngày chính là sứ mệnh của cá nhân tôi: tạo nên ảnh hưởng tích cực cho những người xung quanh.