Quản trị nhân tài và tầng lớp sáng tạo

Nguyễn Quang Dy (TBKTSG)
Quản trị nguồn nhân lực là một vấn đề thông thường, hầu như doanh nghiệp, tổ chức nào cũng phải làm. Nhưng quản trị nhân tài là một vấn đề khác, không phải ai cũng hiểu đúng và làm đúng. Người ta hay nói nhân tài như lá mùa thu. Nhưng lá mùa thu cứ tiếp tục rơi rụng, và người ta cứ vô tình hay cố ý giẫm đạp lên không thương tiếc. 

 Nước ta có một cái “mỏ người” khổng lồ, nhưng hầu như không biết cách khai thác.
 Ảnh: Mai Lương

Bức tranh nguồn nhân lực
 
Người ta cũng hay nói nước ta rừng vàng biển bạc và đổ xô khai thác đến cạn kiệt, nhưng đất nước vẫn nghèo nàn và tụt hậu. Nước ta có một cái “mỏ người” khổng lồ, nhưng hầu như không biết cách khai thác. Người ta hay nói đến xuất khẩu lao động, chứ không thấy nói đến xuất khẩu chất xám.
 
Gần đây người ta lại nói đến xuất khẩu cử nhân và thạc sĩ, nhưng đó không phải là chất xám, mà là nhân lực thừa ế (hàng chợ) do chất lượng đào tạo quá kém. Trong khi đó, hiện tượng chảy máu chất xám (brain drain) ngày càng tăng, vì không được trọng dụng. Đó là một nghịch lý. Lá mùa thu cứ rơi rụng và nhân tài tiếp tục bị gió cuốn đi xa.  
 
Đó là khái quát bức tranh nguồn nhân lực và nhân tài ở Việt Nam, phản ánh tình trạng quản trị yếu kém hiện nay, và lý giải tại sao năng suất lao động thấp nhất khu vực. Làm thế nào để khai thác được cái mỏ người khổng lồ đang còn là tiềm năng, và cái mỏ vàng nhân tài đang bị vô hiệu hóa? Làm thế nào để kiến tạo đất nước đang tụt hậu?
 
Năng lượng sáng tạo và nhân tài 
 
Các nhà khoa học khẳng định rằng năng lượng sáng tạo của con người là nguồn tài nguyên duy nhất có thể sinh ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Đó chính là cái mỏ vàng có khả năng tái tạo, không bao giờ cạn. Có mấy vấn đề cơ bản cần đặt ra:
 
– Thứ nhất, phải hiểu đúng về nguồn năng lượng sáng tạo. Nó không giống cái mỏ than lộ thiên cứ thế mà đào, hay cái mỏ dầu khí cứ thế mà hút cho cạn. Muốn khai thác mỏ nhân tài phải biết chăm sóc và nuôi dưỡng, vì trồng người khó hơn trồng cây.
 
– Thứ hai, phải biết cách thu hút và quản trị nhân tài để có tầng lớp sáng tạo. Đó là một nguồn tài nguyên đặc biệt rất khó quản trị, là sức mạnh mềm của quốc gia. Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn tuy là người Việt nhưng không phải “made in Việt Nam”.
  
– Thứ ba, muốn kiến tạo một nền kinh tế tri thức, phải thu hút và quản trị được nhân tài. Phải thay đổi tư duy và thể chế, để tạo ra được các trung tâm sáng tạo cho tầng lớp sáng tạo. Silicon Valley (một vườn ươm tài năng công nghệ cao), không giống như khu công nghệ cao Hòa Lạc. 
 

Đối với mỗi doanh nghiệp hay mỗi quốc gia, năng lực sáng tạo (creativity) và tầng lớp sáng tạo (creative class) là những động lực thiết yếu để thúc đẩy xã hội đổi mới và phát triển.

 
Nhân tài và tầng lớp sáng tạo
 
Hai Lúa là câu chuyện về anh nông dân ở Tây Ninh làm trực thăng, từng gây ồn ào và tranh cãi. Nhưng điều đáng nói là trong khi người Việt không biết trọng dụng, thì người Khmer lại biết trọng dụng Hai Lúa. Chưa biết anh ta có đủ tiêu chí nhân tài hay không, nhưng Hai Lúa là một dấu hiệu cho thấy tầng lớp sáng tạo đang hình thành ở nước ta.

Tầng lớp sáng tạo không chỉ gồm các nhà khoa học hay kỹ sư có bằng cấp, mà còn gồm những người có tinh thần và năng lực sáng tạo, nhưng không có bằng cấp. Tại sao lại khắt khe, bắt bẻ một nông dân sáng tạo phải giống một nhà khoa học? Câu chuyện làm trực thăng hay xe bọc thép chỉ là biểu hiện cụ thể của tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp.  

Có lẽ người Việt sống quá lâu trong khuôn mẫu chính thống, nên hễ thấy ai khác biệt là dị ứng và “ném đá”. Điều đáng lo ngại là cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu đổi mới tư duy. Nếu Bill Gates hay Mark Zuckerberg mà khởi nghiệp tại Việt Nam, thì chắc chắn thất bại. Tuy Hai Lúa và Bill Gates hay Mark Zuckerberg khác nhau, nhưng họ đều có các đặc tính chung là đam mê sáng tạo, đầy năng lượng sáng tạo, và không chịu bỏ cuộc dễ dàng.
 
Đọc tiếp, link bài : Quản trị nhân tài và tầng lớp sáng tạo
 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *