Tái khởi động nền kinh tế như thế nào?

Trần Hùng Sơn – Hồ Hữu Tín Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM/ Báo TBKTSG

 

—–

Sau các làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19, các quốc gia trên thế giới đã tái khởi động hoặc chuẩn bị kế hoạch mở cửa nền kinh tế. Họ làm điều đó dựa trên cơ sở nào?

Nhìn chung, có hai yếu tố xác định khả năng sẵn sàng để tái khởi động nền kinh tế, đó là:

1. Số lượng ca bệnh mới ở ngưỡng trong năng lực chăm sóc của hệ thống y tế.

2. Cần đảm bảo sức mạnh của hệ thống y tế tại chỗ để phát hiện, quản lý và ngăn ngừa các ca nhiễm mới, bao gồm: đủ năng lực y tế, đặc biệt là các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU); khả năng thực hiện kiểm tra chuẩn đoán Covid-19 nhanh; có hệ thống xác định và cô lập hiệu quả các trường hợp nhiễm bệnh cũng như liên lạc với các công cụ kỹ thuật số để chia sẻ dữ liệu quan trọng theo thời gian thực (tuy nhiên, các hệ thống khác nhau có thể sẽ phù hợp với các quốc gia); có đủ nguồn lực y tế như: đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giường bệnh và các thiết bị bảo hộ y tế; tăng cường hiểu biết của cộng đồng bằng cách thông tin khoa học tốt nhất hiện có.

 

Từ kinh nghiệm các nước, kết hợp hai khía cạnh này, có bốn giai đoạn sẵn sàng để mở cửa lại nền kinh tế, trong đó giai đoạn 4 có mức sẵn sàng thấp nhất và giai đoạn 1 có mức sẵn sàng cao nhất (hình 1).

Dựa trên ma trận này, các nhà hoạch định chính sách xác định giai đoạn cho các khu vực địa phương (cấp thành phố, quận, huyện, phường,…) trên ma trận này để đánh giá khu vực có thể khởi động các hoạt động kinh tế. Mỗi khu vực ứng với một giai đoạn sẽ có hoạt động kinh tế tương ứng. Cần lưu ý rằng, các vị trí trên ma trận sẽ không ở trạng thái tĩnh; mức độ sẵn sàng của các khu vực sẽ tăng lên khi số ca bệnh giảm và cơ chế kiểm soát dịch tốt hơn được thiết lập, cũng như hệ thống y tế công cộng được củng cố.

Hành trình để tái khởi động nền kinh tế, đi đến điều kiện “bình thường mới” được tóm lược như sau:

Từ giai đoạn 4 (mức độ sẵn sàng thấp và mức độ lây nhiễm cao) sang giai đoạn 3 (mức độ sẵn sàng và mức độ lây nhiễm thấp): Thực hiện các biện pháp giãn cách bắt buộc ở giai đoạn 4 làm chậm sự lây lan của virus, đặt địa phương vào vị trí bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế của mình thông qua các biện pháp ở giai đoạn 3.

Từ giai đoạn 3 (mức độ sẵn sàng và mức độ lây nhiễm thấp) sang giai đoạn 2 (mức độ sẵn sàng trung bình và mức độ lây nhiễm thấp): Khi nền kinh tế mở cửa trở lại, năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe được nâng lên đáng kể, do đó cho phép chuyển sang các biện pháp ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, địa phương có thể quay trở lại giai đoạn 3 hoặc 4 nếu virus lây lan nhanh sau khi mở cửa trở lại,

Từ giai đoạn 2 (mức độ sẵn sàng trung bình và mức độ lây nhiễm thấp) sang giai đoạn 1 (mức độ sẵn sàng cao và mức độ lây nhiễm thấp): Địa phương sẽ đạt đến trạng thái “bình thường mới” mà ở đó năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe được mở rộng đầy đủ, sự lây lan của virus ở mức độ vừa phải, và địa phương tiến tới áp dụng các biện pháp cho giai đoạn 1.

Cần lưu ý, các quốc gia (địa phương) cần xây dựng các tiêu chí thích hợp để đo lường mức độ lây nhiễm của virus. Tiêu chí lý tưởng là tỷ lệ lây truyền nhưng tiêu chí này đòi hỏi năng lực xét nghiệm lớn, do đó có thể không phù hợp ở một số quốc gia. Các tiêu chí thay thế có thể là tốc độ tăng của các ca nhiễm và tổng số ca nhiễm cộng dồn.

Để khởi động lại nền kinh tế cần có những hiểu biết về cấu trúc kinh tế của từng khu vực, và để làm tốt điều đó, các nhà hoạch định chính sách kết hợp đánh giá rủi ro lây nhiễm và tầm quan trọng kinh tế tương đối của từng lĩnh vực trên các tiêu chí như tổng số việc làm, các khu vực có việc làm bị tổn thương hoặc mức độ đóng góp của các khu vực cho nền kinh tế. Theo đó, các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế cần phải hoạt động ngay cả trong tình trạng giãn cách nghiêm ngặt, như y tế, quốc phòng và an ninh, các hàng hóa, dịch vụ quan trọng như thực phẩm, dược phẩm, năng lượng, nước, khí đốt và thông tin liên lạc. Các ngành còn lại có thể được mở cửa dần dần khi cuộc khủng hoảng y tế giảm dần.

Như vậy, sẽ có các khu vực hoạt động khi mức độ sẵn sàng chuyển từ giai đoạn 4 sang giai đoạn 3. Khu vực khác có thể bắt đầu hoạt động khi ở giai đoạn 2, khi nguy cơ lây nhiễm tương đối được kiểm soát. Khu vực khác nữa có thể mở lại sau đó, khi tốc độ lây nhiễm đã được giảm thiểu hoặc ban hành các hướng dẫn rõ ràng cho hoạt động trong bối cảnh tương ứng.

Cụ thể, khi các ngành bắt đầu hoạt động trở lại, các cơ quan quản lý cần đưa ra các hướng dẫn liên quan đến sức khỏe và hành vi để giảm khả năng lây nhiễm như duy trì khoảng cách tiếp xúc, các khu vực có thể tiếp tục làm việc từ xa, hướng dẫn về vệ sinh và sức khỏe, kiểm soát để phát hiện sớm các ca bệnh mới, báo cáo thông tin liên quan cho cơ quan y tế và các biện pháp thực thi để đảm bảo tuân thủ. Điều này sẽ giúp các ngành tái khởi động an toàn hơn.

Ngoài ra, mỗi ngành có thể cần thực hiện các yêu cầu và thủ tục cụ thể hơn các ngành khác. Các cơ quan quản lý và các hiệp hội cùng thiết kế các quy trình cho từng phân ngành.

Một vấn đề không kém quan trọng trong lộ trình tái khởi động nền kinh tế đó là các quốc gia đều đưa ra tỷ lệ phủ vaccin mục tiêu, cùng với đó là việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho việc ra quyết định, đánh giá mức độ thành công của quá trình mở cửa lại và có các cải tiến trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn tại Anh, khi ra quyết định tái khởi động nền kinh tế theo từng bước, chính phủ sẽ xem xét dữ liệu mới nhất về tác động của các bước mở cửa kinh tế, bao gồm:

– Đánh giá hiệu quả chương trình triển khai vaccin.

– Có bằng chứng cho thấy vaccin hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở những người được tiêm chủng.

– Tỷ lệ lây nhiễm không có nguy cơ gia tăng số ca nhập viện, điều sẽ gây áp lực với hệ thống y tế.

– Đánh giá các rủi ro liên quan đến các chủng virus mới.

Tóm lại, việc tái khởi động nền kinh tế có thể dựa trên việc phân loại các khu vực theo bốn mức độ (giai đoạn) sẵn sàng. Đối với mỗi giai đoạn, các cơ quan quản lý cần xác định cường độ của việc thực thi, và có các điều chỉnh chính sách và hành động cụ thể. Hơn nữa, việc điều phối các chính sách cần sự phối hợp theo chiều ngang, theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền, giữa các khu vực nhằm tránh sự xung đột có thể làm trầm trọng thêm việc truyền tải chính sách. Đảm bảo được tính nhất quán của các chính sách thậm chí còn còn quan trọng hơn so với các chính sách hỗ trợ khẩn cấp.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Tái khởi động…

https://thesaigontimes.vn/tai-khoi-dong-nen-kinh-te-nhu-the-nao/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *