Dự báo GDP sẽ bật tăng mạnh trong quý 3

Đinh Thơm/ Nhịp sống Kinh doanh – BizLIVE


Dù dự báo tăng trưởng GDP quý 3 có thể xấp xỉ mức hai con số và cả năm 2022 chắc chắn vượt 7%, song PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước.

Dự báo GDP sẽ bật tăng mạnh trong quý 3

Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý 2/2022 ước tính tăng tới 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 2 các năm trong giai đoạn 2011-2021.

Qua đó giúp GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Kết quả tăng trưởng trên theo một số chuyên gia là rất ngoạn mục, cho thấy chính sách “thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả” thay thế “Zero COVID” đã mang lại kết quả tốt. Ngay báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh “dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch COVID-19”.

Tăng trưởng đi ngược xu thế

Đầu tháng 6, nhiều tổ chức quốc tế đã lần lượt hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Theo đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2022, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 12/2021.

Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9%. Trước đó, trong tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ chỉ đạt 3,6%, giảm lần lượt 0,8 và 0,2 điểm % so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2022.

Dù không tránh khỏi một số nguyên nhân chung khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại như ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, giá năng lượng và hàng hóa leo thang, gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc,… nhưng theo IMF Việt Nam vẫn nằm trong số những nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2022.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới được WB rà soát và dự báo điều chỉnh đà tăng trưởng GDP từ mức 5,5% vào đầu tháng 1/2022 lên 5,8% vào tháng 6/2022. Trong khi đó, các quốc gia khác đều được WB dự báo đà tăng trưởng giảm.

Dự báo GDP sẽ bật tăng mạnh trong quý 3 ảnh 1

Đánh giá về tăng trưởng của Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, Việt Nam dường như đang đi ngược xu thế khi vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao trong quý 2/2022 với GDP đạt mức tăng trưởng 7,72%, tăng 0,99% so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Hương nhấn mạnh, việc dỡ bỏ các hạn chế dịch COVID-19 trong nước, mở cửa biên giới và mở lại các hoạt động du lịch quốc tế đã tạo ra sức sống mới trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú ăn uống với mức tăng 25,92%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,65%; hoạt động nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 14,01%; ngành dịch vụ khác tăng 16,61%;…

Tính chung 6 tháng đầu năm GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó những ngành đóng góp lớn vào tăng trưởng đều tăng trưởng khá tốt như ngành chế biến chế tạo tăng 9,66%, hoạt động tài chính, ngân hàng bảo hiểm tăng 9,5%, dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 11,19%, vận tải kho bãi tăng 8,13%, bán buôn bán lẻ tăng 5,82%…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kế cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang tiếp tục tăng mạnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là giá xăng dầu tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Do đó, bà Hương cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra cho năm 2022 là một thách thức lớn khi kinh tế trong nước phục hồi tích cực nhưng chưa đạt được như kỳ vọng đề ra bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, cần độ trễ để phục hồi trong khi tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường.

Tăng trưởng quý 3 có thể xấp xỉ hai chữ số

Trao đổi với chúng tôi về dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong quý 3, quý 4 và cả năm 2022, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, trên nền tăng trưởng âm của quý 3/2021 cũng như đà tăng trưởng của hai quý đầu năm, tăng trưởng quý 3 sẽ tăng cao hơn nữa so với quý 2, mặc dù hiện nay kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng nhất định đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là yếu tố xuất khẩu và đầu tư nước ngoài.

Dự báo GDP sẽ bật tăng mạnh trong quý 3 ảnh 2
PGS.TS. Phạm Thế Anh

“Trong nước nếu như sắp tới Quốc hội và Chính phủ thông qua đề xuất giảm thuế với xăng dầu, đồng thời, thúc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, thu hút khách quốc tế thì tăng trưởng quý 3 sẽ rất cao, có thể xấp xỉ mức hai con số”, PGS.TS. Phạm Thế Anh nhận định.

Về tăng trưởng cả năm 2022, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng mục tiêu 6,5% chắc chắn sẽ đạt được vì chỉ 6 tháng đầu năm đã đạt được 6,42%. Thậm chí theo chuyên gia này, với dự kiến GDP quý 3, quý 4 sẽ còn tăng cao hơn nữa thì GDP cả năm có thể vượt 7%.

Ở góc nhìn của đại diện cơ quan thống kê, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh diễn biến tình hình thế giới phức tạp và khó lường, nhất là căng thẳng Nga-Ukraine và chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc như gọng kìm siết chặt khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá hàng hóa, năng lượng tiếp tục tăng mạnh, tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2022, căn cứ vào một số động lực.

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục kiểm soát được dịch COVID-19 với tỷ lệ phủ vaccine cao. Điều này đã giúp Việt Nam quay trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn và du lịch quốc tế và trong nước, hoạt động sản xuất phục hồi và đạt được những kết quả ấn tượng trong 6 tháng đầu năm. Đây là bước đệm tốt cho 6 tháng cuối năm.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng khá cao, 6 tháng tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,37% so với cùng kỳ năm 2020. Các khu vực đều có sự tăng trưởng, đặc biệt là khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Theo ông Hiếu, các ngành dịch vụ thị trường, đặc biệt là các ngành dịch vụ ăn uống, bán buôn bán lẻ, lưu trú, bất động sản, vui chơi giải trí, có mức tăng trưởng âm sâu trong quý 3/2021 sẽ có mức tăng trưởng tốt trong quý 3 và quý 4 năm 2022.

“Trên nền tăng trưởng thấp của quý 3/2021, cùng những chỉ báo về tăng trưởng của các ngành công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm, nhất là trong quý 2, tăng trưởng của quý 3 năm nay dự kiến sẽ đạt được mức cao. Như vậy, trong những quý tiếp theo của năm 2022 nếu không có những yếu tố bất lợi xuất hiện, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra là 6-6,5%”, ông Hiếu nói.

Mặc dù vậy, để cả năm 2022 có thể đạt và vượt mức tăng trưởng mục tiêu, ông Hiếu cho rằng cần có một số giải pháp đột phá đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

Theo đó, phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời, thực hiện kịp thời hiệu quả gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội, nhất là gói hỗ trợ hạ tầng.

Ông Hiếu cho biết, theo số liệu mới nhất, gói hỗ trợ phục hồi đã giải ngân được 48 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số 22 nghìn tỷ vào cuối tháng 5. “Hy vọng các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành thì chương trình này sẽ tiếp tục được thực hiện và giải ngân mạnh mẽ trong quý 3 và 4”, ông Hiếu nói.

Cùng với đó, ông cho rằng, cần ổn định giá đầu vào cho sản xuất, kiểm soát CPI, đặc biệt là cần giảm giá xăng đầu, đẩy mạnh sản xuất trong nước,…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút khách du lịch nước ngoài. Trong thời gian qua mặc dù lượng khách quốc tế tăng mạnh nhưng so với thời điểm trước đại dịch con số vẫn rất khiêm tốn. Ngành dịch vụ cần chuẩn bị các nguồn lực, cơ sở vật chất để đón khách quốc tế.

Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng UOB (Singapore) giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%. Trong đó, tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam sẽ tăng lên 7,6%.Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023, còn HSBC dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2022.

Trong khi đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), triển vọng “Ổn định”. S&P cũng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5-7% từ năm 2023

Nguồn: https://nhipsongkinhdoanh.vn/du-bao-gdp-se-bat-tang-manh-trong-quy-3-post3098195.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *