Phạm Kỳ Anh (TBKTSG)
Nguồn: Internet
Bài viết đáng đọc để suy ngẫm. Vụ cháy rừng Sóc Sơn, cháy nhà máy nhiệt điện Phả Lại cho ta thấy đã đến lúc không thể thờ ơ với sự biến đổi khí hậu. Vụ nắng nóng cực điểm ở Hà Nội, nhiệt độ ngoài đường có lúc lên tới 57 độ làm ai nấy không khỏi giật mình. Ngay khí hậu ở Sài Gòn mùa khô này mưa nhiều hơn nắng cũng là một nỗi lo. Ông trời làm mình làm mẩy, người nghèo chiếm số đông và chịu thất thiệt đầu tiên, đó là vấn đề không thể không nghĩ tới.
Thế là Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris 2015. Tổng thống Donald Trump đã giữ lời hứa với cử tri khi ứng cử, không tham gia thỏa thuận về hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng dần lên.
Không ít nhân sĩ trí thức, kể cả nhiều nhà kinh tế trên thế giới la oai oái cho rằng quyết định của Mỹ là ích kỷ, chỉ biết có mình. Sự chỉ trích đó mạnh đến nỗi tạo cảm giác nếu Mỹ rút khỏi hiệp định sẽ khiến cả thế giới lâm vào cảnh tận thế tới nơi!
Biến đổi khí hậu trước đây thường được hiểu “nắng mưa là chuyện của trời”, thì nay nhiều người cho rằng xuất phát từ yêu cầu sử dụng tiện nghi, khí đốt, chất thải… tức xã hội tiêu thụ là tác nhân chính cho tình trạng thời tiết thất thường và cực đoan hiện nay.
Quyết định của Tổng thống Trump là chuyện đại sự lâu dài của thế giới, chắc chưa đến nỗi ảnh hưởng tức thì đến đợt nắng nóng như chảo lửa trên 40 độ C ở các tỉnh phía Bắc và những cơn mưa xối xả trong miền Nam Việt Nam mấy ngày vừa qua đâu.
Chỉ mới mấy trận mưa đầu mùa, thành phố tôi nhiều nơi nước ngập lai láng. Ngặt một nỗi, mưa thường trút ngay vào giờ cao điểm, lúc bãi sở bãi trường, hình ảnh của thành phố trông càng nhếch nhác.
Các khu phố ướt nhẹp, người gồng kẻ gánh, ông kéo xe hàng rong, người oằn mình đẩy xe máy, càng cố tránh nước càng thêm ướt. Người núp mưa, kẻ muốn về nhà, đi không đi, đứng không đứng, kẹt xe thành đống nhiều ngả đường…
Đúng là biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, El Nino, La Nina… các thay đổi thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng đến đời sống con người là không thể phủ nhận.
Vụ hỏa hoạn gây thiệt hại hơn 50 héc ta rừng phòng hộ Sóc Sơn – kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ trưa ngày 5-6 đến rạng sáng ngày hôm sau mới dập tắt được có một phần nguyên nhân vì nắng nóng kéo dài.
Ông trời càng chướng, người nghèo càng vướng. Nhìn bức hình chụp nhiều công nhân các công trình ở Hà Nội tranh thủ giờ trưa, chui xuống một gầm cầu trốn nắng không khỏi bùi ngùi. Gia sản của họ chỉ là sức khỏe và sức lao động. Đổ bệnh là không tiền cho con đi học, không gạo cho bố mẹ ở nhà… Ai thiệt khi thời tiết khắc nghiệt, biết liền!
Người nghèo, gia sản của họ là xe bánh mì, là gánh cá viên chiên… chỉ mưa một bữa chiều, tắc đường kẹt sá là gánh thêm một cục nợ. Nước cuốn lôi miếng ăn của người nghèo đi chứ đâu chạm được cái tài khoản nằm mát trong ngân hàng.
Hiện nay, cả thành phố tôi vẫn còn đến gần 200 điểm mà cứ trời mưa hay triều cường là ngập nước. Bỏ ra gần cả trăm ngàn tỉ đồng để chống ngập, điều đó là cần thiết, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Cái căn cơ vẫn là quy hoạch. Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, lượng mưa lớn bất thường và “cực đoan” không chỉ mỗi một năm nay mà lâu dài, không lẽ cứ phải bỏ tiền ra chống ngập miết?
Các nhà quy hoạch đô thị cho biết thành phố đang “trả giá” cho việc quy hoạch và đô thị hóa chưa khoa học. Nước tuôn về vùng trũng, kênh rạch không được nạo vét mà còn bị san lấp, lấn chiếm tràn lan.
Thành phố trả giá nhưng người dân lại trả tiền, thuế và nợ vay để chống ngập đâu có tha cho dân nghèo.
Cuối tuần trước, trong một cuộc họp về quy hoạch hạ tầng, lãnh đạo thành phố cho rằng quy hoạch hạ tầng là rất quan trọng với sự phát triển bền vững của nơi đây. Nghe vậy là mừng. Những khu vực chịu ảnh hưởng xấu do biến đổi khí hậu thường là những khu lao động, người nghèo đang mong chờ một hướng phát triển như thế, không bị phụ thuộc quá vào tư duy nhiệm kỳ.
Link bài: Ông trời càng chướng, người nghèo càng vướng!