Gói phục hồi kinh tế: ‘liều thuốc’ cho những nhóm nào, quy mô ra sao?

Y Minh/ Báo DNSG

Nguồn hình: Báo cand

—–

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, trong đó có đề xuất về gói phục hồi kinh tế với quy mô khoảng 800.000 tỉ đồng (gần 35 tỉ đô la), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021.

Trong ảnh minh họa là hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TTXVN

Báo Thanh Niên dẫn nguồn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), cho biết dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các nước đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn như Mỹ là 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Trung Quốc 6,1% GDP. Những gói hỗ trợ đó chưa từng có tiền lệ, chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Trong nước, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng, nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, năm 2021 ước khoảng 10,5 tỉ đô la, tương đương 2,85% GDP, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cũng thông tin với báo giới, Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế với các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế để tới đây trình ra Quốc hội. Không bàn chi tiết về quy mô gói hỗ trợ song ông lưu ý các gói chính sách, kích thích kinh tế mà Chính phủ xây dựng phải đủ lớn để phục hồi nền kinh tế. Đồng thời các gói kích thích kinh tế phải vừa liên quan chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, biện pháp triển khai thực hiện thì phải gắn với tình hình hiện nay.

Theo VnExpress, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, người tham gia góp ý vào dự thảo chương trình phục hồi kinh tế, cho biết độ lớn của gói kích thích kinh tế chưa chốt nhưng chắc chắn sẽ lớn hơn tổng mức đầu tư công hàng năm đang thực hiện (hơn nửa triệu tỉ đồng – PV). Và gói này sẽ không giải ngân hết trong năm 2022 mà sẽ có lộ trình.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân đầu tư công thực hiện năm 2020 là hơn 466.000 tỉ đồng. Còn tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỉ đồng, tức bình quân khoảng 574.000 tỉ đồng mỗi năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu tổng quy mô gói phục hồi kinh tế tới 800.000 tỉ đồng (hơn 35 tỉ đô la Mỹ) sẽ đóng vai trò vốn mồi trong đầu tư công, kích thích tăng trưởng, tạo việc làm… Một đồng vốn bỏ ra có thể huy động 4-5 lần đồng vốn khác trong nền kinh tế cùng tham gia. Nếu huy động được gấp bốn lần, nền kinh tế sẽ có khoảng 4 triệu tỉ đồng để hỗ trợ khôi phục và phát triển trong 4-5 năm tới.

Ông Nguyễn Đức Kiên dự kiến mỗi năm nền kinh tế sẽ có khoản vốn cực lớn khoảng 1 triệu tỉ đồng, tương đương khoản thu ngân sách (khoảng 1,3 triệu tỉ đồng), để đầu tư. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng cần rà soát lại mức thực chi các gói hỗ trợ để có số liệu tổng thể gói kích thích kinh tế chuẩn xác hơn.

Ông Cấn Văn Lực lấy ví dụ gói hỗ trợ giãn, hoãn tiền thuế, phí khoảng 100.000-200.000 tỉ đồng từ năm 2020 đến nay được nhà chức trách đưa ra, nhưng thực tế doanh nghiệp tiếp cận không hết quy mô gói được công bố. Lý do là chính sách hoãn, giãn nên tới cuối kỳ tài chính các doanh nghiệp vẫn phải hoàn trả lại vào ngân sách. Theo ông, việc huy động nguồn lực nên tính trên số liệu thực chi để sát thực tế hơn.

Việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 hiện nay hết sức phù hợp và cấp thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Chương trình này được thực hiện giai đoạn 2022-2023 bao gồm 4 chương trình thành phần, gồm Chương trình tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Chương trình an sinh xã hội và việc làm; Chương trình phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc huy động vốn được thực hiện theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể. Các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu bao gồm nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)…

Đánh giá về tác động của chương trình nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng khi thực hiện thì tăng trưởng kinh tế 5 năm 2021-2025 dự báo đạt khoảng 6,4-6,8%/năm, cao hơn khoảng 1 điểm % so với kịch bản không thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu đề ra (6,5-7%/năm).

Việc huy động các nguồn lực thực hiện làm nợ công tăng lên nhưng vẫn trong phạm vi kiểm soát. Quy mô nợ công theo các kịch bản khoảng 47% năm 2022 và 49% năm 2023.

Báo Thanh Niên dẫn lời chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá đây là một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đủ lớn và thời gian đủ dài cần để triển khai. Bản thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hội đủ các yếu tố trên, nhắm vào các lĩnh vực đáng quan tâm nhất, không chỉ hỗ trợ người lao động,  cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện tại mà còn thúc đẩy cải cách thể chế để bắt kịp nền móng cho bước phát triển tiếp theo.

Ông Võ Trí Thành tính toán, với Chương trình 800.000 tỉ đồng, kéo dài trong 2 năm, tương đương khoảng 9-10% GDP hằng năm thì có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn. Tuy nhiên, chương trình có đánh giá rủi ro và tập trung quản trị rủi ro để đảm bảo khả năng chống đỡ của nền kinh tế trước khủng hoảng, nên cho dù có thâm hụt thì kinh tế vĩ mô vẫn bảo đảm ổn định trong trung hạn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhận định Chương trình này không chỉ để giúp phục hồi kinh tế mà phải gắn với việc chuyển đổi nhanh, xây dựng một nền kinh tế tự chủ trong bối cảnh mới. Trong đó, phải phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong nước và gắn kết với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tận dụng các cơ hội từ những hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia.

Theo TS. Trần Du Lịch, Chính phủ phải chấp nhận bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức gần 4% của năm 2021 mà Quốc hội đã phê duyệt. Từ đó, cũng phải chấp nhận tăng trần nợ công nếu cần thiết. Song song đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân. Nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công và cải thiện môi trường đầu tư để kích cầu đầu tư tư nhân sau khi nhà nước đã đầu tư công như vốn mồi cho kinh tế phát triển.

Để triển khai công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo các quy định mới và đặc biệt để việc miễn thuế 6 tháng cuối năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ thống nhất, Tổng cục Thuế đã tổ chức chương trình tập huấn trong 3 ngày (từ 1-11 đến 3-11) cho các đơn vị liên quan. Trong đó, tập trung vào các quy định về công tác quản lý thuế đối với hộ kê khai; hướng dẫn triển khai hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hướng dẫn áp dụng miễn thuế trong 6 tháng cuối năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Giải đáp các vướng mắc trong triển khai Thông tư số 40, Nghị quyết số 406 và Nghị định số 92.

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Gói phục hồi…

https://thesaigontimes.vn/goi-phuc-hoi-kinh-te-lieu-thuoc-cho-nhung-nhom-nao-quy-mo-ra-sao/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *