Doanh nghiệp không thể lớn nếu mang vác các loại chi phí quá nặng

Nguồn: internet
 

Các quốc gia luôn mong muốn có những doanh nghiệp, tập đoàn lớn làm trụ cột cho các ngành sản xuất kinh doanh và nền kinh tế của đất nước. Nói đến Hàn Quốc, người ta nghĩ ngay tới Samsung, Hyundai, LG, nói đến Nhật thì một trời thương hiệu danh tiếng.

Việt Nam chưa thể có được những tập đoàn to như vậy, nhưng không thể không có những doanh nghiệp đủ lớn ít nhất là so với tiềm năng của đất nước. Một quốc gia gần 100 triệu dân, con người thông minh, giàu tài nguyên, không thể không sinh ra những doanh nghiệp lớn.

Nhưng tại sao “nhân tài vẫn như lá mùa thu”?

Một doanh nghiệp muốn phát triển mạnh thì sản phẩm làm ra phải cạnh tranh được trên thị trường. Muốn cạnh tranh được phải dựa trên hai tiêu chí căn bản, đó là giá cả và chất lượng. Muốn có giá  cạnh tranh  chi phí đầu vào càng thấp càng tốt. Vậy thì, với những lý do sau, chúng ta có thể hiểu được vì sao doanh nghiệp Việt Nam không phải là “không dám lớn” mà cho dù muốn cũng không lớn nổi.

Theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia.

Chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines.

Chi phí nộp thuế cũng cao nhất so với ASEAN 4 (ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore).

Chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

Chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Ngoài ra còn có những chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển.

Tui làm sản xuất kinh doanh mấy chục năm, quá hiểu những khó khăn này trên vai doanh nghiệp. Tui nghĩ, với chừng đó cái ách trên vai, doanh nghiệp Việt vẫn lớn được như hiện nay đã là đáng khích lệ.

Nếu Chính phủ có những cải cách trong quản lý điều hành, kiến tạo được nhiều chính sách tốt, giảm được các chi phí trên về bằng các nước trong khu vực, chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ có bước trưởng thành ghê gớm.

Tui nói thiệt nghe, riêng với Tân Hiệp Phát của tui, nếu giảm được các chi phí xuống bằng so với các nước như Singapore, Malaysia, thì tui vươn ra thế giới ngon lành cho mà coi.

Rất khó để giảm ngay được các chi phí này cùng một lúc, nhưng phải làm gấp, nhanh một ngày quốc gia sớm giàu mạnh thêm một ngày.

Trần Quí Thanh
 
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *