Nguyễn Hằng/ VOV1
VOV.VN – Phát triển kinh tế tuần hoàn đã sớm nhận được quan tâm của Đảng, Nhà nước với các định hướng, chỉ đạo theo hướng toàn diện. Tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản.
Phát triển bền vững nói chung và phát triển kinh tế tuần hoàn nói riêng đã và đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Vấn đề này được thể hiện rõ tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đề ra định hướng “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường”; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 cũng khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Triển khai quá trình này, thời gian qua các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như Tân Hiệp Phát, Vinamilk, TH Group, Nestlé, Coca-cola Việt Nam, Heineken Việt Nam… đã thiết kế các quy trình tái chế, tái sử dụng, mô hình kinh doanh tuần hoàn hoặc theo hướng tuần hoàn.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu Phát triển Vinamilk cho biết, áp dụng phát triển kinh tế tuần hoàn thời gian qua doanh nghiệp bắt đầu từ nguồn lực là đầu tư vào công nghệ thân thiện môi trường.
“Bắt đầu từ nguồn lực, đầu tư vào công nghệ, thân thiện với môi trường, gắn kết hài hòa các lợi ích cùng các bên liên quan tạo lên sự phát triển bền vững. Doanh nghiệp minh bạch và tuân thủ, cụ thể trong chăn nuôi sử dụng các giải pháp minh bạch thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh, chăn nuôi hữu cơ; các hệ thống trang trại, hệ thống nhà máy đều ứng dụng hệ thống năng lượng sạch, như năng lượng mặt trời” – ông Nguyễn Quốc Khánh nói.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế và phản ánh của các doanh nghiệp, quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng đang gặp phải không ít khó khăn, rào cản. Nổi lên là nhận thức về kinh tế tuần hoàn còn hạn chế, thiếu các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng, công nghệ và đào tạo; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hoạch định chính sách với các doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu Khoa học công nghệ…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu quan điểm: “Để thực hiện được nhiệm vụ này đòi hỏi một tiến trình dài hạn, ngay từ bây giờ chúng ta phải có sự nỗ lực và quyết liệt trong toàn hệ thống. Qua đó tạo được chuyển biến hình thành và các hoạt động sản xuất, cũng như tiêu dùng trong nền kinh tế; đổi mới sáng tạo trên cơ sở là áp dụng những thành tựu của cách mạng 4.0, sự phát triển công nghệ để thiết lập một chuỗi giá trị gia tăng mới, vật tạo các mô hình kinh tế toàn hoàn mới”./.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-van-con-nhieu-rao-can-post956349.vov