Doanh nhân Việt Nam – Phương Lê
Thấu hiểu sự vất vả của người nông dân, anh Nguyễn Văn Thiên Vũ (Đồng sáng lập kiêm CEO AgriDrone Việt Nam) đã nghiên cứu ứng dụng máy bay không người lái vào lĩnh vực sản xuất, canh tác trên cánh đồng lúa. Đến nay, AgriDrone là đơn vị dẫn dắt thị trường máy bay nông nghiệp Việt Nam và Đông Nam Á.
Tiên phong chưa bao giờ dễ dàng
Một thập kỷ trước, khi còn học tại ĐH Bách Khoa TP. HCM, chàng sinh viên Nguyễn Văn Thiên Vũ đã nghiên cứu về hệ thống cân bằng và bắt đầu say mê đặc biệt với máy bay không người lái (drone). Thiên Vũ thời điểm đó đã lấy drone làm đề tài luận văn tốt nghiệp của mình. Nhận thấy tính ứng dụng thực tế cao trong nhiều lĩnh vực, Thiên Vũ đi sâu tìm hiểu công nghệ này và thành lập công ty nghiên cứu – phát triển drone vào năm 2012.
Những ngày đi khảo sát trên nhiều vựa lúa, Thiên Vũ nhận thấy bà con nông dân đối mặt nhiều khó khăn trong quá trình canh tác. Nhân công ngày càng thiếu do thanh niên trẻ có xu hướng bỏ quê lên khu công nghiệp làm việc, tỷ lệ già hóa trong nông dân ngày càng cao. Chưa kể, việc phun thuốc theo phương pháp thủ công không chỉ tốn sức mà còn để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, khiến nông sản không thể tiêu thụ trên thị trường.
Thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân, Thiên Vũ trăn trở tìm hướng đi đưa drone vào nông nghiệp, cụ thể là trong gieo hạt, sạ lúa, bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật cho các loại cây trồng.
Những ngày đầu tiên khi Thiên Vũ bắt đầu mang drone xuống ruộng lúa thử nghiệm, công cụ này vẫn còn khá mới mẻ, cộng thêm chi phí đầu tư lớn, khiến việc thuyết phục nông dân trở thành thách thức lớn.
Thế nhưng, bằng sự kiên trì và chân thành, Thiên Vũ thuyết phục bà con thử nghiệm, nếu không hiệu quả sẽ đền bù thỏa đáng. “Tôi nghĩ bà con nông dân, vì một số định kiến nên hoài nghi, nhưng trong thâm tâm, họ vẫn dành sự tin tưởng nhất định”, Thiên Vũ chia sẻ.
Trong những bước đi đầu tiên chông chênh, Thiên Vũ nhận lấy trái đắng khi phải đóng cửa công ty. Là dân kỹ thuật, quá mải mê vào sản phẩm, chàng CEO 9x chưa để ý đến nhu cầu thực tế của thị trường. “Có ngày tôi làm việc đến 20 giờ đồng hồ nhưng sản phẩm không như ý muốn. Khi trải nghiệm sản phẩm của các đối thủ trên thế giới, tôi càng nản lòng”, Thiên Vũ kể. Thế là anh quyết định từ bỏ công ty, trở về quê đầu quân cho một tập đoàn của Mỹ trong 2 năm.
Với Thiên Vũ, hai năm dừng lại không hẳn là một bước lùi mà là một quãng thời gian tích lũy trước khi trở lại cuộc chơi một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Năm 2018, anh trở lại với đam mê và AgriDrone Việt Nam được ra đời.
Trước đây, anh nghiên cứu dàn trải nhiều lĩnh vực. Sau thời gian dài, đam mê của Thiên Vũ dành cho nông nghiệp ngày càng sâu sắc. Càng đi thực chiến nhiều, anh càng dành toàn tâm toàn lực, gắn bó với bà con nông dân nhiều hơn. Khi được người nông dân đón nhận, Thiên Vũ càng có động lực để thử những điều vốn còn quá mới mẻ trên thị trường lúc bấy giờ.
Những hợp đồng đầu tiên đến với AgriDrone không hề dễ dàng. Thiên Vũ nhớ lại, để thuyết phục khách hàng Hoàng Anh Gia Lai sử dụng sản phẩm, một mình anh mang máy bay sang Lào, Campuchia để bay trình diễn nhằm so sánh, đối chiếu với phương pháp truyền thống. “Việc thay thế công nghệ cũ bằng công nghệ mới đòi hỏi khách hàng phải có tư duy cởi mở, nếu không, giải pháp sẽ bị gạt bỏ”, Thiên Vũ nói. May mắn, người phụ trách kỹ thuật phía đối tác đã hỗ trợ anh rất nhiều trong khâu khảo nghiệm, chứng minh hiệu quả công nghệ. Cuối cùng, AgriDrone thành công ký hợp đồng với Hoàng Anh Gia Lai, một đối tác uy tín trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. AgriDrone lấy đó là bàn đạp, vững vàng cất cánh những chuyến bay tiếp theo trên hành trình “Bay Cao Cùng Nông Nghiệp Việt Nam” của mình.
Từ những bước đi đầu tiên chông chênh, đến nay, AgriDrone phủ sóng gần như toàn quốc, là đơn vị dẫn đầu thị trường Việt Nam và Đông Nam Á trong lĩnh vực máy bay nông nghiệp.
So với phương pháp truyền thống, drone phun thuốc giúp tiết kiệm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm dư lượng thuốc lên đến 30-40%; tiết kiệm nước lên đến 90%, giảm ô nhiễm môi trường, giảm rác thải và lượng khí metan. Ngoài ra, ứng dụng cũng giảm hơn 20% chi phí canh tác cho bà con nông dân. Phương pháp này cũng giúp dập dịch kịp thời để đảm bảo chất lượng nông sản và thu nhập cho bà con nông dân. Máy bay nông nghiệp không chỉ được sử dụng cho việc phòng trừ sâu bệnh, dập dịch nhanh chóng mà còn giúp người nông dân trong gieo trồng, sạ giống, rải hạt, bón phân, giúp tiết kiệm công sức và rút ngắn thời gian làm việc rất nhiều. Không chỉ chứng minh được hiệu quả trên cây lúa, AgriDrone còn cho thấy tính hiệu quả và tiết kiệm tối ưu của máy bay nông nghiệp khi có khả năng hoạt động tốt trên nhiều vườn cây ăn trái khác.Sau hơn 4 năm trở lại thị trường, AgriDrone đã tạo sinh kế hơn 1.000 người với thu nhập ổn định. Ứng dụng phủ rộng hơn 40 tỉnh thành và hỗ trợ canh tác hơn 3 triệu ha cây trồng. Trong đó, tại thị trường trọng điểm miền Tây Nam Bộ, hầu như 13 tỉnh thành đều có sự hiện diện của AgriDrone.
Sự tử tế là chìa khóa mở ra thành công
Trong hành trình thay đổi cách người nông dân canh tác, AgriDrone xác định mục tiêu lớn nhất là giữ chân khách hàng. Đối với anh, khách hàng gồm 3 đối tượng: khách hàng thuần túy, khách hàng nội bộ (nhân viên) và gia đình của họ.
Để thuyết phục khách hàng chấp nhận những điều mới không phải dễ dàng. Trên hành trình đó, Thiên Vũ lấy sự tử tế làm chìa khóa để tạo dựng lòng tin. “Khách hàng là mắt xích quan trọng để lan tỏa những giá trị mà AgriDrone đang tạo dựng. Công ty có thể lỗ nhưng khách hàng phải luôn lãi. AgriDrone luôn xác định cho đi trước để nhận lại nhiều giá trị hơn”, Thiên Vũ nói về kim chỉ nam trong hành động của công ty.
Thiên Vũ không quên được buổi lễ tổng kết cuối năm 2019 của công ty với khoảng 50 khách hàng tham dự. Những bác nông dân đã chạy lên ôm anh em trong công ty, bởi nhờ AgriDrone mà họ có công việc và định hướng mới. Đỡ vất vả hơn là điều dễ thấy nhất, sâu xa hơn, với công nghệ, họ được săn đón, hỗ trợ, tăng thêm niềm tự hào với công việc đang làm. “Điều này với Thiên Vũ còn lớn lao hơn bất kỳ thành tích nào, và nó khẳng định con đường, định hướng của mình là không sai”, CEO AgriDrone nói.
Trong nội bộ, việc thuyết phục đội ngũ dấn thân theo con đường chưa ai từng đi cần sự đồng lòng. Vì thế, đối với nhân viên, anh luôn chủ trương tạo điều kiện, môi trường để đồng đội làm việc, phát triển tốt nhất.
“Khi luôn đặt khách hàng là trọng tâm, từ khách hàng thuần túy đến nhân viên và gia đình, bạn sẽ đồng nhất cách cư xử”, CEO AgriDrone chia sẻ.
Công nghệ cao sẽ là cánh tay nối dài của người nông dân
Trong quá trình thực chiến, Nguyễn Văn Thiên Vũ nhận thấy 3 vấn đề của nền nông nghiệp. Thứ nhất, bà con chưa tiếp cận được kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao. Thứ hai là khâu vận chuyển khó khăn do hệ thống giao thông còn hạn chế. Cuối cùng, cung và cầu chưa đến được với nhau. Nhiều người muốn tìm đến nông sản sạch, chất lượng, giá cao nhưng người bán chưa tạo được một kênh phân phối hiệu quả. Ngược lại, nhiều nhà sản xuất có sản phẩm chất lượng nhưng khó khăn trong việc tìm đầu ra.
Nhìn thấy những vấn đề trên, AgriDrone xác định Drone chỉ là mắt xích giúp công ty giao tiếp và tiếp cận với nông dân. Còn xa hơn, công ty hướng đến một hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao toàn diện từ khâu tư vấn, hỗ trợ tài chính, canh tác, tiêu thụ…
“Công nghệ suy cho cùng chỉ là công cụ, tư duy của con người mới quyết định việc ứng dụng, trải nghiệm vào thực tế có thành công hay không”, Thiên Vũ nói. Với trăn trở thay đổi tư duy của người nông dân trong việc tiếp cận công nghệ, AgriDrone đang xây dựng đang triển khai và sẽ nhân rộng trung tâm dịch vụ nông dân. Tại đó, những chuyên gia sẽ tư vấn cho nông dân miễn phí quy trình công tác hiệu quả, cách sử dụng phân bón tiết kiệm, bảo vệ môi trường, bảo vệ đất.
Trên hành trình mang công nghệ mới vào nền nông nghiệp Việt Nam, Thiên Vũ nhìn thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. AgriDrone xác định một mình không tài nào xoay sở hết. Vì thế, AgriDrone sẽ là cầu nối, viết giải pháp để kết nối các chuyên gia, những người có thể làm cánh tay nối dài để hỗ trợ nông dân.
Đối với vấn đề cung cầu, AgriDrone được sự định hướng và hỗ trợ của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng thành lập sàn thương mại điện tử nông sản AgriVerse trên nền tảng công nghệ vũ trụ ảo (Metaverse) để hỗ trợ quảng bá nông sản cho 63 tỉnh thành. AgriVerse là chợ nông sản, tại đó, người bán không cần mở cửa hàng thực tế nhưng vẫn tiếp cận được người mua, còn người mua không cần đến nơi sản xuất vẫn có thể nhìn thấy quy trình và chất lượng sản phẩm thông qua kính công nghệ, Thiên Vũ chia sẻ.
Nói về nền nông nghiệp công nghệ cao, Nguyễn Văn Thiên Vũ cho rằng dư địa phát triển của thị trường này tại Việt Nam vẫn còn rất lớn và đầy tiềm năng. “Khởi nghiệp công nghệ cao không hề dễ dàng, nhất là với những bạn trẻ thuần kỹ thuật. Vì vậy, những người ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp công nghệ cao cần có sự trải nghiệm bằng cách tự thân xông pha hoặc tìm một người đồng sáng lập có kinh nghiệm về lĩnh vực để có thể đi xa”, Thiên Vũ nhắn nhủ.
Nguồn: https://doanhnhanvn.vn/ceo-agridrone-tien-phong-dua-cong-nghe-may-bay-khong-nguoi-lai-ho-tro-nong-dan.html