Khủng hoảng nước sạch: Lỗi quy trình hay lỗi con người?

Nguyễn Minh Đức/ Báo TBKTSG

Khu vực suối đầu nguồn dẫn nước vào Nhà máy nước sông Đà tại Kỳ Sơn, Hòa Bình. Ảnh: TTXVN

—-
Ngày 25-10, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát đi thông cáo gửi lời xin lỗi đến toàn bộ người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố. Tuy nhiên, nhìn nhận lại vụ khủng hoảng nước sạch Sông Đà, một câu hỏi lớn đặt ra: Lỗi do con người hay lỗi của quy trình?

Lỗi con người?

Theo thông tin từ các cuộc họp báo, từ đầu tháng 10, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Nhà máy Nước sạch Sông Đà) đã phát hiện nguồn nước vào nhà máy có dầu. Nhà máy đã dùng clo và một số hóa chất khác để tăng cường xử lý nước. Nước qua xử lý đã được phòng thử nghiệm nội bộ của nhà máy kiểm tra (test) và cho ra kết quả an toàn. Do đó, nhà máy vẫn tiếp tục cung cấp nước cho người dân.

Thông tư 41/2018/TT-BYT về quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt có đến 99 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu này được chia thành hai nhóm, A và B. Nhóm A gồm tám chất ô nhiễm thường gặp nên mọi đơn vị cấp nước sạch đều phải test. Nhóm B gồm 91 chỉ tiêu hiếm gặp hơn nên chỉ được test trong một số trường hợp nhất định.

Styren thuộc các thông số nhóm B, tức là một chất ô nhiễm hiếm gặp. Trên thực tế, khi phát hiện dầu và đã xử lý bằng clo và hóa chất, thì kết quả thử nghiệm của nhà máy chỉ bao gồm các chỉ tiêu nhóm A mà không có các chỉ tiêu nhóm B. Do đó, công ty vẫn cho rằng nước sạch và đáp ứng chuẩn. Chỉ đến khi chính quyền vào cuộc thì mới test cả styren và phát hiện ra dư lượng quá mức cho phép.

Thông thường, người ta không test hết cả 99 chỉ tiêu vì chi phí thử nghiệm sẽ rất lãng phí và cũng không cần thiết.

Tuy nhiên, vẫn có năm trường hợp phải test đủ tất cả các chỉ tiêu, gồm (1) trước khi đi vào vận hành lần đầu, (2) sau khi nâng cấp, sửa chữa lớn có tác động đến hệ thống sản xuất; (3) khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch; (4) khi xuất hiện rủi ro trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; và (5) định kỳ ba năm một lần phải thử nghiệm toàn bộ các thông số.

Việc phát hiện dầu thải có thể được coi là rơi vào trường hợp “khi có sự cố về môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch”. Lúc này, nhà máy nước buộc phải test tất cả các chỉ tiêu, đặc biệt là các chỉ tiêu hữu cơ từ mục 37 đến mục 56 của các chỉ tiêu nhóm B. Styren nằm ở số thứ tự 48. Nếu họ làm đúng như vậy thì đáng lý ra đã phải phát hiện được dư lượng styren ngay từ ngày đầu tiên, chứ không phải mất cả chục ngày như những gì đã diễn ra.

Hành vi không test các chỉ tiêu nhóm B của công ty đã vi phạm điều 5 của Thông tư 41. Điều 5 này quy định là khi xảy ra sự cố môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu vào thì phải test nước đầu ra tất cả các chỉ tiêu nhóm A và nhóm B.

Việc không test chỉ tiêu nhóm B dẫn đến không phát hiện styren, không đưa ra cảnh báo và khuyến cáo người dân Hà Nội về chất lượng nước trong khoảng 10 ngày đầu tháng 10, gây thiệt hại về sức khỏe và kinh tế cho hàng triệu người dân tại Hà Nội. Hành vi này có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường hoặc Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Lỗi quy trình?

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở con người, mà vụ việc vừa qua còn cho thấy quy trình kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt của Việt Nam rất lỏng lẻo. Chúng ta có một quy chuẩn về chất lượng nước khá rõ, gồm hơn trăm chỉ tiêu, tương ứng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nhưng quy định về giám sát, thử nghiệm thì có vấn đề.

Nước sinh hoạt chỉ được thử nghiệm mỗi tháng một lần với các chỉ tiêu nhóm A, và ba tháng một lần với các chỉ tiêu nhóm B. Người thử nghiệm lại là chính nhà máy cấp nước chứ không phải một đơn vị độc lập.

Chỉ cần nhẹ nhàng so sánh cơ chế này với cơ chế dành cho nước thải sẽ thấy chúng ta giám sát chất lượng nước thải còn chặt chẽ hơn giám sát chất lượng nước sinh hoạt.

Nước thải phải được quan trắc tự động, kết quả quan trắc phải được nối mạng để truyền về cơ quan môi trường. Chủ nguồn thải thường phải thuê đơn vị độc lập được Nhà nước cấp phép để làm việc này.

Cơ chế kiểm soát rủi ro của nước thải cũng chặt hơn nước sinh hoạt. Từ năm 2019, theo Nghị định 40, nước thải sau khi được xử lý không được thải ngay ra môi trường mà phải đưa vào hồ sự cố để vài ngày rồi mới được thải. Mục đích của hồ chứa là nhằm kiểm soát rủi ro, khi hệ thống xử lý bị sự cố (như từng diễn ra ở Formosa) thì nước thải vẫn còn nằm trong hồ.

Trong khi đó, nước sinh hoạt sản xuất ra là được cấp luôn đến người dân mà không hề có cơ chế phòng ngừa trường hợp nguồn đầu vào hoặc thiết bị xử lý gặp sự cố. Các nhà máy nước cũng không có nguồn dự phòng khi nguồn chính bị ô nhiễm.

Đây là một cơ chế rất lỏng lẻo, tần suất giám sát thấp, không có biện pháp kiểm tra chéo, không có biện pháp kiểm soát rủi ro nhiều lớp. Với một cơ chế lỏng lẻo như vậy, phụ thuộc vào một vài con người cụ thể, nên khi người đó làm sai quy trình như đã diễn ra ở Nhà máy Nước sạch Sông Đà thì hậu quả rất lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng vụ khủng hoảng nước sạch Sông Đà là do chính sách tư nhân hóa các công ty cấp nước. Nhưng với một cơ chế kiểm soát chất lượng nước lỏng lẻo như vậy thì kể cả tư nhân hay Nhà nước vận hành thì an ninh nước sạch đều vẫn sẽ mong manh.

Chủ trương tư nhân hóa các dịch vụ công vẫn là chủ trương đúng. Vấn đề nằm ở chỗ, Nhà nước rút ra khỏi chức năng cung cấp dịch vụ công, nhưng lại buông lỏng chức năng giám sát việc tư nhân cung cấp dịch vụ công.

NGUỒN: Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link: Khủng hoảng nước sạch

(https://www.thesaigontimes.vn/td/295833/khung-hoang-nuoc-sach-loi-quy-trinh-hay-loi-con-nguoi.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *