[THP trong tôi] – Nhật ký thanh xuân

Trần Trung Hiếu/ Khối R&D


—–

“Tuổi trẻ là một cuộc hành trình không quay trở lại

Thanh xuân là một cuộc hội ngộ không thể quên”

Từ thời sinh viên cho đến bay giờ, tôi thường giữ thói quen viết nhật ký trên Facebook, nội dung không dài, chỉ vỏn vẹn mấy câu để ghi lại những mốc son thời tuổi trẻ mà tôi hay gọi đó là “Nhật Ký Thanh Xuân”. Hôm nay, nhân ngày kỉ niệm 25 năm thành lập công ty, tôi xin kể cho mọi người nghe một phần nhỏ về cuộc hành trình thời tuổi trẻ đã qua tại Tân Hiệp Phát.

Sài Gòn, Ngày 05 tháng 10 năm 2018

Sài Gòn tối nay trời lạnh lắm! Cả căn phòng lầu 9 của kí túc xá Bách Khoa gió lạnh tràn vào – cái lạnh đến buốt người. Nhớ về hai tháng trước, Tôi – một sinh viên vừa bảo vệ xong luận văn tốt nghiệp vẫn còn loay hoay và mơ hồ về ngành hóa, ngành polymer và đang sửa soạn tìm cho mình một công việc thật thích hợp. Tôi không như những sinh viên khác, đi “rãi” hồ sơ xin việc khắp nơi vì với tôi, công việc không chỉ là nghề mà đó còn là nghiệp, phải thật sự yêu, thật sự đam mê thì mới thành công. Tôi quyết định nộp hồ sơ vào hai tập đoàn lớn cho vị trí R&D: một tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực sơn của Thái – lĩnh vực đam mê khi ngồi trên giảng đường đại học và một tập đoàn nước giải khát của Việt Nam – Tân Hiệp Phát. Và cuối cùng, nơi tôi chọn là Tân Hiệp Phát.

Sài Gòn, ngày 10 tháng 12 năm 2018.

Mới đó mà đã tốt nghiệp được một tháng và đồng hành cùng đại gia đình T.H.P được hai tháng rồi. Tôi cùng mọi người vừa trở về sau chuyến team building lầy lội, được đi xa, được vui chơi cùng mọi người. Thôi, để chuyện vui chơi qua một bên, hôm nay, tôi xin ghi lại hình ảnh người thầy đầu tiên trên đường đời đầy cay nghiệt – Chú Tư. Thời còn là sinh viên tôi học cũng không phải tệ, nhưng tôi lại rụt rè, hơi nhút nhát và có phần ít nói hẳn. Nhiều khi tôi cũng chẳng muốn nói lên chính kiến của mình, ai nói gì mặc họ, còn tôi cứ giữ nguyên suy nghĩ đấy và cất vào một góc nhỏ trong tim. Thế nhưng, sau hai tháng được học tập và làm việc tại đây, tôi dần trở nên tự tin hơn, mạnh mẽ và quyết đoán. Có lẽ chính Chú là truyền động lực ấy cho tôi. Nhìn bề ngoài, chú là người nhiệt huyết, mang trong mình năng lượng tích cực. Ở mỗi cuộc họp, Chú thường nói: “Làm việc là phải làm bằng cái tâm, bằng lửa nghề và bằng sự đam mê. Khi mình đã làm thì không bao giờ bỏ cuộc hay mệt mỏi. Chú đang hàng ngày chỉ dạy các con bằng sự trải nghiệm chính cuộc đời của Chú…”. Chú cho tôi một tượng đài về sự mẫu mực, sự tự tin, hăng say công việc.

Sài Gòn, ngày 25 tháng 01 năm 2019

Gần đến Tết Nguyên Đán 2019 rồi. Cả tháng nay công ty như mở hội. Các phòng ban thi nhau trang trí, trưng bày cho ngày Tết sắp đến. À, hình như nó không còn là công ty, nơi làm việc hàng ngày nữa mà nó như gia đình vậy. Phòng mua hàng thì tất bật trang trí cổng hoa, treo những nhành hoa đào, sửa soạn bánh chưng, dưa hấu. Phòng nhân sự thì dấn bước đến tất cả các phòng ban để gửi đi các Thank You Note như là một lời cảm ơn, tri ân sự hỗ trợ lẫn nhau trong suốt năm qua. Phòng R&D cũng đang chuẩn bị các công đoạn cuối cùng cho ngày Tết. Team bao bì thì cung cấp nguyên vật liệu, Team Lab và team công nghệ thì sốt sắn gói bánh chưng, trang trí mai đào đỏ thắm. Căn phòng thật nhiều màu sắc!

Văn hóa Tân Hiệp Phát là vậy! Làm việc thì hết mình, hăng say. Còn tham gia phong trào, các chương trình nhân sự… thì khỏi bàn rồi – Đông vui như trẩy hội.

Sài Gòn, ngày 07 tháng 07 năm 2019

Hôm nay là kỉ niệm 40 năm ngày cưới của Dr. Thanh và Madame Nụ. Người ta thường nói “Sau lưng một người đàn ông thành công luôn có bóng hình một người phụ nữ”. Vượt qua bao nhiêu năm sóng gió, Dr. Thanh cùng các cộng sự lèo lái con thuyền Tân Hiệp Phát để vươn ra biển lớn. Phía sau ông là hình ảnh Madame Nụ dịu dàng, thánh thiện chăm sóc gia đình, hi sinh thầm lặng. Dr. Thanh từng dõng dạc: “Em phải xứng đáng là cánh tay mặt của anh. Cảm ơn em đã đồng hành với anh trong… suốt cuộc đời”. Chỉ một câu nói ngắn gọn, xúc tích vậy thôi cũng đủ thấy tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình sâu đậm. Bất chợt tôi lại nhớ đến Cha mẹ tôi, hình như những đấng sinh thành ấy cũng đã giao ước hơn 30 năm rồi thì phải. Hi họng họ sẽ cũng có bốn mươi năm và “bốn mươi năm nhân đôi thêm nữa” để tôi có thể được cạnh bên và chăm sóc. Lại Bất chợt, những kí ức quá khứ ùa về, tôi lại nhớ về cái lần đầu tiên xa gia đình, xa quê hương, để đặt chân lên giảng đường đại học:

“ – Ngày 17 tháng 12 năm 2014 –

Con người ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về . Đó là gia đình. Cũng đã bốn tháng rồi mẹ nhỉ. Bốn tháng trời đối với con sao mà dài đằng đẵng. Con đã về thăm mẹ, thăm cha bao nhiêu lần? Chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi mẹ. Con nhớ mẹ rất nhiều, chắc mẹ cũng vậy. Bây giờ con chỉ thiết được gọi 2 tiếng “MẸ ƠI” sao mà khó quá! Đã tháng 12 rồi, những cơn gió Đông đầu mùa tràn về phủ khắp Sài Gòn mẹ ạ, chắc quê mình cũng thế. Cái se lạnh bao trùm cả đường phố, tràn vào cả những căn phòng, tràn vào tận sâu bên trong lòng những người con xa xứ, trong đó có con mẹ ạ! Nhưng không, cũng từ sâu thẩm của lòng con tràn ra một làn hơi ấm đến lạ lùng khi nghĩ về cha về mẹ, về gia đình nhỏ có 4 người trong đó. Gió Đông đã về, mẹ nhớ mặc thêm áo ấm, ngủ phải đắp chăn thật kín nha mẹ. Chắc đây sẽ là mùa Đông đầu tiên lạnh nhất trong cuộc đời con.”

Đó là những lời tâm sự đầu tiên khi tôi bước chân vào đại học trong cuộc thi “Họp mặt Sinh Viên Cuối Năm” Năm đó, tôi đạt giải nhất, đó như là lời cảm ơn tôi dành cho Cha, cho Mẹ, cho gia đình nhỏ suốt 18 năm. Những cảm xúc ấy: về cha, về mẹ, về gia đình vẫn còn trinh nguyên như thuở ban đầu mỗi khi nhắc đến.

Cảm ơn Dr. Thanh, cảm ơn Madame Nụ. Những câu hát “Cảm ơn chúng ta đã không bỏ cuộc – Bốn mươi năm qua đẹp như giấc mơ…” cứ vang mãi trong đầu.

Bình Dương, ngày 25 tháng 8 năm 2019

Sắp đến này truyền thống 15 tháng 10 nữa rồi. À, thì ra tôi đã đồng hành cùng đại gia đình Tân Hiệp Phát cũng gần tròn năm. Tự hỏi bản thân mình suốt một năm qua, tôi đã mất gì và được những gì? Tôi mất cả tuổi trẻ để lăn lộn trong công ty, cả thời gian khám phá và tìm hiểu Sài Gòn đô hội như cái mơ ước thời sinh viên. Nhưng cũng trong một năm qua, tôi học được rất nhiều thứ từ công việc, con người, và từ những dây chuyền thiết bị hiện đại nơi đây.

Tôi học được tính quyết đoán của Dr. Thanh, một người thuyền trưởng vững tay chèo vượt lên những gã khổng lồ trên biển lớn. Tôi thấy được đức tính dịu dàng, chỗ dựa vững chắc cho gia đình của Madame Nụ. Tôi học được thế nào gia đình, thề nào là thủy chung, son sắc bởi “thời trẻ quậy phá, bất cần đời của Dr. Thanh, có thể có những cuộc tình đắm say, quên ngày quên tháng nhưng cuối cùng Madame Nụ vẫn là người đàn bà đẹp nhất, đáng yêu nhất…”. Tôi thấy hiện lên hình ảnh của Cha, của Mẹ tôi, của một gia đình tràn đầy hạnh phúc. Tôi học được ở Chú Tư lòng yêu nghề, đam mê công việc, tinh thần lạc quan, không mệt mỏi. Tôi học được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý công việc, khả năng thích nghi ngoài cuộc sống. Và còn nhiều giá trị mà tôi đã học được ở nơi đây.

Tương lai sau này, mặc kệ cuộc đời đưa đẩy ra sao, tôi và “T.H.P” bên cạnh nhau tới chừng nào, còn bên cạnh nhau là còn hi vọng. Dẫu tương lai hết duyên nợ bước chung đường thì mỗi năm, nhìn thấy Facebook nhắc lại kỉ niệm, tôi vẫn có thể tự hào nở nụ cười mãn nguyện về tất cả: về tôi, về T.H.P, về ngày tháng yêu sôi nổi, không nuối tiếc. Và có lẽ đồng hành cùng Tân Hiệp Phát là trải nghiệm ngọt ngào và đáng quý nhất. Không biết tôi sẽ làm việc tại T.H.P cho đến khi nào và đến bao lâu nhưng một khi còn là thành viên của đại gia đình thì tôi sẽ cống hiến hết mình vì đam mê, vì nhiệt huyết.

“Nhật kí Thanh Xuân” tại Tân Hiệp Phát vẫn còn nhiều câu chuyện chưa hé mở, những cuộc hội ngộ không thể quên, những vui buồn không thể nói nên lời. Nếu ngày sau có xem lại những hoài niệm ấy, tôi vẫn sẽ mỉm cười: “Tân Hiệp Phát là một trải nghiệm thật đáng nhớ của thời tuổi trẻ”.

Trần Trung Hiếu

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *