TS Hồ Thiệu Hùng – Nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM/ Báo Tuổi Trẻ
Thời đi học, tui kính trọng và yêu mến những người thầy giỏi và tâm huyết với nghề nghiệp, đặc biệt là những người thầy có phẩm hạnh cao quý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo “Học thật, thi thật, nhân tài thật”, điều này đánh động đến toàn xã hội, khi mà có quá nhiều gian dối trong học tập và thi cử.
Chúng ta phải thay đổi, trả giáo dục về với chữ “chân”. Và thêm nữa, Tân Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra triết lý “nhân văn”.
Nhưng muốn có “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì phải có thầy thật. Nếu như thầy không ra thầy, được đào tạo không chuẩn mực, phẩm chất đạo đức thấp, thì làm sao co thể dạy cho học trò học thật, làm sao có thể đào tạo ra nhân tài thật được.
Nếu như người thầy không có phẩm hạnh cao quý thì làm sao có truyền thụ được tinh thần nhân văn?
Người xưa nói “danh sư xuất cao đồ”, tui cho rằng điều này rất đúng. Một người thầy giỏi, có tâm huyết, có đạo đức, dứt khoát sẽ dạy dỗ ra những người học trò tài năng và đức độ.
Một người thầy như vậy, nhiều người thầy như vậy, ngành giáo dục sẽ có một chân dung, uy thế mới trong xã hội. Thầy cô giáo có được niềm tin và sự trọng vọng của cộng đồng.
Nhưng làm sao để có thầy giỏi?
Đó là phải đề cao danh phận của người thầy, đó là tuyển đầu vào ngành sư phạm với mức đòi hỏi cao, đó là ra trường lầm thầy đi dạy với mức thu nhập cao.
Đừng quên cha ông nói “có thực mới vực được đạo”. Người thầy được xã hội ưu đãi, có mức lương đủ sống tử tế, thì mới toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp.
Đầu tư cho người thầy chất lượng cao thì mới có nền giáo dục chất lượng cao. Nền giáo dục chất lượng cao mới sinh ra nhân tài cho đất nước.
Trần Quí Thanh
—–
Chỉ đạo “Học thật, thi thật, nhân tài thật” của tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thu hút nhiều ý kiến tán đồng và bình luận.
Vài chục năm qua, mỗi khi chủ đề về thi cử được khơi lên, công luận cũng sôi nổi hưởng ứng nhưng rồi tình hình vẫn chậm được cải thiện.
“Học thật, thi thật, nhân tài thật” là mệnh đề cô đọng về ý nghĩa nên cần có nhiều ý kiến phân tích để cùng nhau hiểu sâu thêm. Và quan trọng hơn nữa là phải đề xuất giải pháp khả thi, hữu hiệu để câu khẩu hiệu này đi vào cuộc sống.
Ngành giáo dục đang đa dạng hóa các hình thức đánh giá trình độ người học, đây là con đường cải tiến đúng đắn, nên được tiếp tục để vừa mở thêm cơ hội cho người học vừa thực hiện nghiêm các kỳ thi hơn, chọn lọc đúng người giỏi hơn và loại được người học giả.(TS Hồ Thiệu Hùng) |
Khi nào người học chịu học thật?
Chỉ khi thấy việc học đó là cho mình, giúp ích cho cuộc sống của chính mình và gia đình, xã hội. Khi người học còn quá nhỏ để nhận ra điều này thì đứa bé sẽ học thật khi thấy học là vui, vui hơn khi phải ngồi nhà hay đi làm để kiếm cơm từ tuổi nhỏ. Khi nào thì học là vui?
Là khi được học với thầy cô dạy vui và dễ hiểu, dạy những điều thiết thực, áp dụng tốt trong cuộc sống thường ngày. Lớn thêm năm bảy tuổi nữa, người học sẽ nhận ra có nội dung môn học trong chương trình là “chán ngắt” với mình, có thầy cô dạy không hề vui chút nào nhưng trước áp lực của cha mẹ và trường, mình vẫn phải học.
Để học sinh chịu học và để đánh giá trình độ của học sinh, ngành giáo dục đề ra biện pháp thi cử. Thi cử biến thành mệnh lệnh thúc học trò chăm học. Lâu ngày học để thi trở thành “động cơ” chi phối quá trình học tập của nhiều người học.
Điểm thi, điểm học bạ hiện là cơ sở chủ yếu để đánh giá trình độ người học. Muốn thi đậu cao phải có học bạ đẹp, phải học tủ, có khi còn phải học thêm với thầy cô đang dạy lớp mình.
Khi thi, có học sinh còn có “tay trong”, có người “bảo trợ”. Vậy là cuộc thi trở thành không thật, không công bằng với số đông người học. Thực tế nhiều năm qua đã có gian lận trong các kỳ thi, thậm chí gian lận có hệ thống.
Cấp quản lý ra sức đối phó thì những học sinh và giáo viên mất chất càng ra sức ứng phó. Không ít sinh viên tốt nghiệp đại học bị cuộc sống chê vì thiếu hiểu biết về nghề nghiệp dù đủ về bằng cấp. Thị trường lao động vẫn khát nhân tài thật. Tương lai của quốc gia vì vậy mà bớt sáng.
Cách đối xử với người thầy có ảnh hưởng quan trọng
Để đưa khẩu hiệu “Học thật, thi thật, nhân tài thật” vào cuộc sống, thiết nghĩ cần có cách nhìn nhận sâu hơn về quan hệ giữa học – thi – nhân tài với bổn phận làm thầy. Trước hết xin nhắc lại một chân lý được người đời đúc kết: “Muốn đọc tương lai của một quốc gia, hãy nhìn vào giáo dục. Muốn đọc tương lai của giáo dục, hãy nhìn vào cách đối xử với người thầy”.
Vâng, cách đối xử với người thầy có ảnh hưởng rất quan trọng đến tương lai của một quốc gia. Không nhất thiết lương giáo viên phải cao nhất hay thuộc hàng cao nhất trong bảng thang lương.
Chỉ cần lương đủ sống và hai vợ chồng cùng làm việc thì đủ nuôi gia đình ở mức trung bình của xã hội là yên tâm rồi, khỏi lo chạy lo cơm áo gạo tiền, khỏi bị cám dỗ làm thêm những việc khiến lương tâm và lòng tự trọng của người làm thầy thấy áy náy. Khi đó người thầy có thể chuyên tâm dạy thật.
Chỉ cần được đối xử một cách tôn trọng bởi học sinh cùng cha mẹ các em và chính quyền các cấp là người thầy thấy mình được cả xã hội tôn trọng rồi.
Và nếu trong ngày 20-11 hằng năm, lãnh đạo chính quyền ngoài việc thăm các nhà quản lý giáo dục lão thành còn đi thăm hỏi được những nhà giáo tiêu biểu từng thầm lặng đứng lớp cả đời thì thái độ trân quý đó sẽ lan truyền mạnh mẽ.
Những giáo viên trọn đời sống vì sự nghiệp giáo dục, được phụ huynh cùng học sinh kính trọng, thương yêu chính là những nhân tài thật mà cả xã hội cần nâng niu, tôn trọng, vinh danh. Có vậy thì sẽ càng có nhiều người trẻ có tài năng muốn đi theo nghề dạy học.
Dạy học sinh, sinh viên không chỉ là dạy kiến thức mà còn phát triển năng lực, phẩm chất làm người.
Việc này đòi hỏi khắt khe hơn dạy kiến thức bởi việc “trồng người” này chỉ tốt khi chính người thầy làm tấm gương về người tử tế cho học trò qua cuộc sống hằng ngày của mình, trong đó dạy thật mỗi tiết lên lớp là một biểu hiện quan trọng nhất.
Thầy có hết lòng dạy thật thì mới hi vọng học sinh sinh viên chịu học thật. Thực tế cho thấy những bài dạy làm người của thầy còn được người học nhớ lâu hơn và vận dụng nhiều hơn là các bài dạy bộ môn…
“Ít mà tinh”
Chất lượng giáo dục sẽ không bị hạ thấp nếu Bộ GD-ĐT nghiên cứu để lược bỏ khỏi chương trình những nội dung chưa thiết thực theo phương châm “Ít mà tinh”, dành thời gian cho những nội dung thật cần thiết giúp hình thành năng lực và phẩm chất, đặc biệt là năng lực tự học để người học có thể tự cập nhật kiến thức mà tiến lên kịp theo cuộc cách mạng 4.0. Có năng lực này, người học có thể học suốt đời, lấy tự học làm cốt như Bác Hồ từng nhắc nhở. Người nào đã biết tự học thì luôn học thật vì họ học cho chính mình và khi “thi”, họ cũng thi thật vì phải thi trong trường đời. |
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Hãy nhìn…
https://tuoitre.vn/hay-nhin-