Tăng Quỳnh/ Báo Tuổi Trẻ
Mấy ngày qua hai người quen tôi ở TP.HCM đã từ chối những lời rủ rê ra quán nhậu, dù đây là quán cò con chỉ đủ chỗ cho 15 người với khoảng cách an toàn. Họ không ra quán vì sợ biết đâu họ là người lây bệnh COVID-19 cho người khác.
Ở khu vực họ làm việc có một ca F1 tạt qua, dù họ vắng mặt trong khung giờ có nguy cơ trở thành F2 nhưng với suy nghĩ có thể mình đã dính con virus kia, nên họ nói cứ tránh lê la quán xá cho chắc và để khỏi ân hận nếu xảy ra sự cố.
Chịu khó hỏi lý do không đến quán cà phê, không đi tới chỗ này, chỗ nọ…, một số người sẽ trả lời bạn là họ sợ biết đâu mình là nguồn lây bệnh cho người khác. Đây là sự thay đổi âm thầm, khó đong đếm nhưng nó phát ra một thông điệp sau hơn một năm sống chung với dịch: nhiều người đã chuyển trạng thái từ để chính quyền lo phòng chống dịch cho người dân sang tích cực ngừa bệnh cho chính mình, vừa phòng bệnh cho mình vừa bảo vệ người xung quanh.
Hơn hai tháng của đợt dịch đầu tiên hồi năm ngoái, đã có hơn 300 người trong nước tung tin giả trên mạng về dịch COVID-19 bị các cơ quan hữu quan xử lý. Tuy nhiên, trong nửa tháng từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay, báo chí mới đăng tải vài trường hợp tung tin giả bị xử phạt…
Rõ ràng việc xử phạt có tính răn đe để người vi phạm không tái phạm. Nhưng mặt khác, khi bị xử phạt lần đầu, nhiều người tung tin giả đã nhận ra đó là hành vi sai trái, gây hại cho người khác theo kiểu hiệu ứng đá mèo.
Hiệu ứng này có thể diễn giải như sau: cha hoang mang vì tin giả, to tiếng với con; con tức mình bèn đá con mèo; mèo lao ra đường, người lái xe hơi vội tránh mèo nên đụng xe máy. Do vậy, họ đã quay đầu là bờ, không tung tin giả nữa. Đây cũng là một sự thay đổi tích cực.
Ngoài ra, còn những biểu hiện thay đổi phù hợp khác như đã hết cảnh đổ xô mua lương thực, thực phẩm dự trữ; tài xế hoặc khách đi xe buýt thủ sẵn khẩu trang để phát cho người lên xe không có khẩu trang…
Trên đây là một số trong nhiều ví dụ cho thấy từ dịch, nhiều người đã thay đổi theo chiều hướng sống biết điều với nhau: tôi bảo vệ anh cũng là bảo vệ chính tôi và ngược lại, góp phần làm cho công cuộc phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả tốt hơn.
Việt Nam là nước đông dân thứ 15 trên thế giới, mật độ dân số cao, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Vì vậy, trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như COVID-19, nhất cử nhất động của một người có thể tác động tốt hoặc xấu đến hàng chục, hàng trăm người, thậm chí nhiều hơn nữa.
Bên cạnh việc mạnh tay xử lý những người lơ là phòng chống hoặc làm dịch bệnh lây lan, việc nhiều người sống biết điều với nhau cũng là “liều thuốc mạnh” để ngăn ngừa COVID-19.
Sống biết điều với nhau trong dịch là sống đúng với một điều mà bà con ta vẫn hay khuyên nhủ nhau: Việc gì không muốn xảy ra với mình thì mình cũng đừng trực tiếp, gián tiếp hoặc góp phần để xảy ra với người khác.
NGUỒN: Theo Báo Tuổi Trẻ
Link bài: Sống…
https://tuoitre.vn/song-biet-