Mặt trái của sự nổi tiếng và lời khuyên sự nghiệp từ nhà sáng chế trẻ nhất Estonia

Bích Trâm/ Báo DNSG

Karoli Hindriks, CEO trẻ nhất của kênh truyền hình về âm nhạc MTV

—–

Những người nổi tiếng rất dễ bị sập vào chính cái “bẫy” nổi tiếng của chính mình. Với các nghệ sĩ, minh tinh màn bạc, nhà văn, nhà thơ, thì sự sập bẫy đó có thể là mất đi sự nghiệp. Còn với các doanh nhân, coi chừng sập luôn một doanh nghiệp.

Khi một doanh nhân nổi tiếng trên thương trường, được giới truyền thông săn đón, được các tổ chức khác tìm cách mượn hình ảnh, nên thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Những câu nói, những phát ngôn, những tấm ảnh đẹp của doanh nhân nổi tiếng được các báo khai thác. Dần dần trở thành một “thói quen”, kể cả nhân vật cũng như giới truyền thông.

Nếu sa lầy vào cuộc chơi này, thì trước hết là rất mất thì giờ, người nổi tiếng phải trả lời báo chí, đi diễn thuyết, đi dự rất nhiều cuộc gặp. Những công việc bề nổi này sẽ chiếm hết thời gian của doanh nhân, không còn tập trung cho công việc quản lý điều hành, xử lý tình huống, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sa sút từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng năm, và đến khi nhận ra thì quá muộn, bởi vì người nổi tiếng sẽ “nổi tiếng” trong một hoàn cảnh khác, đó là doanh nghiệp “sập tiệm”.

Cho nên, hãy tỉnh táo trước những cám dỗ nổi tiếng và mối nguy khi đã nổi tiếng. Việc quan trong nhất của doanh nhân là làm sao để doanh nghiệp phát triển, không phải làm sao cho mình nổi tiếng.

Đương nhiên, hình ảnh cá nhân của một chủ doanh nghiệp trên truyền thông rất quan trọng, nhưng cần khai thác đúng “liều lượng”, quá liều sẽ có phản ứng phụ.

Phải biết nói “không” với những cuộc tiếp xúc, tiệc tùng, diễn thuyết, trả lời báo chí vô bổ. Khi có những lời đề nghị, phải xem xét kỹ lưỡng, sự xuất hiện đó có lợi gì cho doanh nghiệp hay không.

Còn nếu không, ngoài công việc của doanh nghiệp, dành thì giờ đó cho gia đình, luyện tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe.

Trần Quí Thanh

—–

Có một bài học mà Hindriks – doanh nhân, diễn giả, CEO trẻ nhất của kênh truyền hình về âm nhạc MTV, đã rất khó khăn mới học được trên con đường phát triển sự nghiệp.

Từng phạm sai lầm lớn khiến công ty đầu tiên xuống dốc, nên hiện tại, khi điều hành các công ty mới, Karoli Hindriks đã đưa ra một lời khuyên sự nghiệp đặc biệt giá trị không chỉ với các nhà khởi nghiệp.

Khi sáng lập doanh nghiệp đầu tiên ở năm 16 tuổi (chuyên cung cấp các loại phụ kiện phản chiếu dành cho người đi bộ), Hindriks trở thành nhà sáng chế trẻ nhất mọi thời đại ở Estonia. Và lúc đó, cô bất ngờ nhận ra, có thứ gì đó đã thay đổi.

“Với doanh nghiệp đầu tiên này, tôi trở nên nổi tiếng quá nhanh. Tôi được mời đến nói chuyện ở vô số trường học và các diễn đàn doanh nhân. Rồi rốt cuộc tôi đã dành nhiều thời gian để nói chuyện về doanh nghiệp của mình hơn là thực sự vận hành nó”, Hindriks nói với CNBC.

Khi MTV mở rộng phạm vi hoạt động vào Estonia, Hindriks đã được chọn là CEO của MTV tại Estonia, rồi sau đó làm việc ở vị trí này hơn 3 năm. Nhưng điều này cũng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp ban đầu của Hindriks ngày càng xuống dốc.

“Không có gì trong số những điều đó giúp tôi hoặc doanh nghiệp tôi tiến bộ hơn, chúng khiến tôi bị phân tán thời gian lẫn sự chú ý”, Hindriks chia sẻ.

“Vì muốn có một sự nghiệp thành công, bạn sẽ dễ dàng bị cám dỗ để gật đầu với tất cả mọi người về tất cả mọi thứ. Trong khi điều bạn cần làm là vạch ra những giới hạn và xác định thời điểm cần nói Không“, Karoli Hindriks cho biết trên CNBC.

Đây đã từng là sai lầm mà nhà sáng chế trẻ nhất Estonia (hiện tại 35 tuổi) khẳng định sẽ không lặp lại đối với các doanh nghiệp mới do mình làm chủ hoặc điều hành, nổi bật trong số đó là Jobbatical – một website tuyển dụng ở phạm vi quốc tế. Và đây cũng là lời khuyên sự nghiệp mà Karoli Hindriks thường xuyên chia sẻ với các ứng viên của mình.

Giờ đây, bất kỳ khi nào nhận được lời yêu cầu nào có liên quan đến công việc, Hindriks đều tự hỏi mình 3 câu hỏi đơn giản:

– Nó có giúp ích cho doanh nghiệp tôi?
– Nó có giúp ích cho gia đình tôi?
– Nó có giúp ích cho bản thân tôi?

Nếu bất kỳ câu trả lời nào trong số này là “Có”, Hindriks sẽ chấp nhận lời yêu cầu đó. Ngược lại, Hindriks sẽ kiên quyết nói “Không”.

“Việc này có thể khiến tôi trông có vẻ kỳ quặc, nhưng tôi biết tôi sẽ trở thành một người mẹ, một CEO và một người tốt hơn, nếu tôi biết khi nào nên đặt ra những giới hạn”, Hindriks chia sẻ.

Thậm chí cho đến bây giờ, Hindriks vẫn thấy việc này rất khó khăn, và thú nhận rằng mình vẫn “đang phải học dần”. Kiểu tiêu chuẩn này cũng giúp Hindriks trở nên chủ động hơn, sáng tạo hơn trong việc quản lý thời gian, và để có thể nói “Có” với những cơ hội tốt và phù hợp.

Chẳng hạn, nếu được mời dự một bữa ăn tối để bàn công việc, cựu CEO của MTV tại Estonia có thể sẽ yêu cầu được chuyển thành một bữa ăn trưa, nhằm để dành cho mình một buổi tối rảnh rỗi để chơi với con gái, chạy bộ, hoặc chỉ đơn giản là để tận hưởng được buổi tối sớm hơn một chút.

“Khả năng, nguồn lực của tất cả chúng ta đều có hạn, vì thế, bạn chỉ nên tập trung thời gian cho những điều bạn thực sự quan tâm và có thể tạo ra sự khác biệt với nó”, Hindriks nhấn mạnh.

NGUỒN:  Theo Báo Doanh Nhân Sài Gòn

Link bài: Mặt trái…

https://doanhnhansaigon.vn/ky-nang/mat-trai-cua-su-noi-tieng-va-loi-khuyen-su-nghiep-tu-nha-sang-che-tre-nhat-estonia-1087857.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *