Trần Quí Thanh
—–
Tui có niềm tin vào lớp trẻ của nước mình về năng lực hội nhập thế giới, chắc chắn đây sẽ là lực lượng tạo ra các giá trị Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy chưa có nhiều, nhưng xuất hiện một số chân dung khởi nghiệp có tầm quốc tế. Tui xin lưu ý, khởi nghiệp để kinh doanh có lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho xã hội cũng tốt, nhưng khởi nghiệp với những sản phẩm mà các nước khác phải cần đến mới góp phần thay đổi được gương mặt quốc gia.
Điển hình mới đây, trọn bộ 7 cuốn sách “Em thích giỏi toán” của Việt Nam đã được nhà xuất bản Pelangi (Malaysia) mua bản quyền và phát hành ở thị trường 4 nước Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonessia. Đây là lần thứ hai bộ sách này được xuất bản ở nước ngoài: lần đầu ở LB Nga, in bằng tiếng Nga 3 cuốn (2 cuốn mầm non và 1 cuốn lớp 1); lần này in ở Malaysia cả bộ 7 cuốn (2 cuốn mầm non và 5 cuốn tiểu học từ lớp 1 tới lớp 5).
Đừng tưởng chuyện nhỏ, một bộ sách toán của Việt Nam đến với cộng đồng ASEAN là một bước tiến quan trọng trong sản xuất sản phẩm giáo dục.
Hoặc Abivin – Startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải, đại diện của Việt Nam thắng cuộc từ Techfest Việt Nam 2018, vượt qua hơn 40 quốc gia để trở thành quán quân của Startup World (San Francisco), giành giải thưởng 1.000.000 USD đầu tư.
Con đường ngắn nhất để thay đổi nhanh và mạnh nền kinh tế đất nước là khoa học công nghệ, làm ra được các sản phẩm trí tuệ. Điều này đã được các nhà lãnh đạo xác định, từ đó mới có khái niệm “Make in Việt Nam”. Để thực hiện được nhiệm vụ lớn lao này, dứt khoát phải dựa vào nguồn lực con người, và đương nhiên là trí thức trẻ.
Hiện nay, có nhiều sinh viên Việt Nam học đại học, sau đại học ở trong nước cũng như các nước, trong đó có không ít người theo đuổi khoa học công nghệ, có thành tựu về AI, machine learning, công nghệ sinh học, vật lý nano. Có nhiều người là ngôi sao trong các công ty nổi tiếng của Mỹ như TS Lê Viết Quốc, chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, là một trong 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới năm 2014.
Có một điều rất vui là TS Lê Viết Quốc luôn mơ một giấc mơ Việt Nam. Và không chỉ Lê Viết Quốc, còn nhiều bạn trẻ đang nóng lòng về nước.
Với lực lượng này, giới trẻ Việt Nam có thể khởi nghiệp với mục đích tạo ra sự thay đổi bằng các sản phẩm công nghệ. Tui có niềm tin như vậy.
Nhưng các bạn trẻ phải được ủng hộ, được đón nhận, được tạo điều kiện tối đa để trở về, để tập hợp và làm nên nghiệp lớn.
Chính phủ kiến tạo là thiết kế được những chính sách trọng dụng nhân tài và làm bệ phóng cho tài năng bay lên.
Sài Gòn ngày 09/10/2019
TQT