Hiệu lực không thông suốt

Lê Kiên/ Báo Tuổi Trẻ

Một chốt kiểm soát trên quốc lô 91, tỉnh An Giang ngày 15-10 – Ảnh: BỬU ĐẤU

Nhìn lại đợt chống dịch này, chúng ta thấy có cả trăm văn bản “nội trị” của các tỉnh thành được ban hành và không ít trong số đó trái với quy định, chỉ đạo của trung ương.

Người dân đã gặp khó khăn vì đại dịch, lại còn bị gây khó bởi nạn cát cứ. Trong đó, các quy định về đi lại, xét nghiệm và cách ly đã gây ra nhiều phiền hà nhất, khiến người dân bức xúc nhất.

Ngay cả khi Chính phủ đã ban hành nghị quyết 128, trong đó hướng dẫn rõ về tiêu chí để xác định các cấp độ dịch, yêu cầu các địa phương phải thống nhất thực hiện, không được làm trái quy định của trung ương. 

Nhưng trên thực tế, mức độ “phản ứng” của các tỉnh thành cũng rất khác nhau, đặc biệt là sự chậm trễ áp dụng nghị quyết này. Có hiện tượng tỉnh này “ngóng” tỉnh kia, thăm dò lẫn nhau rồi mới đưa ra quyết định. Lại có những quy định “thò ra, thụt vào” như sáng ban hành chiều điều chỉnh hoặc hôm nay ban hành mai thu hồi lại. Và cũng có những quyết định chờ mãi chưa thấy ra, như việc TP Hà Nội cơ bản đã “xanh” nhưng học sinh vẫn chưa được trở lại trường học, mặc dù nghị quyết của Chính phủ yêu cầu các địa phương “xanh” cho học sinh đi học trực tiếp ngay trong tháng 10.

Thậm chí, các địa phương vẫn cứ “sáng tạo” ra những cách làm của riêng họ, rồi tuyên bố “không trái với nghị quyết 128”. Chẳng hạn ở tỉnh An Giang quy định người đi ra ngoài tỉnh vẫn phải xin giấy của chính quyền. 

Trả lời Tuổi Trẻ, ông phó chủ tịch tỉnh này khẳng định: “Đây không phải là giấy phép con, vì không có giấy xác nhận này mà người An Giang đi TP.HCM hay các tỉnh làm sao họ biết người đó đang ở vùng nào của An Giang được”. Chẳng lẽ ông phó chủ tịch tỉnh không biết chúng ta đang sử dụng các phần mềm khai báo y tế, quét mã QR để kiểm soát hành trình, tiếp xúc của người dân?

Chưa kể, có địa phương còn “đẻ” thêm màu phân vùng như màu xanh nước biển, trắng, xanh lá! Ở Bến Tre, xe liên tỉnh đi qua đi lại được dán niêm phong các cửa để khách không ghé dọc đường. Nhiều người bình luận rằng chắc đi qua Bến Tre thì phải đeo bỉm trước để phòng khi muốn đi vệ sinh mà không được mở cửa xe (?!).

Nhớ lại, khi dịch bệnh mới bùng phát lần thứ nhất, thứ hai, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy là thủ tướng) đã chỉ ra tình trạng bộ máy bị nhiễm một loạt virus, đó là “virus trì trệ”. Gần đây, khi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhắn nhủ rằng khi đội ngũ cán bộ, quản lý nhận cái khó về mình thì mới tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Trong quản lý, cứ đưa ra các quy định cấm hoặc buộc người dân phải làm là dễ nhất và nó cũng bảo đảm an toàn nhất cho sự yên vị “chiếc ghế” của những người lãnh đạo. Nhưng các văn bản ban hành gây ra tình trạng cát cứ, làm khó cho người dân, khiến nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội bất động là nguyên nhân của những hậu quả khôn lường khác. 

Khi một nền hành chính gặp tình trạng hiệu lực không thông suốt từ trên xuống dưới thì không những các hoạt động kinh tế – xã hội bị cản trở mà chính kỷ cương, hiệu quả vận hành của bộ máy ấy cũng gặp vấn đề nghiêm trọng và làm suy giảm tính nghiêm minh của Nhà nước.

NGUỒN:  Theo Báo Tuổi Trẻ

Link bài: Hiệu lực…

https://tuoitre.vn/hieu-luc-khong-thong-suot-20211017083116224.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *