Trần Quí Thanh
—–
Chào anh Trần Quí Thanh
Tui cũng tên Quí Thanh, họ Nguyễn, sinh 1953 cùng anh, cùng tuổi Quý Tỵ với anh mà tui chẳng làm nên công trạng gì. Tui vẫn nói với tụi trẻ, mệnh trời cho mà ham đá gà thích nhậu nhẹt như ba thì dù cố mấy cũng chẳng làm nên trò trống gì. Cứ nhìn vào THP, tay không bắt giặc mà nên cơ đồ lớn. Tui nói thiệt đó, không phải nịnh anh đâu. Cả ba đứa con đều theo nghề kinh doanh nên tui cũng lo lắng. Ba đứa con tui đều hiểu muốn làm ăn lớn phải đưa sản phẩm ra thế giới, muốn đưa sản phẩm ra thế giới tất nhiên phải nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì cần có những gì nữa? Tụi trẻ hỏi tui, tui cũng chịu. Vậy đem câu hỏi này hỏi anh, mong anh giải đáp giùm. Cảm ơn anh lắm lắm.
Chúc anh mạnh giỏi luôn luôn
Nguyễn Quí Thanh (Sài Gòn): thanhquinguyensg@gmail.com
—–
Anh Nguyễn Quí Thanh mến!
Tui xin chúc mừng anh vì có được ba đứa con đều muốn làm ăn lớn, đưa sản phẩm ra thế giới. Tui không biết sắp nhỏ nhà anh sản xuất sản phẩm gì nên không tư vấn cụ thể được, chỉ có thể nói một cách khái quát nhất về xu hướng hiện nay mà thôi.
Thời đại bi chừ, không ai làm ăn theo lối thủ công, đó là xách sản phẩm của mình chạy quanh chào hàng. Chạy làm sao khắp thế giới được, tiếp xúc được mấy khách hàng, bao nhiêu đối tác? Chưa kể, chi phí cho kiểu “xúc tiến thương mại” cổ điển này rất lớn và rất mất thời gian.
Thời đại số, công nghệ số cho nên con người cũng khai thác mạng Internet và các công cụ công nghệ để kinh doanh gọi là thương mại điện tử. Năm 1999, Jack Ma người Trung Quốc đã thành lập tập đoàn thương mại điện tử để cung cấp dịch vụ bán hàng giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng, doanh nghiệp tới người tiêu dùng và doanh nghiệp với doanh nghiệp thông qua cổng thông tin điện tử.
Không chỉ có Alibaba của Jack Ma, còn nhiều kênh thương mại điện tử khác như Amazon, Ebay, Walmart, Tiki, Lazada, Shopee…Mỗi kênh có thế mạnh, đối tượng khách hàng khác nhau, cho nên tùy theo sản phẩm của mình, doanh nghiệp lựa chọn kênh nào cho phù hợp để bán hàng.
Anh thấy đó, có không ít bạn trẻ, ngồi nhà gõ bàn phím, bán hàng online qua trang cá nhân trên facebook theo hình thức B2C, thậm chí là B2B ngon lành. Vậy thì chuyện bán hàng trên thế giới cũng tương tự, chỉ khác về quy mô, hình thức phân phối của kênh thương mại điện tử mà chúng ta chọn làm đối tác nhằm tương thích với sản phẩm xuất khẩu.
Khái niệm “Thế giới phẳng”, toàn cầu hóa hay chuỗi giá trị toàn cầu được thể hiện qua nhiều hình thức, trong đó thương mại điện tử là một điển hình. Người tiêu dùng hay doanh nghiệp chỉ cần giao dịch trên mạng, có thể mua hàng để sử dụng hay kinh doanh mà không cần phải ngồi máy bay gặp đối tác. Nếu có đi đến quốc gia nào thì cũng với mục đích khảo sát thị trường, không phải là bán hàng theo hình thức thủ công.
Các kênh thương mại điện tử còn giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin từ những phản hồi và những câu hỏi về sản phẩm từ khách hàng khắp nơi trên thế giới. Đúng là thế giới phẳng đã giúp con người xích lại gần nhau trên một trang web bất kể khoảng cách địa lý nào, vậy tại sao chúng ta không khai thác công nghệ số để thực hiện các mục tiêu kinh doanh, trong đó có xuất khẩu sản phẩm ra thế giới?
Vậy nha anh, cứ meo cho tui, anh em mình trao đổi thêm.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)