Phác họa toàn cảnh câu chuyện khởi nghiệp của một Startuper

BuffeInfo/ Báo Khởi Nghiệp

—–

Cho dù khởi nghiệp về công nghệ hay lĩnh vực kinh doanh nào thì tỉ lệ sống sót cũng rất thấp, bình quân là 10%. Vấn đề ở chỗ, ai sẽ là người trong số đó.

Hoặc có người khởi nghiệp nhiều lần, nhiều lần thất bại và sau đó thành công, như tui đây chẳng hạn. Đã qua nhiều thăng trầm khi chỉ muốn làm cái gì cũng mới, không giống ai, không bắt chước ai, và tui từng trả giá cho điều mình dám chọn, đường mình dám đi. Đến hôm nay thành công là nhờ một quá trình tích luỹ kinh nghiệm, đúc kết thương trường. Cho nên, nếu như ai đó xem start up như trò chơi dễ dàng thì chết là cái chắc.


Ngay cả bộ óc siêu phàm như Steve Jobs cũng từng gặp thất bại, bị sa thải khỏi công ty nơi mà anh là người sáng lập.
Tuy nhiên, không ai lại chọn con đường thất bại nhiều lần để đi đến thành công, mà tránh được sự trả giá càng nhiều càng tốt. May thay, các bạn trẻ hôm nay có nhiều kênh thông tin về doanh nhân, doanh nghiệp để tham khảo, có nhiều chuyên gia hỗ trợ, hoặc có mentor cố vấn khởi nghiệp.

Tui cũng rất vui và sẵn sàng tư vấn cho các bạn trẻ khởi nghiêp qua trang cá nhân của mình, như sự đóng góp trách nhiệm với xã hội, và để giúp các bạn tránh được những sai lầm như tui từng trải qua.

Và với bài viết của một start up từng thất bại mà tui giới thiệu dưới đây, các bạn có thêm nhiều bài học cho quá trình khởi nghiệp của mình.

Trần Quí Thanh

—–

 

Đại đa số những người đang có ý định bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng cho bản thân sẽ có chung câu hỏi: “Tôi muốn khởi nghiệp. Vậy tôi phải làm thế nào?”. Và bài viết sau đây sẽ phác hoạ toàn cảnh những bước cơ bản để bắt đầu Startup và kinh doanh online như thế nào.

Trước hết mời bạn lắng nghe một câu chuyện ngắn…

Ba năm trước, một chàng trai 23 tuổi ôm mộng khởi nghiệp. Với số vốn xấp xỉ 100 triệu, không ít cũng không nhiều, anh bước vào thế giới startup đầy mơ mộng, ước mơ được ngồi vào ngôi nhà Dreamplex với hoài bão doanh nghiệp của mình sẽ phát triển thành công.

Ba năm trôi qua, anh trở về với số 0 tròn trĩnh, cùng một nỗi thất vọng kèm theo những bài học xương máu. Anh nhận ra rằng mảnh đất startup thực sự là một “bông hồng có gai”, rất sexy, cuốn hút nhưng đầy chông gai và dễ dàng đổ máu nếu bạn còn ngây thơ. Chàng trai dại khờ ngày ấy chính là mình. Sau ba năm trải nghiệm mọi thăng trầm của con đường khởi nghiệp kinh doanh, mình đã hiểu rằng mình đã đi sai vài bước. Chính vài bước quan trọng ấy sẽ là những cái gai nhọn nhất, sát thương cao nhất sẽ đập tan doanh nghiệp vừa mới ổn định được phần bản lề.

Nếu bạn đang ôm mộng và sẵn sàng lên đường để hiện thực hoá hoài bão, thì hãy đọc tiếp những chia sẻ dưới đây của mình. Chí ít nó sẽ giúp bạn hiểu mình đã phạm sai lầm quan trọng ở đâu để có thể tránh nó ra.

Ý tưởng là cần thiết, nhưng vốn mới là thứ quan trọng nhất

Khi chúng ta đến tuổi trưởng thành, sự sáng tạo tăng cao kéo theo hàng tá những ý tưởng mà mình nghĩ là độc đáo và chưa có ai nghĩ ra. Ý tưởng xuất phát từ cảm hứng, say mê sáng tạo. Có khi là từ sự tập trung cao độ mà ra. Trong kinh doanh, ý tưởng đa phần đều xuất phát từ “nhu cầu”. Mình là người thích ăn buffet, và mình từng nhận ra rằng Việt Nam chưa có một kênh thương mại điện tử chuyên biệt về buffet. Thế là mình đã thành lập công ty Buffet Info – một trang tin tức, bán vé buffet để khách hàng có thể dễ dàng theo dõi và đặt bàn.

Ý tưởng giúp ta định hình bản thân sẽ làm gì và tất nhiên tất cả sẽ chỉ nằm trong trí tưởng tượng nếu chúng ta không có vốn đủ để duy trì. Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, từ kinh doanh online đến offline, vốn luôn là tiền đề “đầu tiên” – “tiền đâu”. Hãy cầm sẵn trong tay một con số mà bạn chắc rằng mình có thể duy trì công ty trong khoảng 1 đến 2 năm. Đây là khoảng thời gian nền tảng để xây dựng doanh nghiệp và sản phẩm của bạn.

Cần lưu ý rằng vốn (capital) không phải là một hằng số. Nó cần phải là một biến số, tức là liên tục thay đổi theo hướng đi lên cho đến khi đạt được mức ổn định và dừng.

Có khá nhiều cách kiếm vốn như dùng số tiền tiết kiệm của bản thân sau nhiều năm đi làm và tích cóp, hoặc mượn gia đình, bạn bè. Khi dùng hết số vốn ban đầu thì có thể tiếp tục “mượn gà đẻ trứng” (mượn gia đình hay vay vốn ngân hàng) hoặc có thể lên Shark Tank để “make a deal” (cách này thì mình không ủng hộ lắm vì tốn thời gian mà chưa chắc được gì).

Sau khi xác định được nguồn vốn ổn định thì chúng ta sẽ xác định mặt hàng mình sẽ kinh doanh.

Bán thứ bạn rành và đừng là một amateur trong lĩnh vực bạn sắp làm

Như mình đã nói, hàng loạt ý tưởng xuất hiện và một trí óc mơ mộng sẽ dễ khiến bạn tập trung vào những ý tưởng độc lạ mà đôi khi bạn chẳng hiểu tẹo gì về nó. Hay nói cách khác là ý tưởng đó hoàn toàn không thuộc về lĩnh vực mà bạn am hiểu. Bạn chỉ thấy nó hay ho và muốn startup ngay và luôn.

“Wrong…wrong and wrong!”

Mình từng làm trong ngành du lịch nên có nhiều mối quan hệ với các nhà hàng khách sạn, đó là một lợi thế lớn vì mình sẽ dễ dàng đạt được thoả thuận hợp tác với họ hơn. Ý mình là hãy khởi nghiệp với mặt hàng hay lĩnh vực mà bạn am hiểu hay chí ít đã từng tiếp xúc với nó trong một thời gian dài, vì những kinh nghiệm từng trải sẽ giúp bạn bắt nhịp dễ dàng và thuận lợi hơn nhiều.

Tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu để sản xuất hay nhập hàng về bán

Mình có một người bạn thân, mấy năm trước chạy theo xu hướng mở quán coffee dạng như Effoc, Urban Station rồi bán nước hoa. Tất cả đều thất bại. Sau này nhận ra gia đình mình vốn làm vải vóc, thế là cậu ấy liền mở shop quần áo theo dạng nhượng quyền. Với nguồn cung vải có sẵn, bạn mình đã chủ động hơn nhiều trong việc làm ra sản phẩm, chi phí cũng tiết kiệm nhiều. Kết quả là công việc kinh doanh rất thuận lợi.

Nếu bạn startup mảng bán hàng hay thương mại điện tử, thì tìm kiếm nguồn cung vật liệu hay sản phẩm là một bài toán cần phải giải liền (kiểu như không làm câu 1 sẽ không có cơ sở để làm câu 2,3 vậy). Ví dụ khi bạn quyết định “đánh” hàng từ Trung Quốc về, bạn sẽ có 2 lựa chọn : tìm hàng trực tiếp từ các trang Alibaba, Aliexpress,… hoặc gián tiếp từ các trang chuyên nhập hàng trung quốc như 1688express.com.vn, nhaphangsieutoc.com, vominhthien.com,… Bạn cũng có thể mở một trang web nhập hàng trung quốc về Việt Nam nếu vốn đủ lớn.

Nguồn cung ứng rất quan trọng. Nó sẽ quyết định chất lượng sản phẩm của bạn. Bạn nhập được những sản phẩm tốt thì bạn sẽ có nhiều khách hàng và ngược lại. Cá nhân mình nhận định thì nên là một nhà nhập hàng trực tiếp chứ đừng thông qua đơn vị trung gian, vì những khoản phí phát sinh và sự lệ thuộc sẽ khiến bạn gặp khó khăn sau này. Đầu tư hẳn một lần thì tốt hơn.

Xây dựng bộ mặt doanh nghiệp online – Website

Những thứ mình nói bên trên mới chỉ là phần nghe, nhìn hay có thể gọi là phần offline. BẤT KỲ MỘT DOANH NGHIỆP NÀO CŨNG CẦN PHẢI CÓ MỘT WEBSITE.

Mình viết in hoa để nhấn rõ tầm quan trọng của website. Khách hàng ngày nay có thói quen lướt web và check mạng xã hội để tìm kiếm những món đồ, dịch vụ họ muốn nên bạn không thể không có một website được. Nên chọn những công ty thiết kế website chuyên nghiệp, tránh những đơn vị thiết kế website giá rẻ (3-4 triệu/website). Tin mình đi, “của rẻ là của ôi”, khách hàng sẽ chẳng thể hài lòng với một bản thiết kế tạm bợ và không có tí thẩm mỹ nào đâu.

Phần mềm nguồn mở mình thích nhất cho tới giờ là WordPress (được viết bằng ngôn ngữ lập trình website PHP và sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu MySQL), cũng là bộ đôi ngôn ngữ lập trình website thông dụng nhất hiện tại. Lý do mình thích vì nó dễ sử dụng cho việc tạo và chỉnh sửa bài viết, nhiều gói giao diện có sẵn, nhiều plugin có sẵn và có thể làm được nhiều website khác nhau

Lưu ý là nên tích hợp chế độ responsive (tương thích trên mọi thiết bị điện thoại, máy tính bảng, laptop) vì ngày nay PC hay laptop không còn là công cụ duy nhất để truy cập Internet nữa.

Một lý do nữa mình chọn đơn vị thiết kế chuyên nghiệp là vì họ biết cách xây dựng một website chuẩn SEO. Cực kỳ quan trọng nhé! SEO là công cụ rất hữu ích trong quá trình chạy marketing online. Bạn tiêu tốn hàng đống tiền vào Internet mà không có lấy một chiến lược nào chuẩn SEO thì không bao giờ hiệu quả được.

Đặt tên và tạo hình cho đứa con tinh thần của mình

Đẻ con ra thì phải đặt tên cho nó. Đó là điều hiển nhiên rồi phải không. Sau khi bạn đã xây dựng được những phương án cần và đủ cho việc khởi nghiệp thì kế đến là bước đặt tên cho thương hiệu. Có một vài lưu ý mình muốn các bạn né ra trong quá trình suy nghĩ tên :

  • Nên thuần việt cho dễ đọc, dễ nhớ
  • Tránh dùng tiếng anh quá khó nhớ để đặt, trừ khi không có từ tiếng việt đủ hay để thay thế (ví dụ từ buffet dịch ra tiếng việt là tiệc đứng nghe hơi xa lạ nên mình đành dùng tên Buffet Info).
  • Có thể dùng tên riêng chủ doanh nghiệp để đặt
  • Ngắn gọn, dễ mường tượng để tiện cho việc thiết kế logo

Bước kế tiếp là thiết kế logo. Mình khuyên các bạn nên chọn tới những công ty thiết kế website cao cấp hoặc chuyên về thiết kế logo để hợp tác vì họ sẽ có những designer trình độ cao hiểu được ý muốn của bạn. Logo nên trực quan, tinh tế và thể hiện brand của doanh nghiệp vì khách hàng sẽ nhớ về logo nhiều hơn là tên doanh nghiệp.

