N.KHANH/ Pháp Luật
Tại một buổi giao lưu trên kênh VOV2, với tư duy của một lãnh đạo doanh nghiệp gia đình dám “cạnh tranh với người khổng lồ”, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, đã chia sẻ những câu chuyện và quan điểm để doanh nghiệp có thể bứt phá dưới bàn tay của người dẫn dắt.
Ở Tân Hiệp Phát, mỗi lãnh đạo là một người thầy
Ở Tân Hiệp Phát có một văn hóa, những người ở cấp quản lý đều phải đào tạo, dẫn lối cho cấp dưới của mình. Tân Hiệp Phát coi ngày 20-11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày để bày tỏ lòng biết ơn đối với họ, trong đó có hai người thầy sáng lập Tập đoàn là ông Trần Quý Thanh và bà Trần Thị Nụ.
Bà Uyên Phương chia sẻ: “Đối với công ty chúng tôi, người lãnh đạo không chỉ dẫn dắt về mặt kiến thức mà còn thể hiện vai trò truyền cảm hứng cho nhân viên. Chúng tôi hiểu rằng ở bất kỳ vị trí nào, người lãnh đạo chính là cái nắp của cái bình. Nếu như họ không tự cải tiến và phát triển mình thì doanh nghiệp không thể bứt phá và đứng vững”.
Theo nữ doanh nhân, tố chất của một người kinh doanh là dám chấp nhận và mạo hiểm. Một doanh nghiệp càng muốn tạo ra sự đột phá, người thuyền trưởng càng phải sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm. Điều quan trọng là biết điểm mạnh của mình để nhìn ra cơ hội, nắm bắt và khai thác nó.
Năm 2003, Tân Hiệp Phát hoàn toàn là một cái tên lạ lẫm khi bước vào thị trường nước giải khát vỏn vẹn được hai năm. Nhưng ở thời điểm đó, thế hệ lãnh đạo là cha mẹ của bà đã đưa ra tầm nhìn trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành nước giải khát khu vực châu Á.
Tuy nhiên, ý tưởng ấy cần có sự đồng lòng và không dễ dàng gì để một “tư tưởng xuyên biên giới” nhận được tán thành cũng như ủng hộ từ những người xung quanh mà gần gũi nhất là nhân viên của họ.
Vượt qua những nghi ngờ, Tân Hiệp Phát trở thành một doanh nghiệp gia đình có giá trị hàng tỉ USD, bỏ qua lời đề nghị về chung một nhà của “gã khổng lồ” Coca-Cola, để tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình với các sản phẩm nổi tiếng được hàng triệu người sử dụng mỗi ngày như Trà Thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh Không độ, Nước tăng lực Number 1.
Cũng từ câu chuyện đó, bà nhìn nhận: “Nếu như không dám đặt ra mục tiêu rất cao, dù có thể là những điều không tưởng thì cơ hội để làm được những điều bứt phá càng thu nhỏ”.
Điều khiến các doanh nghiệp Việt khó bứt phá?
Thống kê cho thấy số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Có tới 90% trong số đó là đơn vị nhỏ và vừa đóng góp 40% vào GDP.
Bà Trần Uyên Phương nhận định có rất nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp thất bại nhưng để thành công thì rất mong manh.
Theo bà Trần Uyên Phương – tác giả của cuốn sách Competing With Giants, một trong năm cuốn sách kinh doanh được đề cử cho giải thưởng Sách hay nhất của Mỹ năm 2018 thì điều quan trọng là làm sao để tạo ra sự khác biệt, để khách hàng – những người thật sự bỏ tiền ra tạo nên doanh thu cho công ty, hiểu được lý do họ cần đến doanh nghiệp. Đó là yếu tố tạo nên giá trị bền vững, dù doanh nghiệp còn “chân ướt chân ráo” hay đã khẳng định được vị thế của mình.
Bà chia sẻ: “Khi chúng ta ra quyết định, có thể có mâu thuẫn giữa yếu tố ngắn hạn và yếu tố dài hạn. Nếu như chúng ta hy sinh dài hạn để đánh đổi ngắn hạn, chúng ta sẽ phải trả giá trên con đường phát triển tương lai. Điều quan trọng là cân nhắc cả hai yếu tố này để phục vụ một mục tiêu cuối cùng – phát triển bền vững”.
Ngoài yếu tố đến từ nội lực doanh nghiệp, bà cũng cho rằng khi có những yếu tố ngoại lực công bằng, ổn định thì doanh nghiệp mới có thể lập những chiến lược dài hạn. Với điều kiện chính sách thay đổi liên tục, rất khó để doanh nghiệp có thể vạch ra chiến lược năm năm hay 10 năm tạo nguồn lực ổn định và tăng trưởng.
Cuốn sách Competing with Giants do tác giả Trần Uyên Phương viết chính, cùng hai đồng tác giả là Jackie Horne và John Kador đã được ủng hộ, lựa chọn trong Top 5 – 2018 Best Book Awards Business: Entrepreneurship & Small Business tại American Book Fest. |
Nguồn: https://plo.vn/tan-hiep-phat-va-su-but-pha-cua-tap-doan-ti-do-post506379.html