Trần Quí Thanh
—–
Trận ngập chiều tối 6.8 tại TPHCM cho thấy một sự thật, đó là thành phố này chưa thể thoát ngập được như nhiều hứa hẹn. Các dự án chống ngập đang triển khai, kể cả dự án đầy kỳ vọng với suất đầu tư 10.000 tỉ đồng cũng không thể thay đổi được tình trạng ngập lụt hiện nay.
Để giải quyết nạn ngập lụt, thành phố cần một số tiền đầu tư lớn hơn nhiều. Bởi vì, phải thực hiện nhiều dự án chống ngập, bao phủ trên toàn địa bàn. Nếu chỉ xử lý cục bộ từng khu vực, thì không thể có kết quả như mong muốn.
Nước biển dâng, biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan, hạn hán hoặc mưa kéo dài là chuyện không còn bất thường mà rất bình thường, thì những trận mưa lớn dẫn ngập lụt là điều mà chúng ta phải đối diện thường xuyên. Chưa kể, TPHCM là khu vực chịu nhiều tác động của nước biển dâng.
Chúng ta không thể ngồi bó tay chịu trận mà phải hành động. Được biết, thành phố đang nghiên cứu mời chuyên gia nước ngoài thực hiện tư vấn các dự án chống ngập, đây là điều nên làm. Nhiều quốc gia thực hiện các dự án chống ngập thành công, trong đó có Hà Lan, Việt Nam cần phải học ở họ để tiết kiệm thời gian và sức lực.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần có nguồn lực xã hội hoá để chống ngập, nhưng huy động bằng cách nào, nguồn thu sau đầu tư ra sao, phải có chính sách rõ ràng, minh bạch thì tư nhân mới tham gia. Chúng ta có niềm tin rằng, nhiều doanh nhân muốn đóng góp cho xã hội thông qua những dự án phục vụ cộng đồng. Họ không tìm kiếm lợi nhuận ở các dự án này, nhưng họ phảinắm chắc cửa thành công, đó là thực hiện được dự án, chống được ngập hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.
Nhưng trong khi chờ đợi các dự án được triển khai, thì mỗi người dân đều phải đóng góp vào hoạt động chống ngập của thành phố, và đó cũng là làm cho mình. Theo tui có ba việc làm được ngay, không tốn kém tới tiền trăm tỉ, ngàn tỉ.
Trước hết là đừng xả rác ra môi trường, bởi vì nhiều loại rác thải đổ xuống cống, làm tắc nghẽn, nước không thoát được. Rất nhiều người lấy cống thoát nước làm nơi đổ rác, kể cả đổ xà bần, rác thải công nghiệp, rác xây dựng. Đến khi ngập lụt thì kêu than, đổ cho tất cả mọi người, trừ mình.
Việc có thể làm được là chính quyền nên có quy định các dự án đầu tư xây dựng khu dân cư phải có ao hồ. Những công trình này không chỉ cân bằng sinh thái, làm đẹp khu dân cư, mà là những túi chứa nước rất hiệu quả. Tui thấy khu đô thị Sala ở quận 2, xây được công viên, có dòng suối chảy qua các toà nhà, đây chính là con suối chống ngập cực kỳ hiệu quả.
Thứ ba là tranh thủ các quỹ đất trong thành phố để làm hoa viên, công viên, thảm cỏ. Hoa viên, công viên nào có thể đào hồ nước thì làm ngay, những nơi nào có hồ nước thì mở rộng thêm. Chính những công viên, thảm cỏ, hồ nước lớn nhỏ khắp thành phố sẽ giúp cho việc thoát nước, hạn chế ngập lụt.
Nếu không hành động, cứ ngồi chờ thời, thì chỉ có thể nói với nhau là “sống chung với ngập lụt”.
Sài Gòn ngày 10/08/2020
TQT