Bắt đầu tiến công trên các mặt trận lớn và nhỏ

Khi đã xong phần cơ bản, bước tiếp theo bạn phải làm là viral (lan toả) những ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ ra khắp mặt trận Internet. Tất nhiên đánh địch thì phải đánh vào những đồn trú quan trọng thì mới mong chiếm được thế thượng phong. Và những đồn trú lớn ở đây chính là những mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Zalo,… tới những trang thương mại điện tử hàng đầu (Shopee, Lazada, Tiki,…). Nếu bạn kinh doanh mảng F&B thì Foody, Hotdeal, Diadiemanuong,… là nơi viral chính nhé.

Các kênh lớn có nhiều khách truy cập hơn, cơ hội sẽ lớn hơn nhưng cũng đừng vì thế mà bạn bỏ qua những kênh nhỏ khác vì đôi khi khách hàng sẽ biết tới bạn qua những trang mạng xã hội mà chúng ta không ngờ. Có thể kể đến một vài trang như Lozi, Meete (F&B); Én bạc, Robbins, Chotot, Sendo (TMĐT); Twitter (mình xếp MXH này vào đây vì nó không phổ biến ở Việt Nam), Pinterest,…

Tuy nhiên, bạn cũng cần phải chọn ra một đến hai mặt trận chính để tập trung 2/3 nguồn lực vào đó. Buffet Info của mình từng là một trong những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Foody, Hotdeal nên mình tập trung hầu hết vào mảng quảng cáo trên Facebook và Google. Bạn phải nghiên cứu xem doanh nghiệp của mình sẽ phù hợp với kênh online nào để nhanh chóng tìm được khách hàng quan tâm tới sản phẩm của bạn.

Marketing online cho kênh chính – “Những kẻ hắt hơi” và “virus ý tưởng”

Mình đã phạm phải một vài sai lầm ở bước này. Để mạch bài viết không bị ngắt quãng thì mình sẽ nói cụ thể hơn đan xen giữa các bước ở dưới nên các bạn đọc tiếp nhé.

Một trong những chiến lược quan trọng của marketing online như mình đã đề cập ở trên đó là thiết kế website chuẩn SEO, chuẩn responsive. Các bước còn lại bao gồm :

1. SEM – Marketing online thông qua công cụ tìm kiếm

SEM là hình thức quảng cáo trên các bộ máy tìm kiếm như Google, Yahoo và Bing SEM bao gồm 2 nhánh: SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) và PCC (Pay Per Click)

SEO (Search Engine Otimization) : Là quá trình tối ưu hóa giúp cho website có thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm với những từ khóa nhất định. Để SEO đem lại hiệu quả tốt cần đầu tư thời gian, nguồn lực, xây dựng một chiến lược có hiệu quả để tạo cho mình một nội dung có chất lượng tốt và thu hút sự quan tâm của khách hàng. Nếu bạn không gặp nhiều cạnh tranh trong kết quả tìm kiếm, SEO là lựa chọn tốt

PCC: là hình thức quảng cáo trên công cụ tìm kiếm và trả phí cho mỗi lần click.

Đối với PCC cần có sự phân tích kỹ, phán đoán chính xác từ khóa, phân loại từ khóa thích hợp cho mỗi đối tượng khách hàng tiềm năng của mình và viết mẫu quảng cáo hấp dẫn. Nếu bạn gặp nhiều cạnh tranh trong kết quả tìm kiếm, PPC sẽ là giải pháp phù hợp hơn cho bạn. Lợi ích lớn nhất của việc sử dụng PPC trong một ngành có nhiều cạnh tranh đó là PPC cho phép bạn xuất hiện hàng đầu tại Google mà không phải mất quá nhiều thời gian cải thiện thứ hạng tự nhiên.

Sai lầm của mình là đã đánh giá thấp PPC của đối thủ cạnh tranh nên mình không tập trung tốt cho phần SEO, do đó Buffet Info đã bị đẩy xuống trang 3 của Goolge. Khách hàng thường không có thói quen tìm kiếm quá 2 trang của Google nên kết quả là đối tác thì rất sẵn sàng hợp tác, còn khách hàng thì lại thiếu trầm trọng.

2. Mạng xã hội

Mình cũng đã đề cập ở trên về kênh quảng cáo online này. Mình sẽ đi sâu hơn về nó.

Mỗi một mạng xã hội đều sẽ có một phương pháp chạy marketing riêng, tuy nhiên Facebook, Youtube – theo kinh nghiệm của mình thì đây là 2 kênh quảng cáo tốt nhất trong tất cả những mạng xã hội. Các bạn có thể nhìn vào thống kê dưới đây để hiểu hơn vì sao mình lại chọn 2 kênh này nhé :

Với Facebook, với mỗi số tiền bỏ ra (tối thiểu 50.000 đồng) bạn sẽ nhận lại được một lượng khách hàng tương ứng biết tới sản phẩm, dịch vụ của mình.

Với Youtube, sẽ có nhiều cách để đặt quảng cáo và chi phí được tính dựa trên lượt xem và click vào quảng cáo. Ngân sách dự kiến chỉ vào khoảng trên dưới 10.000.000 trải dài trong một khoảng thời gian nhất định.

Với lợi thế chạy quảng cáo ngày lẫn đêm, marketing online trên Facebook và Youtube giúp bạn giới thiệu doanh nghiệp tốt trong những ngày đầu mới kinh doanh online.

Marketing online : Đừng suy nghĩ quá phức tạp về nó!

Bạn chớ vội suy nghĩ rằng marketing online là một quy trình gì đó to lớn, phức tạp và cần sự chuyên nghiệp quá mức. Quảng cáo trên mạng chỉ đơn giản là bỏ tiền hoặc công sức ra để phủ sóng tới mọi người, thế thôi. Điều bạn cần chú ý đó là việc chúng ta lựa chọn đối tượng và mức phí như thế nào để vừa hiệu quả lại ít tốn kém nhất.

Ví dụ bạn muốn bán một sản phẩm là ốp lưng điện thoại, nhưng đối tượng lại bạn chọn để quảng cáo lại là những người có độ tuổi từ 40 đến 65 thì tất nhiên quảng cáo đó sẽ thất bại hay bạn chăm chăm viết hàng chục bài viết nhưng lại chẳng trúng lấy một keyword quan trọng nào.

Theo Seth Godin (bậc thầy Internet marketing bởi những tư tưởng độc đáo của mình), nếu các thương hiệu muốn có được sự yêu thích lâu dài của khách hàng, họ cần phải thay đổi ngay lập tức tư tưởng “nhồi nhét” quảng cáo vào tâm trí khách hàng, bởi sự khó tính ngày càng tăng lên của người tiêu dùng, đặc biệt là cư dân mạng.

“Những kẻ hắt hơi” và “virus ý tưởng”

Mình lan man chút ở đây để bạn hình dung rõ hơn về marketing online. Có thể ví von rằng khi chạy marketing online, bạn là “những kẻ hắt hơi” và những ý tưởng quảng cáo là “virus ý tưởng”

Có nhiều cách để lan toả con “virus ý tưởng” đó đi. Một trong những cách phổ biến và tương đối hiệu quả hơn hẳn là thông qua những người nổi tiếng. Một bài viết quảng cáo từ những người nổi tiếng, có sức ảnh hướng lớn đến cộng đồng sẽ giúp thương hiệu của bạn nhanh chóng được biết đến. Bạn không cần phải “nhồi nhét” hàng tá bài viết cho khách hàng làm gì.

Chạy quảng cáo mạnh cho kênh chính

Khi bạn đã xác định được kênh nào là chính và sau thời gian tạo nội dung tương đối phong phú cho nó rồi thì mình khuyên bạn là hãy tập trung mọi nguồn lực bạn có để chạy quảng cáo cho kênh chính này. Sai lầm thứ hai của mình đó là không chạy quảng cáo mạnh cho kênh Facebook, đặc biệt là Google. Lý ra mình nên chạy PPC 1 thời gian để nó cạnh tranh với Hotdeal hay Foody thì kết quả có lẽ sẽ khả quan hơn.

Nếu ai đó nói với bạn rằng nhiều bài viết tốt sẽ SEO tốt thì mình khẳng định lại nhiều bài viết tốt kèm theo tài chính tốt sẽ thúc đẩy từ khoá bạn muốn lên top nhanh hơn. Đến đây bạn nào hỏi mình “Ngộ nhỡ tài chính không cho phép thì sao?” thì vui lòng xem lại bước đầu tiên của bài viết nhé.

Mình cần các bạn đủ cứng về tài chính ở bước này vì nó khá quan trọng. Startup cần sự nhanh chóng tạo dựng nền tảng ban đầu, doanh số hay lợi nhuận là một câu chuyện về sau khi doanh nghiệp đã tương đối ăn nên làm ra.

Tư duy rộng hơn khi doanh nghiệp lớn hơn

Khi mô hình khi doanh của bạn ổn định, bắt đầu có lợi nhuận thì hãy bắt đầu nghĩ về chiến lược mở rộng nó ra hơn (mình nhấn mạnh là “khi” nhé, còn bạn nào chưa xây dựng xong nền tảng thì đừng nên mơ mộng mở rộng làm gì cho tốn kém).

Nếu bạn làm thương mại điện tử, thứ bạn cần mở rộng là phạm vi hàng hoá. Phạm vi ở đây có nhiều ý nghĩa, có thể là thể loại mặt hàng (như Tiki trước đây chỉ bán sách, từ ngày được VNG rót vốn nâng cấp lên bán đủ thứ mặt hàng) hoặc có thể là phạm vi địa lý (từ Sài Gòn mở rộng ra Hà Nội,…và các nước khác). Đi kèm với số lượng hàng hoá tăng lên là kho bãi chứa hàng và phần mềm quản lý bán hàng.

Nói riêng một chút về phần mềm quản lý bán hàng. Đây là một quy trình khá phức tạp và tốn kém NHƯNG rất cần thiết. Nó có nhiều phần mềm quản lý : quản lý nhân sự, quản lý bán hàng, quản lý xuất nhập hàng hoá, quản lý thu chi, thuế má,… Mỗi phần mềm có chức năng riêng biệt nên đòi hỏi đội ngũ lập trình cũng phải thực sự tốt và có kinh nghiệm. Mình khuyên các bạn nên chọn những công ty lập trình phần mềm có tiếng để làm, chi phí dao động vào khoảng 100-200 triệu cho một bộ phần mềm quản lý bán hàng.

Ngoài ra bạn có thể dùng đến marketing offline (báo chí, truyền thông, TV,…) để quảng cáo cho doanh nghiệp. Theo mình nhớ thì Chotot.vn trước đây cũng chỉ quảng cáo online, sau 3,4 năm hoạt động thì họ đã quảng cáo trên TV rồi. Nhìn vào đó cũng đã thấy được việc kinh doanh của họ thật sự tốt và bắt đầu có lợi nhuận (ban đầu thì all free mà).

Kết luận

Khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng cho bất cứ ai, vì thế hãy bắt đầu khi bạn thực sự đủ tiềm lực để đứng vững trước những thách thức to lớn của sân chơi đầy mồ hôi và nước mắt này. Để thành công cần có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Hãy chuẩn bị yếu tố “nhân” thật tốt trước khi có được 2 yếu tố còn lại nhé.

Mình vừa tổng hợp lại tất cả mọi bước trong quá trình khởi nghiệp lại theo dạng chia sẻ cho các bạn. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình nuôi dưỡng và thực hiện ý tưởng. Cám ơn vì đã đọc đến trọn vẹn dòng cuối cùng này và mình chúc các bạn sẽ thành công với những dự án của bản thân!

NGUÔN:  Theo Báo Khởi Nghiệp.org.vn

Link bài: Phác họa toàn cảnh….

(https://khoinghiep.org.vn/phac-hoa-toan-canh-cau-chuyen-khoi-nghiep-cua-mot-startuper-17475.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *