Những ‘cạm bẫy’ luôn rình rập các lãnh đạo doanh nghiệp

Quỳnh Chi/ Trang The Leader

Càng khó khăn, người lãnh đạo doanh nghiệp cần tỉnh táo và biết nhìn xa trông rộng để chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đúng hướng

—–

Ngày 17.10 là ngày đáng ghi nhận của TPHCM, vì là ngày đầu tiên số ca tử vong thủng đáy 50, chỉ có 38 ca. Con số này rất có ý nghĩa, đây là tín hiệu để TPHCM trở lại trạng thái bình thường.

Các chuyển động của tuần qua, sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành, cho dù còn có những xộc xệch cần phải điều chỉnh, nhưng cũng cho thấy một luồng sinh khí mới trong xã hội.

Nghị quyết 128 giúp tháo gỡ nhiều rào cản, các loại giấy phép con sinh ra trong mùa dịch và quan trọng là ngăn chặn tư duy “ngăn sông cấm chợ” để người dân, doanh nghiệp được tự do làm ăn buôn bán, sản xuất kinh doanh.

Tại cuộc họp trực tiếp toàn quốc ngày 17.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, gây ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.

Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương chấn chỉnh, chắc chắn trong vài ngày tới, mọi rào cản sẽ được tháo. Và theo tình hình thực tế, dự báo vùng xanh sẽ mở rộng hơn, tỉ lệ tiêm vaccine tăng lên, mọi hoạt động sẽ trở lại nhịp sống cũ.

Điểm qua tình hình để xin được nói rằng, doanh nghiệp xem đây là thời điểm tăng tốc, bứt phá, nhất là giai đoạn từ nay đến Tết.

Thực ra, cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực sản xuất kinh doanh trong thời gian bùng dịch nặng nề cho đến nay, có doanh nghiệp đuối sức, nhưng cũng còn nhiều doan nghiệp sống sót. Và đây là thời điểm quan trọng để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Vấn đề còn lại là tìm cách phục hồi như thế nào.

Có một điều chắc chắn, sau đợt “ngủ đông” kéo dài, con người ta muốn được làm việc, khát khao đi lại, tiêu xài, hưởng thụ cuộc sống, cho nên những ngành nghề phục vụ trực tiếp những nhu cầu đó rất có ưu thế.

Doanh nghiệp ở những ngành nghề sản xuất kinh doanh sản phẩm cao cấp sẽ có ít thị trường hơn, bởi vì dịch giã đã gây khó khăn cho nhiều người, họ sẽ giảm mua sắm hàng xa xỉ.

Khi trở lại đường đua, các doanh nghiệp cần thận trọng tính toán, lượng sức của mình, khai thác ưu thế của mình để phóng về đích.

Như bài viết tui giới thiệu sau đây có đoạn: “Mỗi chiếc xe đua phải tận dụng những khúc cua trên đường để tạo thành lợi thế, tìm kiếm cơ hội sau mỗi khúc cua để bứt phá trên đường đua sau đại dịch”.

Trần Quí Thanh

—–

Một trong những cái bẫy mà nhiều doanh nhân, doanh nghiệp gặp phải là quá ôm đồm với những khát vọng mới khi gặp cơ hội mới và dần xa rời giá trị cốt lõi đã đặt ra ngay từ ban đầu.

Những nỗ lực chuyển mình

Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh.

Theo Cục Công nghiệp, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ.

Căn cứ theo dữ liệu của Tiki, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Tiki cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, chỉ số mua sắm của khách hàng tăng mạnh, nổi bật nhất là ngành hàng tiêu dùng.

Ông Sơn dự đoán, trong thời kỳ hậu Covid-19, nhu cầu mua sắm chia thành hai thái cực tượng trưng cho hai nhóm khách hàng. Một là nhóm khách hàng có nhu cầu giải trí ngay lập tức và sẽ hướng về các ngành như du lịch, giải trí. Nhóm khách hàng thứ hai tập trung vào tiêu dùng tiết kiệm, quan tâm tới mua sắm nhu yếu phẩm cho cuộc sống.

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Tiki

Theo thống kê, có 69% doanh nghiệp tại Việt Nam đã tạm dừng hoạt động, 16% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ có 15% hoạt động bình thường sau bốn đợt dịch của Covid-19.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho biết, FPT thuộc 15% số doanh nghiệp hoạt động như trước đại dịch và hiện là “doanh nghiệp chiến đấu”. Ông Tiến và đội ngũ phải làm việc nhiều hơn để giải quyết nhiều bài toán khó hơn thay vì chuyển sang trạng thái “ngủ đông” như phần lớn doanh nghiệp thuộc nhóm ngành du lịch, hàng không, nhà hàng – khách sạn.

Trong chương trình Vietnam CEO Forum phần thứ ba do IBP, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và S-World tổ chức với chủ đề “Mặt trời ló dạng nơi đâu”, ông Tiến khẳng định: “những gì không giết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn”.

Ông cho biết, khoảng thời gian 4 – 12 tuần sắp tới được xem là “lò xo nén”. 85% số doanh nghiệp bị nén chặt lại trong dịch sẽ bắt đầu bật ra và bùng nổ rất nhanh.

Chủ tịch FPT Telecom khẳng định, đại dịch Covid-19 không hạ gục được cộng đồng doanh nghiệp Việt. Vì vậy, ông lạc quan tin tưởng rằng “mặt trời” sẽ chiếu sáng tất cả ngành nghề sau đại dịch.

So sánh mỗi doanh nghiệp như một xe đua công thức một trên đường đua đến thành công, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc đầu tư và tài chính của Nova Group cho biết, những doanh nghiệp đầu tàu ở gần “mặt trời” nhất sẽ có cơ hội vực dậy sớm nhất.

Bên cạnh đó, mỗi “chiếc xe đua” phải tận dụng những khúc cua trên đường để tạo thành lợi thế, tìm kiếm cơ hội sau mỗi khúc cua để bứt phá trên đường đua sau đại dịch.

Ông Phiên cho biết, năm 2020, NovaGroup tiếp tục tái cấu trúc với chiến lược trở thành tập đoàn kinh tế gồm ba trụ cột: Novaland Group, Nova Services Group, Nova Consumer Group, hoạt động trong các lĩnh vực gồm bất động sản, thương mại – dịch vụ, nông nghiệp – hàng tiêu dùng. Câu chuyện của NovaGroup phát triển đa ngành chính là tạo sự vững vàng để vượt qua những khúc cua sắp tới.

Nhìn nhận những cái “bẫy”

Nhà sáng lập Tiki cho biết, trong 2 năm trở lại đây, các chính sách đối với thương mại điện tử đã cởi mở hơn rất nhiều. Mặc dù là công ty Việt Nam và có thể không có lợi thế về nguồn lực như các công ty nước ngoài nhưng Tiki luôn coi công nghệ là nguồn lực quan trọng do đó công ty sớm áp dụng điện toán đám mây, AI, robotic trong việc vận hành kho bãi.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho biết, cái bẫy lớn nhất đối với Tiki là muốn “ôm đồm” nhiều thứ, xa rời đi cốt lõi của công ty là phục vụ khách hàng.

Đối với ông Phiên, ở mỗi cấp độ, doanh nghiệp sẽ có khó khăn riêng. Một cơ thể lớn như Nova Group sẽ không có khả năng linh hoạt, uyển chuyển, nên NovaGroup đang tập trung đi sâu vào những ngành đang triển khai và xác định khép kín trong chuỗi.

Đối với Nova Group, có hai vấn đề cốt lõi. Đầu tiên là chuyển đổi công nghệ để thay đổi những tập quán làm việc cũ, cắt bỏ những phần thừa để nhẹ bớt và tiến nhanh hơn. Hai là cố gắng cộng sinh với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Đối với nhà thầu, nhà cung cấp thì có mối quan hệ bền chặt hơn, để giảm bớt quy trình.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng xác định cần thêm một “liều vaccine” là tiềm lực tài chính, cơ cấu doanh thu, cơ cấu lợi nhuận để bền vững hơn, mang tính chất đều đặn hơn.

“Cái bẫy lớn nhất là ở chính mình, là khi ban lãnh đạo thỏa mãn với những gì mình đã làm. Doanh nghiệp phải duy trì sự khát khao, chiến đấu của từng người trong bộ máy.

Cái bẫy lớn nhất vẫn là sự thỏa mãn, đó là sợi dây kéo mình lại nhiều nhất”, ông Phiên nói.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc đầu tư và tài chính của Nova Group

Tự nhận mình là người lạc quan, nhưng đối với ông Hoàng Nam Tiến, ảnh hưởng của Covid-19 lên Việt Nam khá nặng nề vì thời gian nhập thiết bị rất chậm, tăng gấp đôi thời gian. Bên cạnh đó, các chuyên gia cao cấp không vào Việt Nam vì chi phí tăng cao và buộc phải cách ly. Ngoài ra, các công ty FDI chuyển các hoạt động qua nước khác, tạm dừng các điều khoản hợp đồng.

Đối với thị trường trong nước, trong suốt 1 năm qua, hàng ngàn người trẻ lẽ ra phải được gặp gỡ để làm việc, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhưng lại phải làm việc trực tuyến. Bên cạnh đó là tâm lý lo ngại của người dân sợ dịch bệnh quay lại lần thứ năm.

Tuy nhiên, Chủ tịch FPT Telecom cũng rút ra được bốn trọng điểm để doanh nghiệp có thể chuyển mình sau đại dịch

Thứ nhất, trong hoàn cảnh hiện nay, cần chuyển từ quản trị doanh nghiệp qua chỉ huy doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp Việt hiện không có thời gian chờ nhiều nữa nên các mệnh lệnh, chỉ đạo hệ thống cần thay đổi ngay.

Thứ hai, doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành doanh nghiệp xanh để ứng phó với dịch.

Thứ ba, văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng. Thậm chí, doanh nghiệp có thể phải làm việc với 200% năng suất, từ quản lý đến nhân viên tiếp tục chiến đấu cùng nhau để đạt được mục tiêu chung.

Cuối cùng cũng là quan trọng nhất, người lãnh đạo phải là người biết nhìn xa trông rộng, có năng lực nhìn thấy tương lai và chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đúng đường.

NGUỒN: Theo Trang The Leader

Link bài: Những…

https://theleader.vn/nhung-cam-bay-luon-rinh-rap-cac-lanh-dao-doanh-nghiep-1634370239533.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *