Đầu tư đường sắt cao tốc không phải nhanh nhất mà hiệu quả nhất

Trần Quí Thanh

Đường sắt VN cần đầu tư nhưng với mức phù hợp, không quá khả năng thanh toán của người dân – Ảnh: T.T.D. (Ảnh và lời bình báo Tuổi trẻ)

—–

Chào anh Trần Quí Thanh

Trước hết chúc mừng Tân Hiệp Phát vừa được giải vàng “Giải thưởng chất lượng quốc gia 2018”, sau nữa chúc mừng mối tình 40 năm bền vững và hạnh phúc của anh chị.

Đọc blog anh nhiều, được biết anh động viên viết thư cho anh nhưng tôi chưa khi nào viết cả. Nay bức xúc quá mới gửi tới anh. Về vụ định giá đường sắt Bắc- Nam hai bộ vênh nhau 32 tỷ đó anh. Tất nhiên mỗi bên có cái lý của họ nhưng sự vênh nhau làm dân nghi ngại quá anh ạ. Theo anh thì thế nào, có nên làm đường sắt to tiền thế không? Nếu cần thì làm sao để con cháu còn trả nợ được?

Chúc anh mạnh giỏi

Trần Quốc Kế (Sài Gòn): quocke_tphcm2011@gmail.com

—–

Anh Trần Quốc Kế mến!

Xin cám ơn lời chúc mừng của anh về giải thưởng của Tân Hiệp Phát. Những cố gắng của Tân Hiệp Phát bao nhiêu năm đã được xã hội nghi nhận, vui lắm đó anh.

Còn chuyện 40 năm của vợ chồng tui, ai cũng nói là đẹp, tui tự hào vì có được người vợ đồng hành cùng tui đi qua một chặng đường dài nhiều gian truân để có được hạnh phúc.

Về câu chuyện anh đặt ra liện quan đến xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, tui cũng có nghiên cứu ít nhiều, vì cái máu doanh nhân nó thế. Với lại, tui là dân cơ khí kỹ thuật bách khoa Sài Gòn, nên cũng ưng tìm hiểu về những gì liên quan đến máy móc công nghệ mới.

Có nhiều người nhìn con số vênh nhau tới 32 tỉ USD giữa hai bộ khi đưa ra dự toán thì vội vàng kết luận có sự không minh bạch. Nhưng thực ra, chẳng có gì không minh bạch hết, anh mua chiếc máy bay Airbus A320 khác với mua chiếc Airbus A380. Sản phẩm khác nhau thì giá khác nhau, mặc dù cũng là máy bay của cùng một hãng. Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ 350km/h khác với 200km/h, thì chênh nhau tiền đầu tư có chi là lạ.

Theo quan điểm của tui, khi xây dựng tuyến đường sắt cao tốc, vấn đề không phải là cố để có được con đường đạt tốc độ nhanh nhất, mà tính đến phương án hiệu quả nhất. Bỏ ra một số tiền quá lớn để chỉ đạt công suất khai thác rất nhỏ thì làm để làm gì. Tiền đâu phải vỏ hến?

Cho nên, tui ủng hộ quan điểm của Bộ KHĐT, đó là không nên xây dựng đường sắt tốc độ 350 km/h. Làm đường to tiền như vậy mà chỉ chở khách, không phục vụ vận tải hàng hóa là quá lãng phí. Chưa kể, các nhà tư vấn chỉ ra, Hà Lan từng nghiên cứu nâng cấp đường sắt từ 200 km/h lên 300 km/h nhưng họ thấy chi phí đầu tư cao, không hiệu quả nên dừng lại không đầu tư nữa.

Một câu hỏi phải đặt ra, đó là đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc kéo dài mấy chục năm, vậy thì liệu công nghệ lựa chọn hôm nay, chục năm nữa có lạc hậu hay không?

Một thực tế khác tại Việt Nam, nhiều hãng hàng không ra đời, giá vé cạnh tranh nên rất vừa túi tiền, đa số người dân chọn máy bay làm phương tiện đi lại. Vậy thì, làm được sắt cao tốc liệu có cạnh tranh được với hàng không hay không? Nếu chỉ đạt vài chục phần trăm công suất coi như toi tiền.

Vì vậy, nếu là tui có quyền quyết, tui sẽ chỉ đầu tư cải tạo mở rộng khổ đường sắt cao tốc Bắc Nam, vốn đầu tư thấp hơn, thời gian làm nhanh hơn, phù hợp với điều kiện Việt Nam hơn. Do đó, sẽ hiệu quả hơn.

Chúc anh vui vẻ, mạnh giỏi.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *