Trần Quí Thanh
—–
Mời doanh nghiệp góp ý xây dựng để hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp là quá đúng. Tui ủng hộ cả hai tay. Vì hai lý do sau:
Doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trong thực tiễn và từ thực tiễn đó, thấy được những sự thuận lợi, khó khăn do các quy định của pháp luật tạo ra. Có những quy định không đem lại lợi ích gì cho quản lý, nhưng lại ngăn cản hoạt động của doanh nghiệp.
Ví dụ, tại một hội nghị về miễn thị thực liên quan đến du lịch mới đây, các doanh nghiệp nêu ý kiến, khoản 1, Điều 20 về điều kiện nhập cảnh (Luật số 47) quy định “Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 6 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”.
Cái con số “30 ngày” khơi khơi đó là rào cản ghê gớm. Nhiều du khách quay trở lại Việt Nam, hay theo một tour du lịch vào các nước khác, nhưng trung chuyển qua Việt Nam, vậy là coi như bị ách lại vì chưa đủ 30 ngày tính từ lần xuất cảnh khỏi Việt Nam trước đó.
Những doanh nhân nước ngoài qua Việt Nam nghiên cứu thị trường để đầu tư hoặc hợp tác làm ăn với một doanh nghiệp trong nước. Họ muốn quay trở lại Việt Nam ngay sau vài ngày hoặc một tuần, nhưng họ phải chờ hết cái hạn 30 ngày mới được nhâp cảnh trở lại.
Lý do thứ hai là khai thác tối đa trí tuệ và nhiệt huyết trong cộng đồng doanh nghiệp. Đến thời này mà còn cái nhìn doanh nhân là “con buôn”, là “gian thương” thì quả là quá lạc hậu, thậm chí ác độc. Biết bao nhiêu doanh nhân cống hiến cho đất nước, tạo ra giá trị cho cộng đồng, góp phần xây dựng nền kinh tế cho đất nước. Đếm không hết.
Trong số những doanh nhân đó, có nhiều người học cao, hiểu rộng, có kiến thức về kinh tế, có kinh nghiệm thực tiễn. Họ nhìn thấy cái sai là đóng góp để sửa, họ nói không phải cho họ, mà vì mục đích giúp các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và chuyên gia của các viện nghiên cứu, các nhà làm làm luật có thêm thông tin và tri thức để tạo ra các sản phẩm chính sách và luật pháp có chất lượng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có cái tai biết lắng nghe. Đã có nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp ở các cấp khác nhau, quy mô khác nhau, rồi nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp, nhưng có nghe hay không lại là chuyện khác.
Thực tế cho thấy, gần như các nghị định, thông tư “lắng nghe” tiếng nói của các cơ quan quản lý, phục vụ quyền lực và quyền lợi của các bộ, ngành hơn là vì cộng đồng doanh nghiệp.
Ngay cả việc bãi bỏ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp gào khản cổ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như vậy, nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.
Lắng nghe doanh nghiệp phải từ sự thực tâm và có trí tuệ.
Sài Gòn ngày 06/10/2019
TQT
Bài đọc thêm, link: Doanh nghiệp phải là người hiến kế chủ chốt
(https://www.thesaigontimes.vn/294888/doanh-nghiep-phai-la-nguoi-hien-ke-chu-chot.html)