Ranh giới của hiểu thấu và biết ơn

Lương Hàn/ Báo Phụ nữ Tp HCM

Trắng đêm chăm người bệnh ở khu K1 – Bệnh viện Hùng Vương (ảnh: VTV News)

Ranh giới giữa sống và chết rất mong manh, nhưng ranh giới giữa ghi nhận và không thấu hiểu đâu khó nhận ra…

Việt Nam đã trải qua đợt dịch COVID-19 thứ tư. Những cống hiến của lực lượng y tế đã được nhắc đến từ những ngày đầu, thế nhưng khi Ranh giới – phim tài liệu về các y bác sĩ nhận nhiệm vụ cứu chữa sản phụ mắc COVID-19 tại khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương – được phát sóng, người xem vẫn sốc.

Hơn 50 phút của phim, những hình ảnh trực quan sinh động giữ nhiệm vụ chính, không lời bình đệm cảm xúc, không có những cú ngắt máy chủ ý… Diễn biến thực tế giữ nhiệm vụ kể câu chuyện, và câu chuyện ấy tàn khốc đến đau đớn. Cuộc chiến với COVID-19 của lực lượng y tế là những bước chân gấp gáp, động tác gắn oxy khẩn trương, những cái bóp bóng đến rã rời tay… và còn là sự nhẫn nại trước ý định muốn bỏ cuộc do sợ hãi của người bệnh. Nhưng, dẫu sao thì, cuộc chiến đó cũng dễ dàng được nhìn thấy qua những hình ảnh và khung giờ. Có một cuộc chiến khác bên trong họ mà không thước phim nào ghi lại được, đó là khi phải quyết định chấm dứt một sinh mệnh – kết thúc thai kỳ để cứu người mẹ; là khi đã cố đến thế vẫn không ngăn được sự tử vong của một người. “Nó đau lắm, đau từ trong tim. Tất cả, bao nhiêu con người vậy mà cũng không cứu được…”, lời của một bác sĩ tại “hiện trường”.

Ở nơi ấy, ranh giới giữa sống và chết chỉ là biểu đồ sóng ngang trên màn hình monitor theo dõi chỉ số sinh tồn. Mọi thứ đều mong manh. Chỉ có lựa chọn sống tử tế hay làm người bỏ cuộc là vững như bàn thạch. Khi đã ở đây, nghĩa là họ đã xác định chiến tuyến: chiến đấu đến cùng với thần chết, bệnh nhân là trên hết, mặc cho cái đói, cái nóng, cái kiệt sức bủa vây. Và mặc cho chính họ cũng gặp nguy hiểm. Sau 18 ngày làm việc tại khu K1, hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang mắc COVID-19, làm lây nhiễm cho cả đứa con trai 17 tuổi chị, nhưng điều làm chị tiếc nuối nhất là chị mắc COVID-19… sớm quá, trong khi còn bao nhiêu việc cần chị ở đó.

Chúng ta vẫn biết lực lượng y tế vất vả, nhưng nào ngờ hiện thực tàn khốc đến thế. Vậy mà, trước đó, lại có những văn bản lạnh lùng ban ra. Đó là Công văn 1940 của Sở Y tế Bình Dương ban hành ngày 20/8, có nội dung “không giải quyết đơn xin nghỉ việc của các viên chức thuộc tất cả đơn vị trực thuộc; đồng thời nếu viên chức tự ý bỏ việc, Sở Y tế sẽ xem xét kỷ luật theo quy định, thu hồi các chứng chỉ hành nghề đã cấp”. Không có bất kỳ sự xem xét nào về những lý do chính đáng, không có sự trăn trở để hỏi vì sao, liệu có điều gì bất cập khiến những con người đã tuyên lời thề Hippocrates có ý định bỏ cuộc. Càng không có sự động viên hay vỗ về, trong một cuộc chiến mà sức của lực lượng y tế có hạn còn sự tàn phá của virus thì vô cùng.

Y bác sĩ tự ý bỏ vị trí công tác, đó là hiện tượng có thực, khiến mới đây, ngày 4/9,  Bộ Y tế ban hành Công văn 7330/BYT-KCB để tăng cường quản lý.  Nhưng, ngay cả khi có sự thối chí trong hiện tượng đó, hãy khoan lên án và trừng phạt. Đã 4 đợt dịch ập đến, họ đã căng mình gồng sức, rất nhiều người đằng đẵng mấy tháng trời không thấy mặt người thân, không có một giấc ngủ đủ hay bữa ăn đảm bảo dưỡng chất… Tại một bệnh viện dã chiến tại TPHCM, một nhân viên y tế phải “gánh” 150 người bệnh. Nhiều người còn chịu đựng nỗi đau tử biệt mẹ cha mà không thấy mặt lần cuối. Nếu họ có đuối sức mà bỏ cuộc, bằng cách này hay cách khác, xin hãy tiếp sức cho họ, thay vì trừng phạt bằng cách “xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm” (trích Công văn 7330/BYT-KCB).

Đáng vui là, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo đưa vào Nghị quyết phiên họp về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Ngày 8/9, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương có giải pháp kịp thời, cụ thể về vấn đề này.

Ranh giới giữa sống và chết rất mong manh, nhưng ranh giới giữa ghi nhận và không thấu hiểu đâu khó nhận ra, đặc biệt trong bối cảnh những hy sinh thầm lặng, những cống hiến không đòi hỏi gì cho bản thân của đội ngũ y, bác sĩ đã và đang được nhân dân đền đáp bằng lòng biết ơn.

NGUỒN:  Theo Báo Phụ nữ Tp HCM

Link bài: Ranh giới…

https://www.phunuonline.com.vn/ranh-gioi-cua-hieu-thau-va-biet-on-a1445436.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *