Rác, chuyện nhỏ hay lớn?

Sau mấy ngày lễ, các bãi biển ngập rác. Không chỉ bãi biển, nhiều nơi có đông khách du lịch đều trong tình trạng tương tự. Biển nước mình đẹp như vậy, để bị ô nhiễm vì rác thì tiếc lắm.

Tui thường thấy, ngay tại trung tâm TPHCM, đường Nguyễn Huệ hay trước mặt Dinh Thống Nhất, sau hoạt động cộng đồng mỗi dịp lễ Tết, còn lại là một bãi rác khổng lồ. Lên Yên Tử hay các điểm lễ hội, sau một mùa lễ, nơi đâu cũng là một núi rác.

Chưa kể, nhiều lần đi trên đường, tui thấy người ngồi trong xe hơi, uống nước, ăn quà xong, vứt chai, bọc ni lông ra cửa xe. Có nghĩa đối với họ, đường phố là cái sọt rác.

Xả rác là một hành vi xấu, và hiện nay nó là một nhược điểm rất lớn của dân mình.

Tui là người hay hút thuốc, mỗi lần ra nước ngoài, hút thuốc là tìm nơi gạt tàn và vứt cái đót thuốc. Ở xứ mình, tui cũng có thói quen đó, nhưng tui thấy người ta cứ vứt thuốc lá lung tung.

Trong các nhà máy của Tân Hiệp Phát, tuyệt đối không có một cọng rác. Tiêu chuẩn 5 S của Tân Hiệp Phát (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Sẵn sàng và Săn sóc) không chỉ là do yêu cầu của sản xuất công nghiệp, mà tui muốn thông qua đó, giáo dục công nhân ý thức về sự sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh chung.

Có điều rất lạ là chuyện xả rác có quy định chế tài bằng Nghị định hẳn hoi, nhưng hình như tui chưa nghe ai bị phạt, trong lúc người xả rác thì đầy đường.

Dân mình qua Singapore hay các nước tiên tiến, đố ai dám vứt rác, bởi vì luật họ rất nghiêm, nói phạt là phạt.

Trong khi chờ luật được áp dụng thật nghiêm, tui nghĩ mỗi người nên tự ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, nói cụ thể là không xả rác. Ai cũng nói yêu nước, nhưng thể hiện lòng yêu nước đâu có khó, hãy đừng xả rác cũng là yêu nước.

Không xả rác là một hành động nhỏ, nhưng nếu ai cũng làm như vậy thì nước mình sẽ lớn.

Trần Quí Thanh
—–

Link bài: Chưa hết nghỉ lễ, biển Sầm Sơn đã nhếch nhác


Biển Sầm Sơn đầy rác trong ngày 2/5

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *