Xuân Dương/ Báo GDVN
—–
Tui đã viết một số bài về dạy học online và cho đến nay, tui vẫn giữ quan điểm của mình về mô hình này như sau.
Dạy học trực tuyến chỉ là một công cụ trong thời kỳ số hoá, không phải là giáo dục. Giáo dục con người đâu chỉ cung cấp kiến thức, mà toàn diện, từ thể chất, tới tâm lý và nhiều nhu cầu phát triển khác của con người.
Học sinh đến trường, có thầy cô, bạn bè, có hàng cây, sân trường, có những đùa vui dưỡng nuôi lứa tuổi, có chiếc áo đồng phục với bảng tên trên ngực. Tất cả những thứ đó làm nên một cái tuổi, gọi là tuổi học trò.
Nếu chỉ học trực tuyến, sẽ không có những điều làm nên tuổi học trò mà là những cá nhân chỉ biết tích luỹ kiến thức. Đây là sự mất cân bằng trong phát triển thể chất, tâm lý, nhân cách, cho nên dù có học được thật nhiều “chữ”, vẫn không hàm dưỡng được “nghĩa”.
Giáo dục thời công nghệ phải khai thác tối đa các ứng dụng và nền tảng để hỗ trợ cho việc dạy và học, để học sinh được tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất. Nhưng, cũng phải tạo ra không gian thực song song với không gian số, để học sinh phát triển toàn diện.
Giáo dục con người khác với sản xuất một con robot.
Trần Quí Thanh
—–
Dạy và học trực tuyến nói một cách thẳng thắn mới đáp ứng được khâu truyền thụ kiến thức, những đòi hỏi khác hầu như không đạt được…
Gần đây một số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng dạy và học trực tuyến là xu thế hoặc để việc dạy – học trực tuyến đạt hiệu quả cần “vướng ở đâu gỡ ở đó…”.
Đề xuất của các tác giả là đáng quý và nên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc thận trọng, đặc biệt là khi các nhà hoạch định chính sách nghe “bùi tai”, dự định lồng ghép ý tưởng đó vào các văn bản quy phạm pháp luật.
Cái lợi của việc học trực tuyến được nhấn mạnh qua các ý kiến là giúp cho học sinh nâng cao ý thức tự học, tự tìm hiểu, bảo đảm tiến độ học tập khi học sinh không thể đến lớp (do dịch bệnh, do hoàn cảnh kinh tế hoặc do điều kiện địa lý,…).
Các ý kiến này không sai nếu đặt trong hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, tuy nhiên cần phải nhận thức rõ ràng rằng giáo dục bao gồm hai phạm trù: dạy và học.
Dạy học không chỉ là truyền thụ kiến thức tự nhiên và xã hội mà còn bao gồm giáo dục nhân cách, thể chất, phương pháp giao tiếp nơi công cộng, lối sống cộng đồng, đặc biệt là khả năng làm việc theo nhóm.
Dạy và học trực tuyến nói một cách thẳng thắn mới đáp ứng được khâu truyền thụ kiến thức, những đòi hỏi khác (liệt kê phía trên) hầu như không đạt được, ngoài ra cũng cần nói thêm không ít trẻ em chưa đủ tự giác khi tự học nếu không có người lớn kèm cặp bên cạnh.
Vậy dạy – học trực tuyến có phải là xu thế mà nền giáo dục Việt Nam phải hướng tới hay đây chỉ là biện pháp tình thế khi đại dịch Covid-19 lan rộng?
Nhiều vấn đề cần làm rõ trước khi trả lời câu hỏi này.
Số liệu trong Tờ gấp giáo dục và đào tạo năm 2019 (chưa thấy công bố Tờ gấp năm 2020) cho thấy số lượng học sinh, sinh viên năm học 2019-2020 như sau:
Khối phổ thông (bao gồm cả bậc Mầm non) cả nước có 24.407.600 học sinh; khối đại học cao đẳng có 1.518.986 sinh viên.
Hai khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có số lượng học sinh tất cả các bậc học là 4.726.681 người chiếm gần 1/3 số học sinh cả nước.
Bao nhiêu học sinh trong số gần 5 triệu học sinh miền núi có điều kiện sử dụng máy vi tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh phục vụ việc học trực tuyến?
Bao nhiêu khu vực chưa có điện, chưa có Internet hoặc sóng truyền hình?
Việc bảo đảm an ninh phần mềm dạy học, chống xâm nhập của tin tặc “mũ đen” hoặc các trò nghịch vô ý thức của học trò sẽ được thực hiện như thế nào?
Với một số lượng khá đông học sinh hiện nay phải đeo kính, vấn đề an toàn sức khỏe cho học sinh khi tập trung nhìn vào màn hình thời gian dài, nhất là với các thiết bị có màn hình nhỏ như điện thoại thông minh đã được giải quyết thấu đáo?
Báo điện tử Dangcongsan.vn trong bài “Cận thị học đường: Thực trạng đáng báo động” cảnh báo:
“Với công nghệ ngày càng hiện đại, trẻ sớm sử dụng các thiết bị điện tử để phục vụ cho học tập, giải trí, làm cho mắt cũng phải điều tiết ở cự ly gần trong thời gian dài.
Điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm thị lực và cận thị cao, đặc biệt là lứa tuổi 7-9 tuổi và 12–14 tuổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ mỗi ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%”. [1]
Một số nước phát triển có phương pháp giáo dục được xem là khác người, đó là trẻ em phải được nghịch bẩn trong môi trường tự nhiên.
Tất nhiên môi trường tự nhiên ở đó không bị nhiễm chất độc da cam, nước thải độc hại từ các nhà máy hoặc nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý như rất nhiều nơi ở nước ta ngày nay, chẳng hạn khu vực ven sông Tô Lịch tại Hà Nội.
Người Việt có một câu thành ngữ nghe có vẻ phản khoa học nhưng không phải là không có lý “Ăn bẩn sống lâu”.
“Ăn bẩn” ở đây là nói về thực phẩm chứ không phải ăn bẩn theo nghĩa “Ăn của dân không từ thứ gì”.
Vui chơi ở bãi cỏ, nghịch bùn cát,… chính là một cách tạo nên sức đề kháng tự nhiên, điều này lý giải vì sao trẻ em châu Phi có khả năng kháng bệnh tốt trong điều kiện thiếu thốn vật chất và chăm sóc y tế so với nhiều nơi khác.
Để khắc phục khiếm khuyết của việc học trực tuyến (online) thuần túy, thậm chí ngay cả học trên lớp chính khóa đôi khi vẫn chưa đủ nên một số quốc gia đưa ra hình thức kết hợp online và offline (tương tác trực tiếp thày trò) gọi là mô hính kết hợp OMO (online merge offline).
Một trong những đơn vị hoạt động từ đầu năm 2020 tại Việt Nam là nền tảng học tập trực tuyến Manabie do quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures kết hợp cùng các tổ chức Genesia Ventures, Chiba Dojo thực hiện. [2]
Ngoài giờ đến trường, học sinh có thể học online trên điện thoại di động hoặc trực tiếp đến các trung tâm offline.
Người ta tiến hành thành lập mạng lưới các trung tâm offline gần các khu dân cư tập trung, nơi học sinh có thể tới học tập dưới sự hướng dẫn của đội ngũ gia sư và cố vấn chuyên môn.
Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, chính quyền và người dân do dị ứng với hình thức học thêm – dạy thêm nên dễ có tư tưởng xem các trung tâm offline này là “lò” dạy thêm biến tướng.
Các phân tích trên đây cho thấy, việc dạy – học trực tuyến không thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một nền giáo dục toàn diện và do đó chỉ nên xem đó là giải pháp tình thế.
Nếu không bị ngăn trở bởi dịch bệnh hoặc điều kiện gia đình, trẻ em đến trường học trực tiếp với giáo viên, tương tác với bạn bè trong lớp, sinh hoạt dã ngoại dưới sự hướng dẫn, quản lý của thày cô giáo và nhà trường vẫn là tốt nhất.
Chắc nhiều người thấy trên phim ảnh, mô tả trong một số truyện khoa học viễn tưởng người ngoài hành tinh có cái đầu và cặp mắt rất to nhưng chân tay, cơ thể khẳng khiu như que củi.
Sự mô tả này xuất phát từ lo ngại về hoạt động của con người, hoạt động trí não khiến kích thước chiếc đầu phát triển nhưng hoạt động cơ bắp thì gần như bằng không làm cho các bộ phận khác teo đi.
Liệu đến lúc đó vẻ đẹp của phụ nữ sẽ không phải là khuôn mặt “chuẩn không cần chính” cộng với vòng một khủng, vòng hai con kiến và vòng ba phồn thực mà sẽ là cái đầu to với hai con mắt chiếm gần hết khuôn mặt?
Dự báo này và câu hỏi “Con người văn minh có phải đang quay lại thời bốn chân” không hề là viển vông nếu quả thật dạy và học trực tuyến đúng là “xu thế” thời đại./.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://dangcongsan.vn/khoa-giao/can-thi-hoc-duong-thuc-trang-dang-bao-dong-534792.html
[2] https://dantri.com.vn/suc-manh-so/nen-tang-giao-duc-truc-tuyen-manabie-day-manh-phat-trien-tai-viet-nam-20210228175729667.htm
NGUỒN: Theo Báo Giáo dục Việt Nam
Link bài: Dạy và học…
https://giaoduc.net.vn/goc-