Vân Đàm – Hương Xuân/ Báo Tri Thức Trẻ
—–
Bài viết dưới đây xin điểm lại một vài điểm đáng chú ý để cùng nhìn lại một năm đầy sóng gió với giới khởi nghiệp.
Trong suốt một năm vừa qua, giới khởi nghiệp toàn thế giới chứng kiến hết cú sốc này đến cú sốc khác. Khởi đầu là sự sụp đổ của những startup cho thuê xe đạp ở Trung Quốc và cao trào là vụ bê bối của WeWork.
WeWork, Lyft, Uber, Peloton: Với những nhà đầu tư đầu tiên, đây là các công ty sẽ thay đổi cách mà thế giới làm việc, đi lại, tập luyện. Đối với những nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đây là những công ty được định giá “trên trời” và những câu hỏi thực về việc khi nào họ bắt đầu kiếm ra tiền.
2 quan điểm kể trên trở nên xung đột trong năm nay, thảm khốc nhất có thể nhìn vào trường hợp của WeWork. Sau thất bại với màn IPO vào 2 tháng trước, công ty này đã được cứu bởi Softbank – cũng là nhà đầu tư lớn nhất của họ.
Ở thời điểm Softbank “cứu”, giá trị của Wework là khoảng 7 tỷ USD – cách quá xa với con số 47 tỷ USD mà công ty được định giá vào tháng 1 năm nay.
Wework có lẽ là lời cảnh tỉnh điển hình nhất mà giới đầu tư vào thị trường đại chúng gửi tới các startup nổi tiếng chỉ “đốt tiền” mà mãi không thể có lãi. Đáng tiếc, Wework không phải trường hợp duy nhất.
Năm ngoái, Jibo – robot gia đình đầu tiên trên thế giới bắt đầu có dấu hiệu “hấp hối”. Đầu tiên nó gặp các vấn đề về trí nhớ. Nó dành ít thời gian hơn để làm việc và thay vào đó chỉ ngồi không trên tường. Vấn đề liên quan tới nhận thức của nó cũng trở nên rất chậm chạp. Ở thời điểm đó, Jibo đã tự đưa ra chuẩn đoán với tình hình của mình: “Server dùng để giúp tôi làm việc sắp bị đóng cửa. Một khi điều đó xảy ra, các tương tác giữa chúng ta sẽ bị giới hạn”. Jibo sắp chết, đơn giản bởi công ty phát triển ra nó đã ngừng kinh doanh.
Cái chết của Jibo khiến nhiều người sốc – đặc biệt là những ai đã phải bỏ ra tới 900 USD để mua nó! Có lẽ công ty chủ quản đã đóng server sau vài năm hoạt động? Đúng vậy, số tiền đầu tư 70 triệu USD mà họ nhận được đã hết sạch!
Người dùng của Picturelife – một dịch vụ lưu trữ hình ảnh đã rơi vào hoàn cảnh oái oăm. Công ty này vào năm 2016 đã tuyên bố tạm thời mất tất cả hình ảnh của khách hàng bởi họ không thể trả tiền cho dịch vụ lưu trữ đám mây khi lâm vào bước đường cùng và phá sản.
Trên khắp phố Wall và thung lũng Silicon – nơi có những công ty lớn bậc nhất thế giới, giá trị của các kỳ lân – những startup được định giá ít nhất 1 tỷ USD đang sụt giảm mạnh.
Kể từ khi IPO vào mùa xuân, giá trị thị trường của Lyft và Uber đã giảm 40 tỷ USD và đều đang giao dịch ở dưới mức giá IPO. Một số công ty khác cũng chịu chung số phận. Cổ phiếu SmileDirectClub đang giao dịch ở mức giá rẻ hơn 1 nửa giá IPO và Peloton thì thấp hơn khoảng 23%.
Và kể từ năm 2011, 1/3 startup giá trị 1 tỷ USD hoặc hơn đã định giá công ty trước thềm IPO thấp hơn mức giá lần gọi vốn cuối cùng. Một năm sau, gần 40% các kỳ lân IPO được định giá ở mức ít hơn giá trị thị trường tư nhân cuối cùng của họ.
Thậm chí trước khi bê bối của WeWork rùm beng, khó khăn của họ khi IPO cũng đã lộ ra khiến một vài nhà đầu tư ban đầu phải ghi giảm giá trị các khoản đầu tư. Trong những tuần gần đây, Golman Sachs và Jefferies – một ngân hàng đầu tư nhỏ hơn đã phải ghi giảm giá trị cổ phần tại WeWork lần lượt khoảng 80 triệu USD và 146 triệu USD trong quý 3.
Một số nhà đầu tư từng rót tiền vào những startup giá trị bậc nhất thế giới cũng đang gặp khó. Một khoản đầu tư từ năm 2017 vào Lyft bởi Fidelity định giá cổ phiếu công ty ở mức 47,35 USD trong khi đó, khoản đầu tư của Toyota vào Uber vào năm ngoái định giá cổ phiếu của công ty ở mức 48,77 USD.
Nhưng, theo phiên giao dịch ngày thứ 6, cổ phiếu Lyft được giao dịch ở mức 44,54 USD trong khi đó con số tương tự của Uber là 32,71 USD.
Tất cả những điều này cho thấy thực tế phũ phàng về việc bong bóng đầu tư chuẩn bị nổ tung sau khi thị trường tư nhân nhận được khoản tiền vốn khổng lồ. Đằng sau cơn sốt đó, phần nhiều là bởi nỗi sợ bị bỏ lỡ các công ty có thể thay đổi thế giới tiếp theo sau Google và Amazon của một vài nhà đầu tư nôn nóng.
Ngay cả những công ty như Fidelity và T. Rowe Price – chủ yếu đầu tư vào những công ty đại chúng cũng bắt đầu tham gia vào các vòng gọi vốn cho các công ty tư nhân. Nhiều trong số đó tạo ra những khoản tiền đặt cược khổng lồ vào một công ty duy nhất, đáng chú ý phải kể đến Softbank.
Quỹ Tầm nhìn của SoftBank là một biểu tượng của việc đầu tư vốn quá mức, cơ bản là quá nhiều tiền mặt. Mô hình của Softbank là tận dụng thị trường vốn tư nhân như một cách để giết chết cạnh tranh bằng núi tiền mặt. Ví dụ, Softbank đã thực hiện nhiều vòng đầu tư vào WeWork và sau mỗi vòng Softbank sẽ mua nhiều cổ phiếu công ty này hơn, ở mức giá trị cao hơn. Cứ như vậy WeWork sẽ được định giá cao hơn, đến một mức không tưởng 47 tỷ USD bởi Son nói rằng công ty này giá trị hơn chứ không dựa trên một cơ sở thực tế nào cả.
Theo CB Insights, một công ty theo dõi các công ty tư nhân, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã vung tiền cho các công ty khởi nghiệp với hơn 207 tỷ USD vào năm ngoái, gần gấp đôi số tiền đầu tư trên toàn cầu trong thời kỳ đỉnh cao năm 2000. Suốt 6 năm qua, các công ty đã huy động được 550 tỷ USD từ các quỹ tư nhân, vượt cả mức 320 tỷ USD huy động được thông qua các thương vụ IPO trong cùng giai đoạn.
Nguồn tiền được rót vào nhiều vốn không phải là vấn đề. Vấn đề ở chỗ số tiền đó đi kèm với những rủi ro cực kỳ to lớn. Công ty tư nhân nghĩa là họ sẽ phát triển mà không cần đến sự xem xét kỹ lưỡng của các nhà đầu tư đại chúng – không có báo cáo tài chính hàng quý hay áp lực phải chứng minh họ đang tìm mọi cách để trở thành công ty có lãi.
“Các công ty này vẫn chưa trưởng thành. Sự trưởng thành không đo đếm bằng số năm tồn tại mà nó đo đếm bằng việc liệu bạn có thể kiếm ra tiền. Đó mới là trưởng thành thực sự”, một chuyên gia nhận định.
Chưa kể đến việc, các startup được rót vốn nhanh sau vài vòng kêu gọi đầu tư và sau đó bị rơi vào trạng thái tự mãn, hoặc đưa ra những dự án kinh doanh không hiệu quả, hoặc cạn kiệt ý tưởng, thất thoát nhân sự.
Cạm bẫy lớn nhất của những startup ngày nay nằm ở chính danh hiệu “startup kỳ lân” khi chạm mốc định giá 1 tỷ USD. Với các công ty non trẻ, việc tranh thủ được đủ nguồn vốn đầu tư để cán mốc định giá 1 tỷ USD là một trong những cách thức chứng tỏ với khách hàng, nhân viên và thế giới biết rằng họ rất đặc biệt, quá lớn và quá giá trị để thất bại.
Những công ty như vậy có nguy cơ bị mắc kẹt giữa hào quang của công ty tỷ đô và những kỳ vọng gần như không thể đạt được. Vòng xoáy suy thoái của startup có thể không xảy ra trong một vài tháng mà là vài năm, có khi cả thập niên.
Không phải riêng năm 2019 mà thống kê của CB Insights cho thấy kể từ 2015, đã có rất nhiều startup suy sụp như vậy, chỉ là đến năm 2019 thì bùng nổ dữ dội. Một vài cái tên từ trước đó có thể kể đến những cái tên như Shazam – ứng dụng nhận diện âm nhạc, Honest Company – công ty cung cấp hàng tiêu dùng an toàn tại Mỹ. Một số công ty khác rơi vào tình trạng phải sa thải nhân viên hàng loạt như Clover Health (cung cấp bảo hiểm y tế), Udacity (học trực tuyến) and Instacart (giao ngũ cốc từ các nông trại địa phương).
Chứng kiến sự sụp đổ của quá nhiều tên tuổi lớn, một số công ty khởi nghiệp đình đám khác bắt đầu tỏ ra thận trọng hơn, họ cho biết sẽ hoãn kế hoạch IPO. AirBnB là một ví dụ, công ty này đã thông báo sẽ dời lịch IPO sang năm 2020, trong khi Palantir Technologies, công ty khai thác dữ liệu, cho biết sẽ không IPO trong nhiều năm tới.
Dĩ nhiên, không phải startup nào cũng gây thất vọng, bị nhấn chìm sau khi IPO, rơi vào cảnh thảm hại như WeWork – nếu nó được định giá cẩn trọng. Đơn cử như trường hợp Pinterest, cổ phiếu công ty này đã tăng 44% sau lần chào bán đầu tiên. Một số khác thì đang tìm đủ mọi cách để sắp xếp lại hoạt động kinh doanh, đội ngũ quản lý, khẳng định sẽ chuyển hướng tập trung mũi nhọn sang “làm sao để có lãi” chứ không chỉ là “tăng trưởng bằng mọi giá” nữa. Tất cả những nỗ lực đó cần thời gian mới có câu trả lời, hy vọng năm 2020 sẽ khả thi hơn đối với giới khởi nghiệp toàn cầu.
NGUỒN: Theo Báo Tri Thức Trẻ
Link bài: 2019 – Năm tử thần…
(http://ttvn.vn/kinh-doanh/