Làm mới thương hiệu: Bài toán không dễ của các hãng nổi tiếng

Thanh Thuý/ Báo DNSG

Nguồn hình: Brandsvietnam.com

—–

Một số bạn gửi thư hỏi tui về chuyện muốn làm mới thương hiệu, cụ thể nhất là thay đổi logo.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là vì lý do gì, vì thẩm mỹ, vì phong thủy, do cảm xúc cá nhân hay từ một cuộc khảo sát xã hội hay vì nguyên nhân nào khác.

Cũng có thể theo thời gian, thẩm mỹ của con người thay đổi, cho nên phải đáp ứng nhu cầu chính đáng đó.

Làm mới thương hiệu bằng cách chỉnh sửa logo cũ hay thay hẳn một logo mới hoàn toàn?

Trên thế giới, có rất nhiều doanh nghiệp thay đổi logo trong đó có nhiều công ty nổi tiếng. Tui lấy ví dụ như hãng xe hơi Peugeot đã thay đổi logo nhiều lần, nhưng vẫn thành công. Còn có nhiều hãng thay đổi logo vì muốn làm mới thương hiệu, nhưng lại bị khách hàng quay lưng.

Quan sát những hãng nổi tiếng thay đổi thương hiệu thành công như Ford, Peugeot, Mercedes-Benz, cho thấy một điểm chung, đó là họ tìm cách làm mới logo, nhưng không sai lệch quá xa hình ảnh được xây dựng từ ban đầu. Mẫu thứ hai khác mẫu thứ nhất một chút, mẫu thứ ba khác với mẫu thứ hai một chút, cho đến khi hoàn hảo nhất.

Tui giới thiệu với các bạn bài viết dưới đây để tham khảo.

Trần Quí Thanh

—–

Tạo ra một thương hiệu có khi chỉ cần vài ngày, nhưng làm cho cái “hiệu” đó được “thương” đôi khi phải mất nhiều năm trời. Khách hàng lại luôn cần điều mới, thương hiệu cần thay đổi, làm mới mình. Đổi mới thương hiệu là điều không hề dễ dàng khi thương hiệu đã có một chỗ đứng trong lòng khách hàng.

Từ những tờ séc triệu đô bị “đốt”

Ngày 4/10/2010, logo mới của thương hiệu thời trang danh tiếng GAP của Mỹ được tung ra trên trang web của hãng. Theo đại diện truyền thông của GAP, đây là một sự thay đổi lớn, chuyển mình từ “cổ điển và nghiêm túc” sang “hiện đại, gợi cảm và trẻ trung”. Tuy nhiên, khách hàng quay lưng lại với thương hiệu, các nhà chuyên môn phân tích rằng logo mới quá giống của đối thủ cạnh tranh. Sự thay đổi quá đột ngột và ô vuông đặc màu xanh của giới tài chính ngân hàng đã làm cho sự “chuyển mình” này thất bại. Chỉ sau 7 ngày được tung ra, cổ phiếu của hãng đã bị mất giá và tờ séc 100 triệu đô chi cho cuộc thay đổi này đã tan tành mây khói. Cuối cùng, GAP quyết định quay lại với logo xưa cũ của mình.

 

Logo trước và sau thay đổi của thương hiệu thời trang danh tiếng GAP

Đó là chuyện thay đổi logo. Thông thường, khách hàng luôn cần cái mới, thích cái mới. Nhưng đôi khi, họ không như vậy. Khách hàng là thượng đế, mà thượng đế ít khi cho chúng ta biết “ngài” có ý định gì? Khi sản phẩm của bạn được khách hàng tin dùng, quen dùng đến nỗi họ không muốn thay đổi thì nếu có cố gắng bơi ngược dòng, quả đắng là cái bạn nhận được dù trước đó đã thận trọng đến cỡ nào. 

Một trường hợp khác là New Coke – sản phẩm mới của Coca Cola ra đời với hy vọng làm khách hàng bất ngờ thích thú. Trước đó, một khoản ngân sách khổng lồ đã được chi ra để nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường. Đừng nói là Coca Cola không hiểu khách hàng của họ? Ấy thế mà New Coke của Coca Cola đã thất bại và đi vào các bài giảng marketing như một ví dụ của việc không ai biết trước, khách hàng sẽ thích gì.

Đến những bài học để bước đi thận trọng

Việc thay đổi logo, slogan hay sản sinh ra các nhãn hiệu mới trong gia đình thương hiệu của các nhãn hàng tùy theo thời cuộc là một hoạt động làm mới thương hiệu lành mạnh. Tuy nhiên, nó cần được tiến hành một cách thận trọng với các nguyên tắc sau:

1. Thay đổi từ từ

Bộ não của con người được ‘‘thiết kế’’ tối ưu sao cho các quyết định được đưa ra nhanh nhất và cần ít năng lượng nhất. Người ta có xu hướng vào một cửa hàng quen, mua của người quen và tìm đến những thương hiệu quen. Nếu sự thay đổi diễn ra từ từ thì con người sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Logo của Apple đã thay đổi không dưới 5 lần mà vẫn giữ được vị trí trong lòng người tiêu dùng. Hay logo của Starbuck, Ford cũng đã nhiều lần thay đổi qua các thời kỳ

2. Xây dựng logo mới có tính kế thừa

Logo của hãng BP đã được thay đổi như thế. 211 triệu đô la là giá trị của tờ séc mà Công ty Dầu khí BP đã phải chi trả để thiết kế lại logo mới, từ một lá chắn thành một bông hoa nhiều cánh màu xanh lá cây, như một lời hứa hẹn thân thiện với môi trường của thương hiệu này.

Logo của hãng BP

Những yếu tố nên kế thừa là gì? Đó nên là triết lý, đặc tính, lời hứa thương hiệu. Là màu sắc, đường nét nhận diện. Đôi khi cũng có thể thay đổi phông chữ, nhưng không nên thay đổi hoàn toàn phong cách của phông chữ. Đặc biệt, không nên thay đổi ngành hàng hoặc xây dựng một phong cách mới hoàn toàn so với thương hiệu hiện hữu. 

Hãng Colgate khó có thể chuyển sang bán bánh mì kẹp. Điều này cũng khó nếu như McDonald’s chuyển sang bán ô tô. Điều này không có nghĩa là bạn phải bám chặt đến sản phẩm, dịch vụ hiện tại mà không xê dịch tí nào. Sản phẩm, dịch vụ mới phải có liên quan tới giá trị cốt lõi của thương hiệu bạn. 

Amazon tuyên bố hướng tới trở thành công ty biết lắng nghe khách hàng nhất trên thế giới và xây dựng một nơi mà người ta có thể tìm thấy, nhìn thấy bất cứ cái gì họ muốn mua trực tuyến (online). Chính vì thế, ngoài việc là công ty bán hàng trên mạng lớn nhất thế giới, Amazon còn kinh doanh nền tảng đám mây (cloud), giúp cho việc buôn bán, giao dịch online trở nên dễ dàng với giá cả phải chăng.

 

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Làm mới thương hiệu…

(https://doanhnhansaigon.vn/goc-nha-quan-tri/lam-moi-thuong-hieu-bai-toan-khong-de-cua-cac-hang-noi-tieng-1098527.html)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *