Nuôi dưỡng cơ hội nhỏ để có được thành công lớn

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Cafebiz.vn

—– 

Anh Thanh mến! 

Cách đây hơn ba năm tui có gởi thơ cho anh, hỏi về chuyện cái gọi là nền kinh tế từ  thiện, hổng biết anh còn nhớ hôn? 

Từ đó đến giờ tui không gởi thơ cho anh nhưng vẫn đọc anh đều. Vì vụ covid nó phá kinh tế dữ quá nên tui lại hỏi anh nữa nè: Các doanh nghiệp làm gì để vượt qua khủng hoảng, anh có bí quyết gì không? Mong nhận được sự trả lời của anh.

Chúc anh mạn giỏi. 

Trần Xuân Tráng (Sài Gòn): trantrang@yahoo.com

—–

Anh Trần Xuân Tráng mến!

Cho đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch COVID-19 với gần 30 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, nhưng đã tháo gỡ giãn cách xã hội, cuộc sống, sinh hoạt đã trở lại bình thường.

Cho nên tình hình hiện nay khác với thời gian dịch bệnh căng thẳng phải cách ly toàn xã hội, biện pháp ứng phó của doanh nghiệp trước khủng hoảng cũng thay đổi. Tui xin chia sẻ với anh 5 điều như sau:

Trước tiên là tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh ngay lập tức và tăng tốc. Đã qua giai đoạn “ngủ đông”, nên mỗi người làm việc gấp đôi, gấp ba có thể. Để làm được điều đó, lãnh đạo công ty phải là người tiên phong. Đầu tàu tăng tốc thì mới kéo cả đoàn tàu chạy theo.

Thứ hai là đẩy mạnh hoạt động truyền thông nội bộ, càng khủng hoảng thì càng phải củng cố tinh thần làm việc của mọi người. Từng nhân viên phải hiểu được khó khăn, sẵn sàng chia sẻ với ban giám đốc, đoàn kết và tích cực làm việc để cùng nhau vượt qua khó khăn, vực doanh nghiệp đứng dậy. Mỗi người đều nhận thức được cần phải hy sinh để doanh nghiệp sống sót, nếu không thì sẽ phá sản, mất tất cả.

Thứ ba là tổ chức lại hệ thống quản trị điều hành, khai thác tối đa công nghệ để tăng hiệu quả quản trị. Từ việc tổ chức quản trị khoa học, hiện đại, sẽ dẫn đến bố trí lại nhân sự, hoặc cắt giảm nhân sự dôi dư. Một người làm việc bằng hai, ba người, thậm chí nhiều hơn là nhờ vào hệ thống quản trị phù hợp.

Thứ tư là tìm kiếm mở rộng thị trường. Dịch COVID-19 dạy cho tất cả các doanh nghiệp không chỉ riêng Việt Nam mà cả quả đất này một bài học, đó là không bao giờ phụ thuộc vào một vài đối tác. Hãy lưu ý rằng, cho dù thêm một kênh buôn bán mới, khách hàng mới, đối tác mới, cho dù rất nhỏ cũng không được bỏ qua, phải chăm sóc, nuôi dưỡng thì mối quan hệ đó mới lớn lên, mới trưởng thành. Bỏ qua một cơ hội nhỏ thì không bao giờ có được thành công lớn.

Thứ năm là thực hành tiết kiệm và cắt giảm lương. Tất cả các chi tiêu, mua sắm, xăng dầu, đi lại, điện, nước, điện thoại đều cắt giảm tối đa, dành tất cả nguồn lực cho sản xuất kinh doanh. Nói cụ thể thế này, một lít xăng cũng phải tính, một chiếc vé máy bay cũng phải tính.

Nếu cần thiết phải cắt giảm lương thì không nên tính toán hợp lý, đó là “ưu tiên” cắt giảm ở bộ phận lãnh đạo, các vị trí hưởng lương cao trước. Bởi vì, người ở các vị trí này đều có tích lũy, giảm lương tạm thời không ảnh hưởng đến đời sống. Đối với bộ phận lao động có thu nhập thấp hơn, khi doanh nghiệp còn “gồng” được, thì không nên cắt giảm. Nếu tình hình tài chính quá khó khăn, thì cắt giảm lương theo tỉ lệ nhỏ dần từ trên xuống dưới. Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất thì không nên cắt giảm lương, không nên cào bằng.

Chính quyền có chính sách “khoan thư sức dân” với dân chúng, tại sao doanh nghiệp lại không có chính sách đó mới nhân viên của mình?

Chào anh, có gì cứ gửi thư cho tui nhé.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *