3 kỹ năng một start up phải sở hữu

Trần Quí Thanh 

Nguồn hình: Vietnamnet.vn

—–

Kính gửi bác Trần Quí Thanh, 

Cháu biết blog bác đã hơn hai năm nay, nhưng đến bây giờ sau nhiều thất bại trong kinh doanh cháu mới viết thư gửi bác. 

Cháu kinh doanh từ năm 28 tuổi nhờ tiền của ba má cháu và ông bà ngoại để lại. Cháu là con một nên được quyền hưởng số tiền của mà không phải chia sẻ cho ai. Ba má cháu tôn trọng cháu cứ để yên cho cháu kinh doanh, không hề can thiệp. Nhưng hai năm nay cháu liên miên thua lỗ, làm gì lỗ nấy. Cháu rất hoang mang. Bạn của ba cháu hỏi cháu: Làm gì cũng phải có năng khiếu, kinh doanh cũng cần có năng khiếu, cháu đã kiểm tra xem cháu có năng khiếu kinh doanh hay chưa? Cháu không trả lời được vì cháu không biết kiểm tra cái gì, kiểm tra thế nào để biết mình có kinh doanh được hay không. Kính mong bác giúp cháu với.

Chúc bác an lành hạnh phúc.

Nông Thị Minh (Đồng Nai): minhyeudoi_2012@gmail.com

—–

Nông Thị Minh mến!

Thực ra, khái niệm “năng khiếu” thường dùng trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, còn trong kinh doanh, có thể gọi là “có khiếu kinh doanh”, nhưng không sát nghĩa.

Có thể nói người đó “có máu” kinh doanh thì đúng hơn, hoặc là thích kinh doanh hơn làm những nghề khác. Thích kinh doanh là thích làm giàu, không an phận với thu nhập ổn định, từ lương nhà nước hoặc đi làm cho công ty.

Tuy nhiên, “có máu” kinh doanh hay thích kinh doanh là một chuyện, còn để kinh doanh được đòi hỏi phải có kỹ năng, kiến thức. Kỹ năng, kiến thức, cọng thêm sự siêng năng, chăm chỉ, nhạy cảm thương trường và thêm yếu tố may mắn nữa mới thành công.

Vậy thì bác xin chia sẻ với cháu 3 kỹ năng căn bản nhất mà một nhà khởi nghiệp bắt buộc phải có.

Trước hết là kỹ năng quản lý, điều hành doanh nghiệp. Lý thuyết quản lý thì nhiều, nhưng cũng chỉ với mục đích duy nhất là thông suốt công việc, tối ưu hóa các nguồn lực, tiết kiệm thời gian và chi phí để tạo ra lợi nhuận cao nhất. Xin lưu ý, trong khoa học quản lý thì quản lý nhân sự là khó nhất.

Kỹ năng quản lý tài chính doanh nghiệp là yếu tố cốt tử của kinh doanh. Là giám đốc doanh nghiệp, dứt khoát phải có kiến thức về kế toán, tài chính. Tất nhiên doanh nghiệp thì có nhân viên, phòng ban làm việc này, nhưng giám đốc phải giỏi về tài chính mới kiểm soát được.  Mù mờ về chuyện tiền bạc và những quy định của pháp luật liên quan đến tài chính, kế toán, thuế, thì không chỉ thất bại mà còn có nguy cơ tù tội.

Thứ ba là kỹ năng thuyết trình, giao tiếp, quan hệ, ứng xử với bên trong cũng như bên ngoài. Trình bày, thuyết trình một dự án, chiến lược của doanh nghiệp hoặc một “chiến dịch” kinh doanh ngắn hạn, đòi hỏi giám đốc một doanh nghiệp phải có kỹ năng diễn thuyết, thu hút được người nghe. Kỹ năng này càng cao thì khả năng thuyết phục đối tác để họ tham gia hợp tác, hỗ trợ, mua bán với doanh nghiệp càng cao. Đối với nhân viên trong công ty cũng vậy, họ sẵng sàng nghe theo mệnh lệnh của một thủ lĩnh sắc sảo, có tư duy sâu, có tầm nhìn xa, và có thái độ ứng xử văn hóa, tôn trọng mọi người.

Khi cháu đạt được ba kỹ năng trên ở mức giỏi, xuất sắc, thì cháu không chỉ là một giám đốc quản lý giỏi, mà còn xây dựng cho mình hình ảnh của một nhà lãnh đạo trước nhân viên. Một khi cháu được nhân viên nhìn nhận là một người lãnh đạo tài năng và đức độ, thì họ sẽ cống hiến hết mình, trung thành với doanh nghiệp, con đường kinh doanh của cháu dứt khoát thành công.

Vậy nhé, có gì cháu cứ gửi thư cho bác.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

1/5 - (1 vote)

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *