Khánh Huyền/ Báo Tiền Phong
Theo thông tin từ Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH, tính đến tháng 6.2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Khoảng 1,4 triệu người mất việc làm, trong đó lao động mất việc do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phá sản, giải thể hoặc thu hẹp sản xuất là gần 900.000 người.
Liệu con số người lao động bị mất việc làm có dừng lại? Nó sẽ không dừng nếu như không có biện pháp ngăn chặn. Và nguy hiểm hơn, tác động tiêu cực của đại dịch đến cuối năm nay mới có độ thấm, thấm rất sâu.
Chặn bằng cách nào? Đó chính là hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp càm cự được, tồn tại được, sống sót được thì người lao động cũng sẽ sống sống, cũng sẽ tồn tại.
Nếu chỉ hỗ trợ cho người nghèo một ít tiền thì cũng chỉ sống qua ngày được năm bảy bữa, chỉ có giữ được công ăn việc làm cho họ thì mới lâu dài, bền vững.
Cứu doanh nghiệp bằng cách nào? Đó là các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp phải đến được tay doanh nghiệp, đến nhanh chóng, kịp thời để doanh nghiệp có tiền triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hiện nay, đọc báo, xem ti vi thì biết có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế có mấy ai tiếp cận được các khoản vay ưu đãi đó.
Đồng tiền cứu doanh nghiệp cũng khẩn cấp giống như máy thở ô xy cho bệnh nhân COVID-19, đợi đến khi tắt thở rồi máy mới đưa đến thì vô ích.
Trần Quí Thanh
—–
Trong 3 tháng đầu năm 2020, Tổng cục Thống kê công bố: cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Tuy nhiên, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 nghìn DN. Như vậy, cứ 10 DN mới “chào đời” thì có tới 6 DN “chết lâm sàng”. Con số thực tế đến nay còn bi đát hơn.
Không phải tìm kiếm nguyên nhân đâu xa, những cái chết này hầu hết đều xuất phát từ đại dịch Covid -19 vẫn đang âm ỉ hoành hoành. Từ đầu 2020 đến nay, “cơn đại hồng thủy” mang tên Covid đã tàn phá sức khỏe của nền kinh tế thế giới từ các quốc gia hùng cường như Trung Quốc, Mỹ đến những đất nước đang phát triển. Đại dịch đã “càn quét” đến giờ này hệ lụy là nhiều nền kinh tế đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ. Từ đó, dẫn tới tình cảnh hàng chục triệu lao động trên khắp các quốc gia mất việc, doanh nghiệp hết “oxy tài chính” để hít thở nên hoặc là “chết thẳng cẳng” hoặc rơi vào tình cảnh “chết lâm sàng”.
Doanh nghiệp chết thì người lao động mất việc, thất nghiệp, đời sống họ khó khăn và tất yếu sẽ kéo theo hệ lụy như xã hội bất an, nạn trộm cắp có thể gia tăng, thậm chí có lúc còn dẫn đến những bất ổn và nhiều vấn đề đáng quan ngại khác… Phải làm sao để chặn được độ loang của những mảng màu u tối này? Mổ xẻ kỹ hơn, người ta nhìn thấy, vẫn có cách cứu, hỗ trợ để họ như bệnh nhân kịp thời có máy thở. Vấn đề ở chỗ những bộ ngành, đơn vị đang giữ công cụ như tài chính, tiền, cơ chế có thực sự muốn cứu họ bằng mọi giá không?
Ngày 24/6, thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ này đang đề xuất sửa đổi tiêu chí để doanh nghiệp được tiếp cận với gói vay 16 ngàn tỷ có lãi suất không phần trăm trong 3 tháng theo điều kiện nới hơn để cứu DN, cứu cả người lao động. Cũng cùng thời điểm, đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam khẳng định phải cởi trói thực sự các rào cản kinh doanh đang “trói” doanh nghiệp ngày một chặt. “Xin bộ, ngành đừng thất hứa!”, một đại diện giới kinh doanh phải thốt lên.
Năm 2013, nghị trường từng dậy sóng trước thông tin DN khó khăn lâm tình cảnh chết như ngả rạ. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam đứng trước khó khăn bởi hệ thống ngân hàng mất thanh khoản trầm trọng, các lĩnh vực đầu tư như bất động sản, tài chính đều tê liệt. Lúc đó một số lớn DN đã lâm vào tình cảnh đã “chết” mà chưa có chỗ để đem “chôn”. (Thậm chí hơn 50% doanh nhân trẻ lúc đó còn không tin là họ có thể trụ nổi qua hết giai đoạn khó khăn). Ấy vậy mà rất may nhờ những chính sách quyết sách kịp thời, nhiều DN khi đã hồi sinh. Còn lần này, câu hỏi đặt ra đó là không biết họ có đủ sức trụ vững qua dịch Covid – 19 hiện chưa có hồi kết không?
Tiếp sức, hà hơi, thổi ngạt, là những liệu pháp cần làm gấp theo phác đồ điều trị cấp cứu cho DN, cho lao động nghèo từ khắp các vùng miền lúc này. Nhưng “căn cốt” nữa, là các chính sách vĩ mô phải đồng bộ, khả thi và cố gắng tránh “đẻ” ra xong lại loay hoay đi sửa.
NGUỒN: Theo Báo Tiền Phong
Link bài: Vắc xin nào…
(https://www.tienphong.vn/toi-