Đào đường và cái quy trình làm khổ dân

Anh Đào/ Báo Lao Động

Nguồn hình: tintuc.vn

—–

Kịch bản giao thông cuối năm giống nhau y chang, đó là kẹt xe, hỗn loạn, tai nạn. Ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM còn có thêm “kịch tính”, khắp nơi đào đường, lát vỉa hè, quây bao làm các công trình hạ tầng.

Kẹt xe lại càng nặng thêm do các công trình này.

Người dân điên cái đầu hỏi vì sao trong năm không làm cho xong, đợi sát Tết mới làm. Tất nhiên chính những người thực hiện các dự án này cũng biết thi công sát Tết là bất cập, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhưng họ không có chọn lựa khác.

Vì các dự án xin từ đầu năm, nhưng xong thủ tục thì gần cuối năm.

Ai cũng biết, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách cũng có nguyên tắc, quy trình. Chờ làm đúng quy trình thì rơi vào thời điểm sát Tết, nguyên tắc là phải giải ngân cho kịp, nên thi công ào ào cuối năm là vậy đó.

Làm cấp tập cho theo đúng quy trình còn có nguy cơ không đảm bảo chất lượng. Có lẽ vì vậy nên người dân mới thấy, lề đường và các công trình hạ tầng thường hư hỏng, cứ đào bới sửa chữa, lát gạch lại thường xuyên.

Biết quy trình tạo ra kịch bản xấu này, thì cứ sửa lại quy trình để có kịch bản sáng sủa hơn. Đơn giản vậy thôi tại sao lại không làm?

Trần Quí Thanh

—–

Hàng loạt các tuyến phố ở các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm… của Hà Nội đang trở thành đại công trường khi vỉa hè được vội vội vàng vàng thay bằng đá xanh mới. TPHCM thì “cày xới toàn thành phố”. Tại sao lại cứ phải là cuối năm? Lỗi là do ông “quy trình”.

Hà Nội đang tồn tại cùng lúc 4 đại công trường, bủa vây khắp thành phố. Thậm chí, đại công trường 5.300 tỉ đồng cho dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long khiến đường Phạm Văn Đồng trở thành con đường khổ ải với khói bụi tắc nghẽn kinh khủng. Và, chính trong những tháng cuối năm này, hàng loạt các tuyến đường ở các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình tiếp tục được đào xới để chôn lấp đường ống, hoặc lát đá.

TPHCM đến ngày 20.11, có tổng số 123 vị trí rào chắn trên 54 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Trong đó, có rất nhiều dự án được cấp phép thi công từ ngày 25.9, tức trong giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4.

Câu hỏi cắc cớ chung của người dân là tại sao một năm có tới 365 ngày mà cứ nhằm dịp cuối năm để đào đường, để cày xới?

Thật ra đào đường cuối năm là “căn bệnh” mãn tính từ bao năm nay rồi.

Năm ngoái, một cán bộ ngành GTVT giải thích căn nguyên từ “quy trình xin cấp vốn”. Đại ý vào đầu năm, các đơn vị đăng ký dự án, đăng ký vốn. Rồi đến các thủ tục thiết kế, dự toán, thi công, đấu thầu, phê duyệt… Quy trình này kéo dài đến tháng 10, 11. Và bắt đầu… ồ ạt đào xới, ồ ạt vây chắn, ồ ạt công trường, ồ ạt khói bụi, ồ ạt tắc nghẽn, ồ ạt kêu gào, và cũng lại ồ ạt những tấm biển xin lỗi, ồ ạt những lời lẽ mong dân… thông cảm.

Năm nay, y chang. Báo Thanh Niên, dẫn lời PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học – kỹ thuật – môi trường, Ủy ban MTTQ TPHCM nhìn nhận nguyên nhân chính là các quận, huyện “chạy” cho kịp chỉ tiêu giải ngân, gom số ngân sách còn dư đổ vào các dự án làm dịp cuối năm vì không muốn phải trả lại cho thành phố. Các dự án đào đường thì dễ làm, đào lên lấp lại lúc nào cũng được. Không ngoại trừ trường hợp giữa năm, tiền dự án này lại được huy động làm dự án khác, cuối năm mới cân đối được để triển khai.

Tức là cũng vẫn quy trình ấy. Cũng vẫn những lời giải thích cho cơ chế ấy. Cũng vẫn tình trạng đại công trường khắp nơi ấy. Bất chấp cuối năm là dịp cường độ mật độ lưu thông tăng cao, bất chấp sự khốn khó của người dân.

Cái quy trình ấy do ai đặt ra nếu không phải là chúng ta. Và nó có phải là bất biến để không thể sửa đổi? Hay là vì chúng ta mặc kệ? Kệ cả những bức xúc bất bình của dân? 

NGUỒN: Theo Báo Lao Động online

Link bài: Đào đường và…

(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dao-duong-va-cai-quy-trinh-lam-kho-dan-774787.ldo)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *