Không chỉ có Nam Phương Hoàng Hậu, Cựu hoàng Bảo Đại đa tình còn sở hữu một tình trường sôi nổi với vô số những bóng hồng.
Hoàng đế Bảo Đại (1913 – 1997), tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ. Ông là người con duy nhất của Hoàng đế Khải Định, là vị vua cuối cùng củatriều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng củachế độ quân chủtronglịch sử Việt Nam.
Dù đã cam kết sẽ thuỷ chung 1 vợ – 1 chồng với Nam Phương Hoàng Hậu nhưng thực tế vị Hoàng Đế phong lưu, đa tình nàyđã từng vướng vào lưới tình với vô số các mỹ nhân.
Nam Phương Hoàng Hậu – “Quốc sắc thiên hương” triều Nguyễn
Nam Phương Hoàng hậu (1914 – 1963), tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan. Bà là Hoàng Hậu cuối cùng của nhà Nguyễn và của chế độ phong kiến Việt Nam. Nam Phương Hoàng Hậu cũng được xem là người vợ chính thức của Vua Bảo Đại.
Thị Lan xuất thân trong một gia đình công giáo có học thức và giàu có. Từ nhỏ Thị Lan đã được gia đình cho lên Sài Gòn học tập. Năm 12 tuổi, bà sang Pháp theo học trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux (Paris). Thị Lan trở thành một tượng đài của phái đẹp khi không chỉ có học thức cao mà còn sở hữu nét đẹp hoàn hảo.
Ở tuổi 20, Nam Phương Hoàng hậu có dáng người cao, mảnh khảnh, thanh thoát. Trong những bức hình cũ, bà thường diện trang phục thanh lịch, nhẹ nhàng. Cũng chính vì điều này mà năm 1932, trong lần gặp đầu tiên, Vua Bảo Đại đã đem lòng yêu mến Thị Lan. Trong cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam, Vua Bảo Đại đã viết: “”Cô Lan có một vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ làm tôi say mê”.
Sự cuồng si này đã khiến Vua Bảo Đại quyết cưới Thị Lan cho bằng được, bất chấp sự không đồng thuận của mẹ, bất chấp cả những khác biệt về tôn giáo khi mà Bảo Đại theo Phật còn Thị Lan theo Công giáo. Ông cũng đã sắc phong cho Thị Lan trở thành Hoàng Hậu ngay sau khi cưới, một trong những điều hiếm hoi trong lịch sử. Vua Bảo Đại đặt tên hiệu cho Thị Lan là Nam Phương Hoàng Hậu. Lý giải về cái tên này, Vua Bảo Đại có viết: “Tôi đã chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới là Nam Phương, có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng Đế”. Điều đó cho thấy, Nam Phương Hoàng Hậu quả thật có sức hút mãnh liệt với Vua Bảo Đại, để ông sẵn sàng vì vợ làm những điều chưa từng có trong tiền lệ, trong đó có cả việc bãi bỏ tam cung lục viện, sống theo chế độ 1 vợ, 1 chồng.
Sau 10 năm chung sống hạnh phúc, Nam Phương Hoàng hậu sinh cho Bảo Đại 5 người con. Năm 1945, Bảo Đại thoái vị, ra Hà Nội làm cố vấn, đó cũng chính là giai đoạn đánh dấu cuộc hôn nhân của Nam Phương Hoàng Hậu gặp những biến cố. Cựu Hoàng Bảo Đại vướng vào lưới tình với vô số người đàn bà khác và Nam Phương Hoàng Hậu biết nhưng vẫn không nửa lời oán thán. Bà một mình sống tại cung An Định (Huế) để lo cho các con. Năm 1947, bà đưa các con sang Pháp định cư và dành năm tháng cuối đời ở nơi đất khách.
Bùi Mộng Điệp – “Thứ phi Phương Bắc”
“Thứ phi” Mộng Điệp tên thật là Bùi Mộng Điệp, sinh ngày 22 tháng 6 năm 1924, nguyên quán Bắc Ninh, nhưng sau đó lên Hà Nội sống. Trước khi gặp Cựu hoàng Bảo Đại, bà Mộng Điệp từng có chồng và có con riêng.
Sau khi thoái vị năm 1945, cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn. Lúc này Mộng Điệp được một trí thức Hà Nội là Nguyễn Đình Liên sắp xếp cho gặp Bảo Đại (lúc này là công dân Vĩnh Thụy) ở một sân tennis. Trước khi gặp Mộng Điệp, Cựu hoàng Bảo Đại đã nghĩ rằng người duy nhất có thể “đốn ngã” trái tim mình chỉ có Nam Phương Hoàng Hậu. Thế nhưng, ông đã trúng tiếng sét ái tình và phải lòng Mộng Điệp ngay lập tức. Nếu Nam Phương Hoàng Hậu đại diện cho vẻ đẹp “chim sa, cá lặn”, là lá“mẫu đơn” của phương Nam thì thứ phi Mộng Điệp lại là vẻ đẹp tiêu biểu của xứ Kinh Bắc làm đắm say biết bao nhiêu chàng trai. Cũng vì gặp Mộng Điệp mà Bảo Đại đã quyết định “nuốt” lời hứa “một vợ một chồng” đã từng thề sắt son với Nam Phương Hoàng Hậu.
Bà sinh cho Bảo Đại 2 người con trai và 1 người con gái. Thế nhưng cũng giống như Nam Phương Hoàng Hậu, chỉ sau một thời gian, Bảo Đại đã chạy theo tiếng gọi của những bóng hồng khác, bỏ bà sống cô độc một mình ở đất khách quê người. Dẫu quãng thời gian chung sống với cựu hoàng Bảo Đại chỉ kéo dài vài năm, nhưng bà Mộng Điệp được cho là người có vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời cựu hoàng. Sau này không còn sống cùng Bảo Đại nhưng bà Mộng Điệp vẫn chăm lo việc thờ cúng tổ tiên nhà Nguyễn, đúng với phận sự của một vương phi thực sự. Bà lần lượt mất đi 3 người con trai (bao gồm 1 con với chồng cũ và 2 con trai với vua Bảo Đại), con gái lấy chồng và sống xa gia đình, những ngày cuối đời, bà sống cô độc một mình trên đất Pháp và qua đời vì bệnh tim.
Lý Lệ Hà – Kỹ nữ lừng danh Hà Thành
Lý Lệ Hà xuất thân từ vùng đất Hải Phòng và nhanh chóng nổi tiếng trong giới buôn phấn bán hương nơi đây. Tuy nhiên, sau đó không lâu, Lệ Hà chuyển lên Hà Nội sinh sống ở phố Khâm Thiên, nơi tập trung nhiều nhất các vũ trường lúc bấy giờ và trở thành niềm khao khát của nhiều nam giới lúc bấy giờ.
Vào năm 1938 – 1939, cuộc thi hoa khôi đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Đông. Những cô gái tham dự không phân biệt tuổi tác, nhưng với điều kiện là phải mặc áo lụa Hà Đông. Lệ Hà đã tham dự cuộc thi nhan sắc và đoạt giải Hoa khôi. Điều này đã khiến cho cái tên Lý Lệ Hà càng nổi hơn bao giờ hết.
Vũ nữ Lý Lệ Hà đã quyến rũ ông hoàng Bảo Đại vào những năm 1940. Mặc dù lúc đó đã có chồng nhưng Lý Lệ Hà vẫn tiến tới với cựu hoàng Bảo Đại. Với nhan sắc và cả kinh nghiệm tình trường dạn dày của mình, Lệ Hà liên tục có các chiêu “tấn công”, khiến Bảo Đại luôn bị động, lúng túng và gục ngã vô điều kiện.
Chuyện tình của vũ nữ Lý Lệ Hà và cựu hoàng Bảo Đại liên tục xuất hiện trên các mặt báo vào những năm 1940. Cô vũ nữ và ông hoàng lúc nào cũng “dính” chặt lấy nhau. Đêm đêm họ đi dạo, ăn nhậu, lui tới các nơi ăn chơi, tiệm nhảy bất chấp dị nghị của mọi người xung quanh đang sống khắc khổ đạm bạc…
Quãng thời gian này, người vũ nữ dốc hết tiền tiết kiệm để Bảo Đại có thể chi tiêu một cách thoải mái. Thế mới biết rằng, trong lòng Lý Lệ Hà, mối tình với Bảo Đại không chỉ là cơn gió thoảng mà cũng thực sự sâu nặng. Sự mê đắm của cặp đôi này đã khiến cho Nam Phương Hoàng Hậu gửi một lá thư cho cô và trở thành một trong những màn “đánh ghen” đắt giá nhất trong lịch sử.
Mê đắm nhau như vậy nhưng cuối cùng, Lý Lệ Hà cũng cùng chung số phận như những người phụ nữ từng đi qua đời Bảo Đại trước đó. Ông tiếp tục rời bỏ Lý Lệ Hà để theo đuổi mối tình bên những người đàn bà khác.
Sau này, Lý Lệ Hà đã sang Pháp, kết hôn với một người bản địa và sống tại một làng ngoại thành Paris. Lý Lệ Hà cũng không gặp lại đức vua Bảo Đại lần nào nữa từ khi sống ở đất Pháp.
Hoàng Tiểu Lan – người tình mang 2 dòng máu
Hoàng Tiểu Lan chính là bóng hồng đã khiến cho Cựu hoàng rời bỏ tuyệt sắc giai nhân Lý Lệ Hà. Ngay khi cùng Lý Lệ Hà sống lưu vong tại Hong Kong, ông đã có thêm người phụ nữ tên Hoàng Tiểu Lan, bà còn tên khác là Jenny Woong, vũ nữ Trung Hoa lai Pháp. Ông chung sống không hôn thú với Hoàng Tiểu Lan và có được một người con gái.
Cựu hoàng Bảo Đại quen biết với cô gái này trong khoảng thời gian giữa những năm 1946 – 1950.Thông tin được ghi chép lại về người tình ngoại quốc này của cựu hoàng không nhiều. Cuộc sống sau này của bà không rõ ràng, nhưng theo nhiều nguồn tài liệu, trong lúc Bảo Đại về nước làm Quốc trưởng, ông đã đem bà Hoàng Tiểu Lan theo cùng. Ông xây riêng cho bà một biệt thự tại Đà Lạt, giống với Nam Phương Hoàng Hậu, bà Mộng Điệp và bà Phi Ánh. Sau đó, thông tin cũng như tung tích của bà không được nói đến nữa.
Phi Ánh – “Thứ phi Đà Lạt”
Bà Phi Ánh xuất thân trong một gia đình tử tế và giàu có với nhiều nhà cửa và biệt thự tại Huế. Bà cũng vốn nổi tiếng là một nhan sắc tuyệt trần.
Năm 1949, được tin cựu hoàng Bảo Đại trở về nước lại lên ngay Đà Lạt, ông Phan Văn Giáo đã xuống tận phi trường Liên Khương đón vua Bảo Đại và giới thiệu Phi Ánh cho ông. Khi nhắc đến Đà Lạt và những câu chuyện liên quan đến những bà thứ phi của cựu hoàng Bảo Đại, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân rất vui và kể lại rành mạch. Bà Lê Thị Phi Ánh người trắng trẻo, cao ráo, mũi cao, mắt sáng, đẹp nhất trong bốn cô “phi”. Đang lúc buồn, gặp Phi Ánh, Bảo Đại phải lòng ngay.
Là một “Thứ phi” của Cựu hoàng, giống với những người khác, bà được tặng một căn biệt thự tại Đà Lạt. Được biết. Căn biệt thự của bà Phi Ánh được xây theo kiến trúc Tây Ban Nha đặc trưng, thể hiện sự “sủng ái” đặc biệt mà Bảo Đại dành cho bà lúc này, khác hẳn với kiến trúc kiểu Pháp phổ biến lúc bấy giờ.
Bà Phi Ánh đã sinh cho vua Bảo Đại được 2 người con. Người con gái là Nguyễn Phước Phương Minh, sinh năm 1950 và qua đời tại Mỹ năm 2012. Người con trai là Nguyễn Phước Bảo Ân, sinh năm 1951 tại Đà Lạt. Sau khi Bảo Đại rời khỏi Việt Nam, bà ở lại đất nước, đi bước nữa nhưng không có được hạnh phúc. Bà sống tại Việt Nam và mất vì bệnh ung thư tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1986.
Monique Baudot – người vợ cuối cùng lúc cơ hàn
Monique là công dân Pháp, sinh năm 1946 tại Lorraine, kém Bảo Đại 33 tuổi. Cùng với Nam Phương Hoàng Hậu, bà là người vợ chính thức, chính danh thứ 2 của Bảo Đại. Bà đến với Bảo Đại khi ông không còn gì trong tay. Lịch sử ghi chép rằng, bà Monique Baudot là hầu gái, làm công việc dọn phòng tại tòa cao ốc nơi mà Cựu hoàng thuê để ở những ngày cuối đời khi đã không còn tài sản. Khi biết được Bảo Đại chính là một “ông vua lưu vong” bệnh tật, không người chăm sóc, cô đã quyết định ở bên, chăm sóc và bầu bạn với ông suốt mấy chục năm cuối đời.
Họ chính thức làm đám cưới vào năm 1972 và có giấy hôn thú. Bảo Ðại vào đạo Thiên Chúa, có tên thánh là Jean-Robert. Khi kết hôn với cựu hoàng Bảo Đại bà đổi tên thành: Princess Monique Vĩnh Thụy. Họ chung sống hòa thuận, hạnh phúc bên nhau nhưng cả hai không có con. Cựu hoàng Bảo Đại qua đời vào 5 giờ sáng ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 85 tuổi. Sau khi chồng qua đời, hiện bà Monique vẫn còn cất giữ rất nhiều tài liệu và kỷ vật quan trọng về nhà Nguyễn.
Có thể nói, Vua Bảo Đại sinh thời trong khoảng thời gian mà lịch sử nước nhà và lịch sử thế giới có đầy biến cố, cuộc đời và sự nghiệp của ông đầy trắc trở. Nhưng trong tình trường, ông lại là người vô cùng đào hoa khi có vô số những người đàn bà đi ngang đời và đa phần đều là những tuyệt sắc giai nhân lúc bấy giờ.