Hoàng Linh/ NDH
Josh Tetrick muốn tạo ra những quả trứng thực vật. Ông mất 6 năm và 4 triệu USD để thực hiện điều này.
Đó là những gì mà nhà sáng lập 42 tuổi đã phải “đánh đổi” để tạo ra Just Egg, sản phẩm tạo nên tiếng tăm của công ty khởi nghiệp Eat Just, hiện có giá trị 1,2 tỷ USD. Just Egg là tên gọi của một loại trứng thực vật có thể thay thế trứng gà. Những quả trứng này làm từ đậu xanh và đựng trong một chai nhỏ, có thể được chiên trong chảo giống như một trứng gà thông thường.
Đây không chỉ là một thành tựu khoa học, hay một bước tiến trong công nghệ thực phẩm. Just Egg có thể đã cứu công ty của Tetrick và cả tương lai trong lĩnh vực kinh doanh của ông.
Năm 2011, khi Tetrick và bạn thân là Josh Balk cùng sáng lập ra Eat Just, công ty này có tên Beyond Eggs. Sau đó, họ đổi tên thành Hampton Creek Foods và tung ra một loại “mayonnaise” không trứng nổi tiếng có tên Just Mayo. Sản phẩm này bị Unilever đâm đơn kiện và chịu sức ép lớn từ ngành công nghiệp sản xuất trứng. Hampton Creek cũng vướng phải vô số lùm xùm và vào năm 2017, toàn bộ ban lãnh đạo công ty từ chức vì bất đồng với Tetrick về tương lai của startup.
Trong suốt thời gian đó, Tetrick đã cố gắng và thất bại trong việc phát triển Just Egg. Ông nói với CNBC: “Tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ mất khoảng một năm rưỡi để tìm được thứ có thể làm trứng bác như thật. Và đến tận 4-5 năm sau, chúng tôi mới có thể tạo ra được kiểu giống trứng trong chảo. Và nó vẫn có vị rất giống đậu”.
Ngay trong khoảng thời gian ban lãnh đạo rời bỏ Eat Just, các nhà khoa học thực phẩm cuối cùng cũng đạt được thành tựu. Công ty bắt đầu bán Just Egg cho các nhà hàng từ 2017 và cho các cửa hàng bán lẻ toàn quốc từ 2019. Hiện Eat Just đã bán được số lượng tương đương với 250 triệu quả trứng gà, huy động được hơn 800 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm Bill Gates, Marc Benioff và quỹ Vulcan Capital của Pau Allen – đồng sáng lập Microsoft.
Tetrick nói ông không muốn ngủ quên trên những chiến thắng đó. Ông đã xây dựng startup tỷ USD từ hai bàn tay trắng và vạch rõ con đường mình muốn đi phía trước.
Josh Tetrick, nhà sáng lập và CEO Eat Just. Ảnh: Eat Just |
Từ Just Mayo đến Eat Just
Sau khi tốt nghiệp Đại học West Virginia, nơi ông là cầu thủ chơi bóng bầu dục, Tetrick dành nhiều năm ở vùng hạ Sahara của châu Phi hỗ trợ trẻ em trong những chương trình phi chính phủ.
Ông đọc rất nhiều và tìm được một cuốn sách đặc biệt truyền cảm hứng. Đó là “The Fortune at the Bottom of the Pyramid” (Tạm dịch: Kho báu dưới đáy kim tự tháp) của C. K. Prahalad.
Ông đem ý tưởng của mình trao đổi với Balk, bạn thân từ nhỏ và cũng là Phó chủ tịch của The Humane Society, tổ chức đã thuyết phục Tetrick nên tìm kiếm một giải pháp thay thế trứng gà. Họ cho rằng điều này có thể làm gián đoạn một nền công nghiệp toàn cầu, vốn tạo ra khí nhà kính và đối mặt với cáo buộc ngược đãi gà mái.
Tetrick cho biết ông bắt đầu chỉ với 3.000 USD trong tài khoản. Đến cuối 2011, hai nhà đồng sáng lập đã gọi vốn được 500.000 USD từ Khosla Ventures bằng cách hứa hẹn sẽ tạo ra một sản phẩm có vị ngon hơn, tối ưu chi phí và nhân đạo với động vật hơn trứng gà.
Họ dùng khoản tiền đó để thuê các chuyên gia và nhà khoa học. Các nhà sinh hóa xác định những loại cây khác nhau, từ đậu, ngũ cốc đến các loại rau, với hàm lượng protein và chất béo tương tự như trứng gà. Các kỹ sư tìm cách “lấy protein từ đậu hoặc ngũ cốc”, Tetrick cho biết. Và các đầu bếp thử nghiệm nguyên liệu có thể kích thích vị giác của người tiêu dùng.
Công ty sớm tung ra nhiều sản phẩm với nguyên liệu thay thế trứng được làm từ thực vật. Đầu tiên là Just Mayo, sản phẩm mayonnaise bán chạy nhất Whole Foods năm 2014. Công ty nhanh chóng nhận được những lời tán dương, vào top 50 doanh nghiệp đột phá của CNBC, và được khen ngợi bởi Bill Gates, người gọi đây là “tương lai của thực phẩm”.
Sản phẩm của Eat Just. Ảnh: Eat Just |
Thành công đó khiến công ty trở thành cái gai trong mắt ngành công nghiệp trứng truyền thống. Năm 2014, Unilever – tập đoàn sản xuất mayonnaise Hellman – kiện Eat Just vì quảng cáo sai phạm với tên sản phẩm “Just Mayo”, cho rằng mayonnaise phải chứa trứng theo định nghĩa. (Vụ kiện bị hủy bỏ trong vài tháng).
Công ty cũng gặp phải những cáo buộc như thổi phồng doanh số (Tetrick đã phủ nhận) và vấn đề an toàn thực phẩm khiến Target bỏ sản phẩm này ra khỏi kệ hàng. (Công ty cho biết FDA đã chứng nhận sản phẩm không gây hại cho sức khỏe).
Cuối cùng, toàn bộ ban lãnh đạo của công ty từ chức. “Đó là giai đoạn khó khăn. Nhưng chúng tôi có cơ hội làm lại từ đầu”, Tetrick nói.
Trở lại chảo rán và vươn xa hơn thế nữa
Xuyên suốt hành trình, Tetrick muốn theo đến cùng ý tưởng làm trứng từ thực vật. Đến 2015, nhóm của ông đã tìm ra cách biến đậu xanh thành dung dịch màu vàng nhạt có thể đông kết lại khi nấu, giống như trứng. Nhưng vị không đúng, và việc tạo ra nó trong phòng thí nghiệm thì dễ hơn sản xuất hàng loạt.
Họ mất thêm 2 năm nữa để đạt được mong muốn. Có thể nói, thành công của họ đã cứu công ty: Với Just Egg, công ty đã trở lại Target, chưa kể đến Kroger, Walmart, Albertsons, Safeway và các nhà bán lẻ khác đã bán sản phẩm này ở hơn 17.000 cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Eat Just cho biết Just Egg đã có mặt ở 2 triệu hộ gia đình từ khi ra mắt vào cuối năm 2017.
Công ty cho biết Just Egg không chỉ tốt hơn cho người dùng, mà còn tốt hơn cho hành tinh. Nó không chứa cholesterol và có ít chất béo bão hòa hơn trứng gia cầm. Eat Just cho biết nó cũng sử dụng ít hơn 98% nước và thải ra ít hơn 93% CO2 để tạo ra so với một quả trứng gà.
Tetrick cho biết: “Chúng tôi đã rất phấn khích. Ý tôi là, một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong lịch sử công ty là lần đầu sản phẩm từ thực vật có thể làm trứng”.
Năm ngoái, công ty đã gọi vốn thêm được 200 triệu USD từ Cơ quan Đầu tư Qatar, và Eat Just được định giá 1,2 tỷ USD theo Pitchbook. Công ty cũng đã được kiểm duyệt thịt nuôi trong phòng thí nghiệm ở Singapore, và Tetrick hy vọng điều tương tự cũng sẽ diễn ra ở Mỹ trong năm tới với dòng sản phẩm có tên “Good Meat”.
Điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với cạnh tranh trong thị trường sản phẩm thay thế thịt, lĩnh vực được kỳ vọng sẽ đạt quy mô 140 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Tetrick cho biết bất kỳ áp lực và thử thách nào đều xứng đáng: Một số nghiên cứu cho thấy việc chuyển sang thịt trong phòng thí nghiệm sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính từ nông nghiệp, và việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, như đất và nước.
Các nghiên cứu khác dự đoán năng lượng cần cho việc sản xuất thịt loại này trên quy mô lớn có thể tác động tiêu cực đến môi trường. Tetrick vẫn không từ bỏ quyết tâm.