Nguyễn Thị Minh theo CNN/ Báo DNSG
—–
Nhiều bạn trẻ gửi thư cho tui than thở về chuyện thất bại trong làm ăn, có người xem đó như chuyện trời sập vậy. Tui có trả lời thư cho một số bạn, nhưng bài viết này xem như một thư gửi chung.
Bước vào con đường kinh doanh, gặp thất bại là chuyện rất bình thường, nếu không thì cả thế giới này đều là doanh nhân. Bản thân tui cũng không nhớ mình thất bại bao nhiêu lần nữa, nghĩ lại đôi lúc thấy thật lạ lùng hành trình mà mình đã đi qua.
Có nhiều người chỉ mới một lần khởi nghiệp không thành công, đã tự ti mặc cảm, cho rằng mình không có thời, hoặc mình không có năng khiếu kinh doanh. Nhưng ít ai tự hỏi rằng, thời đâu phải dễ gặp, mà phải lăn lóc bao năm mới có cơ hội để “phùng thời”. Năng khiếu kinh doanh cũng vậy, dù có chăng thì cũng phải rèn luyện nhiều năm thì năng khiếu mới trở thành tài năng.
Quá trình trưởng thành của một doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chính là quá trình rèn luyện của một cá nhân trên con đường kinh doanh, trong đó có nhiều kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là sự nhạy cảm thương trường hay có thể nói cách khác là khả năng “đọc, hiểu” thị trường.
Có những doanh nhân thành công trên thế giới mà từng bước đi trong cuộc đời họ là những bài học quý báu về khả năng chịu đựng thất bại, sự kiên nhẫn vượt qua khó khăn và luôn chăm chỉ làm việc.
Tui xin giới thiệu với các bạn bài viết “Đế chế hàng trăm triệu USD sau 18 lần khởi nghiệp”, để các bạn thấy nếu như mình khởi nghiệp vài lần cũng chưa ăn thua gì.
Vậy các bạn nhé.
Trần Quí Thanh
—–
Thăng trầm đời khởi nghiệp
Ngay từ nhỏ, Nelson đã được dạy cách kiếm tiền. Ông lớn lên trong một trang trại. Cha ông là một người bán đấu giá và ông đã được huấn luyện kỹ năng này suốt nhiều năm. Năm 14 tuổi, ông tham gia vào một trường bán đấu giá và sau đó rong ruổi khắp nơi cùng cha mình trong vài năm để tiến hành các cuộc đấu giá.
Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm lái xe chở bia và đó cũng là lúc ông phát hiện ra quán bar gần nhà đang trống. Chính vì vậy, ông vay bố mẹ một khoản tiền để cải tạo lại quán bar đó. Lúc này, Nelson mới 20 tuổi.
Ba năm sau, ông mua lại nhà hàng bên cạnh bằng khoản vay ngân hàng trị giá 500.000 USD. Tiếp đến, ông biến nó thành một nhà hàng pizza. Gia đình họ hàng của ông là những người đã giúp đỡ và góp phần vào thành công doanh số 5 triệu USD/năm của quán bar và nhà hàng. Sau 20 năm kinh doanh, Nelson bán lại cho một gia đình khác và bắt đầu đế chế nghỉ dưỡng của mình.
Bước đột phá
Khi công việc kinh doanh nhà hàng đang tiến triển, Nelson nảy ra ý tưởng mở công viên nước đầu tiên của riêng mình. Khi mở rộng đế chế công viên nước, Nelson đã nhận ra rằng ông luôn có một đồng minh quan trọng: nền kinh tế. Ông nói: “Kinh doanh công viên nước trong nhà ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế bởi nó có thể duy trì quanh năm, ngay cả khi nền kinh tế đang giảm sút và các gia đình có xu hướng cắt giảm những chuyến nghỉ mát sang trọng. Hệ thống của chúng tôi vẫn được đặt chỗ thường xuyên bởi công viên nước trong nhà dường như là một sự lựa chọn phù hợp với túi tiền của mọi người”.
Được biết đến với tên gọi “thủ phủ công viên nước của thế giới”, Wisconsin Dells là nơi có 6 công viên nước lớn cùng nhiều công viên nhỏ khác. Về cơ bản, đây cũng chính là nơi phát minh ra công viên nước trong nhà. Hầu hết công viên nước tại đây đều có chủ đề hoang dã hoặc rừng mưa nhiệt đới. Chính vì vậy, Nelson muốn công viên nước của mình phải thật nổi bật và khác biệt. Cảm hứng đến với ông trong một chuyến du lịch gia đình đến Nam Phi năm 1999. Ông cho biết: “Tôi thực sự ấn tượng bởi người dân nơi đây và nghệ thuật, văn hóa cũng như âm nhạc của họ”.
Sau đó, ông đặt tên cho công viên nước là Kalahari, giống tên của một sa mạc ở miền Nam châu Phi. Vì muốn du khách có trải nghiệm thực tế, Nelson đã nhập khẩu tác phẩm nghệ thuật, nội thất và đồ trang trí từ châu Phi bao gồm các loại đá, tranh ảnh, đồ gỗ chạm khắc… Khu nghỉ mát Kalahari đầu tiên được khai trương vào năm 2000 với 272 phòng đơn và phòng cao cấp, 5 nhà hàng cùng điểm thu hút chính là công viên nước trong nhà rộng gần 7.000m2. Cuối năm đó, Nelson đã xây dựng thêm một trung tâm hội nghị rộng 2.300m2 để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Nelson đã vay vốn từ các ngân hàng cộng đồng địa phương để mở Kalahari, từ đó ông tái cấp vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh. 5 năm sau, ông khánh thành khu nghỉ dưỡng Kalahari thứ hai ở Ohio và đến năm 2015, ông đã chi 430 triệu USD để mở công viên lớn nhất của mình ở Pennsylvania.
Hiện ông đang xây dựng một địa điểm nghỉ dưỡng lớn hơn ở Texas gồm công viên nước và công viên giải trí trong nhà, trung tâm hội nghị và hệ thống khách sạn 1.000 phòng. Dự kiến khu nghỉ mát này sẽ mở cửa vào tháng 10/2020, cung cấp việc làm cho hơn 1.500 người.
Năm người con của Nelson đều là thành viên của công ty gia đình, phụ trách các hoạt động bán hàng và tài chính. Ông luôn cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc cùng các con mỗi ngày. Tuy nhiên, nhân viên đặc biệt nhất đối với ông chính là cụ Farlene, mẹ ruột của ông. Cụ bà là một nhân viên bán hàng xuất sắc nhất công ty và luôn dạy con cháu của mình rằng “chúng ta sẽ có được mọi thứ khi làm việc chăm chỉ”.
NGUỒN: Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn
Link bài: Đế chế…
https://doanhnhansaigon.vn/