Mạo danh các ngân hàng để gửi đường link cung cấp các gói hỗ trợ là thủ đoạn lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi
Ngày 2/9, Vietcombank đã gửi email cảnh báo tới khách hàng về thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng xấu. Ngân hàng này thông tin: Các đối tượng lừa đảo mạo danh ngân hàng gửi email thông báo cung cấp gói hỗ trợ và yêu cầu khách hàng truy cập đường link để nhận gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, đường link này dẫn tới website giả mạo trang đăng nhập dịch vụ ngân hàng điện tử, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ để chiếm đoạt tiền.
Vietcombank cho biết ngân hàng không bao giờ liên hệ với khách hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ dưới mọi hình thức. Do đó, các yêu cầu cung cấp thông tin định danh, mật khẩu, mã xác thực OTP (nếu có) đều là giả mạo.
Tương tự, TPBank cũng vừa cảnh báo một thủ đoạn lừa đảo khác, đó là các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng này để hỗ trợ khoản vay, mở thẻ, sau đó yêu cầu khách hàng nộp tiền thanh toán phí hồ sơ, phí bảo hiểm, phí khoản vay.
Ngân hàng TPBank cũng đưa ra cảnh báo một số đối tượng mạo danh cán bộ, nhân viên ngân hàng này hoặc TPBank Fico (khối tín dụng ngân hàng) để mời khách hàng vay vốn với thủ tục nhanh gọn và đơn giản. Sau khi tư vấn qua điện thoại, Zalo, Facebook, đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng thao tác tải một số ứng dụng giả mạo, được thiết kế tương tự các ứng dụng, web của TPBank.
Không chỉ vậy, đối tượng lừa đảo còn làm giả/cắt dán chữ ký và con dấu của ngân hàng trên thông báo gửi cho khách hàng để tạo sự tin tưởng. Từ đó, đối tượng còn yêu cầu khách hàng nộp phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm, phí khoản vay… vào một tài khoản cá nhân và chiếm đoạt số tiền này.
TPBank khẳng định ngân hàng không yêu cầu khách hàng đóng thêm các khoản phí để tham gia chương trình hoặc không yêu cầu chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của cán bộ, nhân viên mở tại TPBank hay tại ngân hàng khác để thanh toán các khoản vay, khoản phí.
Ngân hàng BIDV cũng cho biết: Khi nhu cầu mua sắm online tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, một số đối tượng đã tạo các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, có liên kết thanh toán trực tuyến với các ngân hàng, như ebanking-shopee.vn, ibanking-shopee.vn, ibank-shopee.vn, ebankingshopee.vn, ibankingshopee.vn, mobilebanking-shopee.vn, shopeemobilebanking.vn…
Các đối tượng gửi đường link truy cập các trang web lừa đảo qua tin nhắn SMS, email… hoặc gọi điện thoại để hướng dẫn khách hàng giao dịch trên trang giả mạo, với mục đích lấy cắp thông tin tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã số OTP nhằm thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
BIDV khuyến cáo người dùng tuyệt đối không tiết lộ thông tin đăng nhập dịch vụ BIDV SmartBanking cho bất kỳ ai trong mọi trường hợp; đồng thời không truy cập vào các website giả mạo ngân hàng.
Lưu ý khi thực hiện các giao dịch ngân hàng
Lợi dụng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng đã lợi dụng, chiếm đoạt khoản ngân hàng và tiền của nhiều người khi thực hiện các giao dịch ngân hàng online. Để đảm bảo an toàn thông tin tài khoản, các ngân hàng cũng như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số khuyến cáo:
– Không cung cấp thông tin về các dịch vụ Ngân hàng số gồm Tài khoản đăng nhập, Mật khẩu, Mã xác thực (OTP) hoặc số thẻ tín dụng, cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được rõ mối quan hệ;
– Không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc;
– Không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng (truy cập vào link lạ, chuyển tiền qua ngân hàng, nạp thẻ, rút tiền, …);
– Không truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản… của người tiêu dùng vào trang web/liên kết khác với trang web hay đường dẫn Internet Banking của ngân hàng;
– Không cài đặt các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng đặc biệt là theo yêu cầu của đối tượng lạ;
– Không cho mượn hoặc cho thuê thông tin cá nhân để mở thẻ, tài khoản ngân hàng.
– Khi nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần liên hệ ngay cơ quan có thẩm quyền (ngân hàng, cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, công an địa phương…) để được tư vấn, hỗ trợ và xử lý kịp thời.