Đào Tuấn/ Báo Lao Động
—–
Cụm từ “sống chung với lũ” xuất hiện từ lâu, để nói đến các giải pháp sinh tồn của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi có lũ lụt. Tui rất thích sử dụng khái niệm “sống chung”, vì nó thể hiện sự tôn trọng quy luật tự nhiên, và thuận theo tự nhiên để tồn tại.
Sống chung, có nghĩa là không thể thay đổi tự nhiên, nhưng có giải pháp để sống, không chết.
Sống chung, là chủ động trước thiên tai, không phải bị động tới đâu hay tới đó.
Sống chung, là con người hài hòa với thiên nhiên, không tàn phá thiên nhiên, không chống lại thiên nhiên một cách cực đoan. “Vắt đất ra nước thay trời làm mưa” là những hoang tưởng của một thời đã xa.
Cơn lụt lớn đang hoành hành ở các tỉnh miền Trung và những tổn thất về người và của bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ lại các biện pháp phòng chống thiên tai, chống như thế nào?
Tui vẫn ủng hộ quan điểm “sống chung với lũ”.
Và ngôi nhà phao là một giải pháp sống chung. Nước lên nhà nổi lên, nước rút nhà theo con nước mà hạ xuống. Đầu tư xây dựng một ngôi nhà phao không nhiều tiền, giải pháp kỹ thuật cũng đơn giản, nhưng lại chủ động ứng phó được với lũ lụt, bảo vệ được tính mạng và tài sản của con người.
Mỗi năm ít nhất một cơn lụt xảy ra ở các tỉnh miền Trung, vậy thì hãy làm ngôi nhà để sống chung với lũ lụt là một đòi hỏi bức thiết
“Trời hành cơn lụt mỗi năm”, nhưng có khi chính con người hành mình bởi những cách phòng chống thiên tai không chủ động, không khoa học và không hiệu quả.
Trần Quí Thanh
—–
Khi 34.000 nhà dân bị ngập trắng, khi hàng nghìn người cuống cuồng chạy lũ trong đêm thì ở ngay rốn lũ Tân Hoá, Quảng Bình, nhiều người dân vẫn sống khoẻ với những ngôi nhà phao vượt lũ.
Có người đã gọi trận mưa lũ ở Quảng Bình là đại hồng thuỷ.
Thì đấy, rất khủng khiếp: 34.000 ngôi nhà bị ngập trắng; 200 xóm làng bị nước lũ chia cắt và hàng nghìn người cuống cuồng chạy lũ trong đêm.
Bí thư Huyện uỷ Lệ Thuỷ Lê Vĩnh Thế thậm chí đã nói về tình cảnh “khốn cùng” của những người dân với lũ vây tứ bề, với mực nước dâng cao đến 2,5m…
Thương quá miền Trung. Khắp nơi là tiếng kêu cứu, khắp nơi là cảnh chạy lũ như chạy loạn với những đứa trẻ ở tuổi mặc bỉm đã phải lên mái nhà chạy lũ, với việc người dân kết bè chuối để trẻ con có chỗ ngủ.
Nhưng ở ngay rốn lũ Tân Hoá, nơi nước lũ vượt mốc lịch sử năm 1999 tới 3m, người dân vẫn có thể “vẫy tay chào lũ” trên những nhà phao.
Đơn giản thế này: Quỹ Sống, với 9 mô hình nhà an toàn, thích ứng với các loại hình thiên tai: Lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ ngâm, lũ sông… sẽ ủng hộ dân 45 triệu đồng. Phần kinh phí còn lại sẽ do người dân huy động từ nguồn lực riêng… để xây một ngôi nhà thực sự của mình.
Có lẽ chính quyền lựa chọn và sự tham gia của người dân cho chính ngôi nhà của mình, đã làm nên thành công của mô hình. Ở cả ý nghĩa đó không phải là “xin – cho”. Ở cả sự cộng hưởng 1+1=n khi cộng đồng có thể giúp dân bằng những mô hình nhà đã có sẵn, hơn là giúp gói mì, bao gạo.
7 năm, 975 ngôi nhà an toàn, 2 ngôi làng Hạnh phúc… một nỗ lực tuyệt vời. Nhưng đối với chị Nguyễn Thị Hương Giang, Chủ tịch Quỹ Sống, người suốt 7 năm qua kiên trì và miệt mài với Dự án Nhà Chống Lũ: Đó chỉ là một con số rất nhỏ so với thảm họa mà thiên nhiên gây ra. Rất nhỏ so với mơ ước ngôi nhà an toàn của người dân.
Thật ra, từ 2012, Thủ tướng đã đồng ý triển khai trên diện rộng mô hình nhà an toàn để giúp khoảng 60.000 hộ dân ở 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Nhưng có vẻ, những nỗ lực ấy chưa đủ. So với con số 34.000 căn nhà bị ngập, chỉ một tỉnh. Và một hình thái thời tiết cực đoan cực kỳ nguy hiểm có thể trở thành “bình thường mới”.
Nếu chúng ta không thể thay đổi được thời tiết thì chẳng có cách nào khác, chúng ta buộc phải thích ứng với nó.
Và nhà chống lũ, dẫu từ Nhà nước hay từ những “nữ hiệp” như chị Giang, có lẽ, cần được đặt lại – như một giải pháp an toàn bền vững, để con thơ thôi cơ khổ, để những người dân không phải đánh cược sinh mạng với những cơn lũ trong đêm.
NGUỒN: Theo Báo Lao Động
Link bài: Nhà chống lũ….
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nha-chong-lu-giai-phap-an-toan-ben-vung-846756.ldo