Chỉ có thể bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo bằng luật

Tấn Đức/ Báo TBKTSG

Nguồn hình: Tạp chí tài chính

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chủ trương này được đưa ra giữa lúc tình trạng sợ trách nhiệm của cán bộ công chức đang cản trở quá trình triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế trên tinh thần thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Chúng ta không kỳ vọng Kết luận 14 này sẽ tạo ra được đột phá, đảo chiều tâm thế sợ trách nhiệm của các lãnh đạo, để từ đó kích thích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích của đất nước. Tuy nhiên, đây có thể là bước khởi đầu, là nền tảng tư tưởng để tiến tới sửa đổi luật lệ cũng như cách diễn giải luật của cơ quan tư pháp nhằm tạo ra thành trì bảo vệ vững chắc bằng luật pháp đối với những cán bộ công chức có tư duy và hành động đổi mới sáng tạo vì cộng đồng.

Tại tọa đàm “Làm gì để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm” do báo Thanh Niên tổ chức vào tuần trước, ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói rằng: “Vừa rồi, chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực rất tốt nhưng mọi chính sách đều có phản ứng phụ. Giờ ta phải nhận thấy, nếu làm không khéo thành ra khuyến khích ngược. Người dám nghĩ, dám làm, sáng tạo không khéo thua thiệt hơn. Người ù lì, cứ không làm gì cả thì lại lên hưởng lợi”.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng không nói rõ nguyên nhân gây ra “phản ứng phụ” để từ đó “nếu làm không khéo thành ra khuyến khích ngược” ở đây là gì, nhưng nếu nhìn vào các vụ án liên quan đến cán bộ nhà nước đã bị đưa ra xét xử, hay những trường hợp cán bộ bị kỷ luật, cũng không khó để nhận ra những chỗ còn gút mắc của luật pháp. Trong những năm qua, có không ít cán bộ từng là lãnh đạo bị truy tố với các tội danh “cố ý làm trái… ” theo Bộ luật Hình sự năm 1999 và nay là tội “vi phạm quy định…” theo Bộ luật Hình sự năm 2015; hoặc bị kỷ luật vì đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ…”.

Tất nhiên, những người bị truy tố, dù là với tội danh khác, nhưng hình bóng của nhóm lợi ích, của tham nhũng đằng sau các quyết định của họ là khá rõ ràng. Dẫu vậy, việc nhiều cán bộ bị truy tố với tội “cố ý làm trái…” và nay là “vi phạm quy định…” cũng vẫn là mối đe dọa rất thực với bất kỳ lãnh đạo nào có tư tưởng và hành động đột phá, vì “đổi mới” và “sáng tạo” có nghĩa là làm khác với khuôn khổ đã được định sẵn và đó cũng là “vi phạm quy định…”.

Cũng vậy, dám nghĩ, dám làm là không phải chờ đến khi đạt được đồng thuận, hay được cho phép rồi mới làm, vì bản thân chữ “dám” cũng đã hàm ý việc làm đó có thể có rủi ro cao nên không dễ nhận được sự đồng thuận ngay của tập thể lãnh đạo. Và như vậy, dám nghĩ, dám làm trong một chừng mực nào đó cũng là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Cách nay 55 năm, nếu ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, không “cố ý làm trái” thì nền nông nghiệp của Việt Nam đã không được cởi trói sớm như vậy.

Có thể nói, để có thể khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì trước hết phải tháo bỏ được cái nguyên nhân khiến họ sợ hãi. Muốn thay đổi điều này không dễ, vì đó sẽ là sự thay đổi về quan điểm và nhận thức. Ngay trong Kết luận 14 cũng có một đoạn có thể khiến người có ý tưởng sáng tạo và đột phá phải nghĩ lại. Đó là “Khi cán bộ thực hiện thí điểm… gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Sáu chữ “nếu thực hiện đúng chủ trương” ở đây là đồng nghĩa với phải có chủ trương mới được làm, và ngay cả như vậy thì người làm cũng không đương nhiên được miễn trách nhiệm khi gặp rủi ro.

Đương nhiên, khả năng cán bộ hay nhóm lợi ích lợi dụng “dám nghĩ, dám làm” để tham nhũng cũng là nguy cơ rất thật. Đó là chưa kể nhóm lợi ích giờ cũng rất tinh vi, họ thừa sức biết làm thế nào để vơ vét mà vẫn “đúng quy trình”. Nhưng ngăn chặn nhóm lợi ích và cán bộ xấu lạm quyền để tham nhũng cũng không khó, chỉ cần mọi thông tin liên quan đến quyết sách của họ được công khai, minh bạch.

Tóm lại, để có thể bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ và dám làm một cách thực chất thì Nhà nước phải “dám” tháo bỏ những mối lo sợ luôn đè nặng trong tâm trí họ trước và phải bảo vệ họ bằng luật pháp với những quy định rõ ràng và không thể diễn giải khác.

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Chỉ có thể…

https://thesaigontimes.vn/chi-co-the-bao-ve-can-bo-nang-dong-sang-tao-bang-luat/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *