Đạo luật bị lãng quên

Công Minh (TBKTSG)
 

 
 “Đã 13 năm qua, kể từ khi có Luật Cạnh tranh ở Việt Nam, số lần đạo luật này được đưa ra áp dụng để chống lại những hành vi độc quyền hay câu kết thao túng thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.” Chuyện này đáng buồn thiệt. Nếu Luật Cạnh tranh được áp dụng triệt để ngay từ khi mới ra đời thì chục năm nay chẳng những doanh nghiệp đỡ khốn đốn mà người tiêu dùng không bị thiệt thòi.
Trần Quí Thanh

 

—–

Không chỉ quên luật

Năm 2014, giá một tô mì ở sân bay Tân Sơn Nhất có lúc lên đến 160.000 đồng, giá của nhiều loại đồ ăn khác cũng cao một cách khủng khiếp. Chỉ cần chút thời gian tìm hiểu kỹ hơn, phóng viên báo Giao thông đã phát hiện, các quầy hàng này đều thuộc một ông chủ đứng sau(1). Sự việc này có dấu hiệu vi phạm điều 13.2 của Luật Cạnh tranh về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để áp đặt giá bất hợp lý. Thế nhưng, thay vì sử dụng Luật Cạnh tranh để giải quyết vấn đề, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thời điểm đó lại “yêu cầu” phải hạ giá mì tôm xuống còn 20.000 đồng.

Năm 2015, khi giá xăng dầu giảm đến 40%, nhưng giá taxi không giảm, dư luận sục sôi, nhiều ý kiến kêu gọi các hãng taxi giảm giá. Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, trả lời báo Tuổi trẻ: “Sau khi thảo luận với các thành viên, chúng tôi quyết định vẫn giữ nguyên mức cước phí hiện nay”(2). Hành vi này có dấu hiệu vi phạm điều 8.1 của Luật Cạnh tranh về cấu kết làm giá.

Nếu xác định đúng có vi phạm, các hãng taxi của TPHCM có thể phải chịu phạt lên đến vài trăm tỉ đồng theo điều 118.1 Luật Cạnh tranh và buộc phải hủy bỏ thỏa thuận giá trên. Thế nhưng, đạo luật này đã không được áp dụng, thay vào đó, Nhà nước tiến hành thanh, kiểm tra về giá đối với taxi, đồng thời sử dụng mệnh lệnh hành chính yêu cầu các hãng taxi phải giảm giá.

Hai ví dụ trên cho thấy, khi nền kinh tế có các dấu hiệu tăng giá bất thường, cơ quan nhà nước thường ngay lập tức nghĩ đến việc quản lý giá, chứ không mấy ai nghĩ đến việc áp dụng pháp luật về cạnh tranh, mặc dù các biểu hiện vi phạm Luật Cạnh tranh đã khá rõ ràng.

Trong kinh tế thị trường, ai cũng biết, trong điều kiện cạnh tranh đầy đủ, giá cả luôn ở mức hợp lý. Đơn giản vì nếu một nhà cung cấp bán giá cao hơn người khác một cách bất thường (không đi kèm với chất lượng hay dịch vụ tốt hơn) thì sẽ mất khách. Do đó, khi thấy có hiện tượng tăng giá bất thường, một nhà quản lý kinh tế cần ngay lập tức đặt câu hỏi: “Liệu thị trường có đủ cạnh tranh không?”. “Liệu có dấu hiệu của độc quyền, thống lĩnh không? Có dấu hiệu của bắt tay làm giá không?”. Nói cách khác, liệu có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh ở đây không.

Đáng tiếc rằng tư duy này chưa được phổ biến trong những nhà quản lý kinh tế, và nó khiến cho Luật Cạnh tranh bị lãng quên.

So sánh giữa công cụ quản lý giá và công cụ quản lý cạnh tranh thì quản lý cạnh tranh có nhiều ưu điểm hơn. Nó khiến các nhà cung cấp phải “tự nguyện” giảm giá do phải cạnh tranh với đối thủ chứ không phải là “bị ép buộc” giảm giá do quyết định của cơ quan nhà nước. Và do có tính tự nguyện như vậy, nên việc giảm giá của các nhà cung cấp cũng bền vững hơn.

Quay trở lại ví dụ về “yêu cầu” giảm giá mì tôm xuống còn 20.000 mỗi bát. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển sang bán phở, bán bánh mì, bún đậu… mà chẳng bao giờ cơ quan nhà nước có thể chạy theo để xử lý trọn vẹn được. Hay như yêu cầu giảm giá taxi cũng chỉ được thực hiện một cách đối phó (giảm vài phần trăm) hoặc giả nếu doanh nghiệp không giảm giá thì Nhà nước cũng thiếu cơ sở pháp lý để xử lý.


Hành khách sử dụng dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Uyên Viễn

 
…mà còn làm trái luật

Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định 55, năm 2009 là Nghị định 84 và năm 2014 là Nghị định 83, lần lượt thay thế nhau quy định về kinh doanh xăng dầu. Trong cả ba nghị định đều có điều khoản: “Tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối. Đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối”. Quy định này nhằm mục đích dễ dàng cho việc truy trách nhiệm về chất lượng xăng dầu, tuy nhiên, nó có dấu hiệu trái với tinh thần của Luật Cạnh tranh.

Trong kinh doanh, thỉnh thoảng có hiện tượng, một doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, bán hàng cho đại lý và yêu cầu đại lý không được nhập hàng của đối thủ khác. Luật Cạnh tranh cấm hành vi này vì nó sẽ ngăn cản việc gia nhập thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới. Giả sử một đối thủ mới muốn gia nhập thị trường, họ sẽ buộc phải tự thiết lập hệ thống phân phối mới của mình, chứ không thể sử dụng hệ thống phân phối có sẵn. Điều này đôi khi vô cùng tốn kém và khiến cho rào cản gia nhập thị trường trở nên cao khủng khiếp đến mức bất khả thi.

Trong thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay, Petrolimex đang chiếm gần 50% thị phần, tức là có vị trí thống lĩnh. Giả sử một doanh nghiệp mới muốn làm thương nhân đầu mối (nhập khẩu xăng dầu) thì họ sẽ phải chuẩn bị hệ thống phân phối. Doanh nghiệp mới có thể làm việc này bằng ba cách, (1) tự xây dựng một hệ thống phân phối riêng; (2) thuyết phục những đại lý đang hoạt động từ bỏ Petrolimex mà ký hợp đồng với họ, và (3) thuyết phục các đại lý vẫn bán hàng cho Petrolimex và bán thêm hàng của họ. Rõ ràng, cách thứ nhất và thứ hai rất khó thành công. Còn cách thứ ba thì đã bị Nghị định 83 chặn lại. Nói cách khác, nghị định này đang hạn chế đổi thủ cạnh tranh mới gia nhập thị trường xăng dầu.

Tháng 8-2014, lãnh đạo huyện Kỳ Anh tại Hà Tĩnh từng ký công văn yêu cầu các cơ quan, ban ngành địa phương trong huyện khi tổ chức hội nghị, tiếp khách phải ưu tiên sử dụng bia của nhà máy Sabeco đóng trên địa bàn Hà Tĩnh. Dư luận đã lên tiếng rất mạnh mẽ bởi hành động này trái với điều 6 Luật Cạnh tranh cấm các cơ quan quản lý nhà nước cản trở cạnh tranh trên thị trường khi buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định. Tuy nhiên, tất cả điều này chỉ dừng lại ở dư luận mà không phải là một quyết định hay tuyên bố rõ ràng của cơ quan quản lý cạnh tranh.

Đến năm 2015, lại tiếp tục có bảy cán bộ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh bị nhắc nhở và phải viết bản kiểm điểm, vì không uống bia do nhà máy của Sabeco sản xuất. Điều này cho thấy khi một đạo luật không được thực thi một cách nghiêm minh bởi một cơ quan chính danh thì nó dễ dàng chìm vào quên lãng.

Theo Paul Samuelson, Nobel Kinh tế học 1970, độc quyền là một trong những khuyết tật của nền kinh tế thị trường và vai trò của Nhà nước là khắc phục nó. Các quốc gia làm điều này chủ yếu thông qua Luật Cạnh tranh.

——-
Link bàiĐạo luật bị lãng quên

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *