Đừng nhốt “khoa học” vào ngăn kéo


Nguyễn Lạc Hà được vinh danh công dân tiêu biểu  của TP HCM năm 2016. Ảnh: Mạnh Tùng

 
Lại một tin vui về thành tựu nghiên cứu khoa học, lại xảy ra ở trường cũ của tui nữa mới đã đời chớ, Nguyễn Lạc Hà trở thành người trẻ nhất từ trước đến nay bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM).

Nguyễn Lạc Hà – nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử ĐHQG TP HCM (INOMAR) – Luận án Thiết kế tổng hợp vật liệu khung hữu cơ kim loại mới định hướng ứng dụng làm chất xúc tác quang hóa của tiến sĩ Hà được viết bằng tiếng Anh.

Nano là lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ ở Việt Nam, các nhà khoa học trẻ đi theo con đường này rất đáng được khích lệ. Nguyễn Lạc Hà mới 27 tuổi, đã có công trình nghiên cứu thành công, đó là niềm tự hào không chỉ của riêng anh, mà của trường tui nữa.
 
Có điều, từ trước đến nay, nhiều công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu là  bỏ vào ngăn kéo. Có những công trình không ứng dụng vào thực tế được vì vô dụng, nhưng cũng có những công trình có giá trị. Nguyên nhân không đưa vào thực tế sản xuất kinh doanh vì thiếu vốn để tổ chức sản xuất, thương mại hoá sản phẩm, vì nhà khoa học chỉ biết nghiên cứu, không biết kinh doanh.
 
Gần đây, Bộ Khoa học Công nghệ khuyến khích nhà khoa học phải đi "tiếp thị khoa học", có nghĩa là chủ động tìm nhà đầu tư, thuyết trình, giới thiệu sản phẩm khoa học, thuyết phục nhà đầu tư bỏ vốn để thương mại hoá sản phẩm. Nếu nhà khoa học bỏ công trình vào ngăn kéo, tiếp tục nghiên cứu công trình mới, lại tiếp tục bỏ vào ngăn kéo,  thì cuối cùng sản phẩm khoa học đó cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho xã hội. Để một thời gian, những điều mới mẻ năm xưa trở thành lỗi thời, vô dụng.
 
Cách làm đó chẳng khác nào nhà khoa học chỉ thoả mãn sức sáng tạo của mình, nhận một đống chứng nhận hay bằng khen tuy thật nhưng cũng như hư danh. Bởi vì điều quan trọng nhất của học vẫn là hành, ở đây có nghĩa là áp dụng vào đời sống, mang lại giá trị cho cộng đồng.
 
Cùng với nhà khoa học đi "tiếp thị khoa học", các nhà đầu tư cũng chủ động tìm đến với nhà khoa học, xem thử có thể hợp tác thương mại hoá sản phẩm khoa học của họ hay không. Làm được thì đôi bên cùng có lợi, đất nước cũng có lợi.
 
Tui biết ở Mỹ và một số nước, nhiều nhà đầu tư chuyên săn tìm phát minh khoa học để hợp tác làm ăn, biến sản phẩm khoa học thành sản phẩm sử dụng.
 
Sản phẩm "Cánh tay của người khuyết tật" của cháu Phạm Huy cũng thế, liệu có thể sản xuất thành sản phẩm để cung cấp cho thị trường trong nước,  có thể xuất khẩu. Nếu như sản phẩm của cháu còn khiếm khuyết gì thì nghiên cứu bổ sung.
 
Tui nghĩ vậy không biết có đúng không, các bạn góp ý thêm nhé.
 

Trần Quí Thanh

 
Link bài: Tiến sĩ 27 tuổi ở Đại học Bách khoa TPHCM

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *