Võ Nguyên/ Người Tiêu Dùng
Nguồn: Internet
………………
Bữa qua tui đọc stt facebook của một nhà báo, ổng viết như vầy: “Một người bạn của mình ở Cần Thơ vừa gọi điện cho biết tin, mẹ của Trung tướng Võ Văn Liêm vừa mất, cho nên mình xóa hai stt viết về vụ ông Liêm mắng chửi cảnh sát giao thông. Mình cũng vừa viết xong bài bình luận về câu chuyện của ông Võ Văn Liêm cho số báo ngày mai, nhưng mình quyết định bỏ, viết đề tài khác. Mẹ mất là điều đau buồn nhất trên đời, hãy bỏ qua cho ông ấy. Xin thành tâm chia buồn cùng trung tướng Võ Văn Liêm.” Ở trên mạng có rất nhiều người cũng đã làm như vậy. Đó là những những người tử tế. Có câu “Quân pháp bất vị thân” nhưng cũng có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận.” Vì thế tui rất cảm kích ý thức chia sẻ này của cộng đồng mạng. Mong ước cộng đồng mạng ngày mỗi chia sẻ có trách nhiệm và đầy tính nhân văn như thế này. (*)
—–
4 ngày, sau khi đoạn clip lăng mạ CSGT của Trung tướng Võ Văn Liêm (tướng Bảy Liêm) xuất hiện dày đặc trên các mặt báo, mạng xã hội… với đủ bình luận khiếm nhã, Mẹ của vị Trung tướng từng xông pha trận mạc này đã qua đời vào chiều 18/7. Cộng đồng mạng bỗng như "gió đổi chiều" !!! Có lẽ, dư luận đã đột ngột hiểu ra rằng: Vì sao ông Liêm bức xúc?
Chiều 18/5, hay tin đồng nghiệp miền Tây chuyển về, Mẹ Trung tướng Võ Văn Liêm – người đang bị cộng đồng mạng “soi” tư cách đạo đức, đã qua đời ở tuổi 97. Tôi mở Facebook, thì thấy rất nhiều người đã xóa hết bài viết chỉ trích tướng Liêm, xóa cả những bình luận khiếm nhã về hành động của vị tướng này với CSGT Cần Thơ và thay bằng sự “thấu cảm” cho hoàn cảnh của ông. Lúc này, tôi lại nghĩ nhiều về câu trả lời phỏng vấn của ông, đăng tải trên báo Dân Trí: “Cái gì cũng có giới hạn của nó!”.
Thông tin mẹ tướng Liêm qua đời đã phần nào giúp ông tìm được sự đồng cảm từ dư luận (Ảnh: Việt Tường/new.zing.vn)
Vị tướng về hưu đã từng bộc bạch với Dân Trí rằng: “Thời điểm đó, tôi đưa giấy tờ ra, nếu cậu công an đó coi giấy tờ thì tôi không nói gì, nhưng lại sai cậu mặc thường phục lại cầm giấy. Tôi hỏi đi làm nhiệm vụ giấy tờ đâu, ăn mặc như thế, chứng minh đi, nhưng công an không chứng minh nên tôi không cho tài xế xuống xe, vì người này mặc thường phục tôi biết đó là ai? Câu xúc phạm nhất là nói tôi chở bồ, câu nói đó vượt ngưỡng chịu đựng của con người. Nếu tôi có vi phạm luật giao thông thì phạt chứ anh không có quyền nói tôi như thế!”. Dù rằng, ông Liêm không có gì để chứng minh cho những chia sẻ của mình với báo Dân Trí, nhưng ở khía cạnh khách quan, thông tin mẹ ông mất đã phần nào khẳng định tính xác thực về cuộc nói chuyện giữa ông với CSGT. Và, nếu đoạn chia sẻ của ông chính xác 100%, thì đúng là… cái gì cũng có giới hạn của nó!
Ông Liêm đã sai, đó là điều không có gì bàn cãi, nhưng với những gì đang diễn ra, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm cho cái sai đó. Nhiều người miền Tây vẫn có thói quen dùng những từ ngữ như vậy giữa người già và người trẻ. Dĩ nhiên, nó không đồng nghĩa với việc bỏ qua những phát ngôn thiếu kiềm chế của ông thể hiện rõ ràng trong clip, nhưng chúng ta cần “thấu cảm” bằng một tấm lòng nhân văn nhất. Và hơn cả, là đặt mình vào vị trí của ông, vị trí một người con hay tin mẹ đang vào cơn hấp hối. Ông nói: “Cái gì cũng có giới hạn của nó!” – giới hạn này là gì? Là giới hạn của một đời người chăng? Hay giới hạn của sự chịu đựng? Tôi cho rằng tất cả đều đúng.
Lúc này, cộng đồng mạng đã "hạ nhiệt" chỉ trích hành động của vị tướng quân đội về hưu, vì cộng đồng đang nhân văn hay đang "xấu hổ" với những đánh giá, bình phẩm vô tội vạ của mình trên Facebook? Vì điều gì cũng được, nhưng tôi mong cộng đồng nhân văn và thấu hiểu hơn trong cách tiếp cận vấn đề. Ai cũng ra sức đào bới sai phạm của ông Liêm, vậy được mấy người đặt câu hỏi về nguồn gốc của clip ? Hay đại loại như: Đoạn clip đã đầy đủ chưa? Động cơ của người đưa clip lên mạng xã hội là gì? – mà theo ông Liêm, bản chất vụ việc không như đoạn clip đăng tải trên mạng, vì đã được cắt xén. Quan trọng hơn, hành động công vụ của Trung úy CSGT cũng cần được kiểm tra một cách cặn kẽ. Nếu như có những hành động công vụ sai sót, việc một người dân có thể có những bức xúc cũng là điều cần quan tâm.
Theo một chuyên gia pháp lý phân tích, nếu clip do người dân hiếu kỳ quay lại và tung lên mạng thì quá bình thường. Còn giả sử trong trường hợp này, người quay clip tung lên mạng xã hội là cán bộ CSGT, thì cần xem xét lại hành vi của người này. Luật không cấm CSGT sử dụng thiết bị công nghệ để ghi lại quá trình công tác của mình, nhưng ghi lại bằng thiết bị nào và với mục đích gì, ai phân công ghi hình là vấn đề cần làm rõ. Ngoài ra, CSGT ghi lại hình ảnh để chứng minh mình làm đúng, để báo cáo công tác với tổ chức, chứ không phải để tung lên mạng xã hội.
Cần nhớ rằng, người dân thì có thể làm những gì pháp luật không cấm, nhưng cán bộ CSGT – một công chức Nhà nước thì chỉ được phép làm những gì pháp luật (hoặc tổ chức) cho phép.
Cái gì cũng phải có giới hạn của nó !
Theo báo Người Tiêu Dùng
Linh bài: Cộng đồng mạng, Tướng Bảy Liêm và sự nhân văn cần thiết !
—-
(*) Thông tin mới đây: Mẹ tướng Liêm chưa mất. Nhưng vấn đề bài báo ko thay đổi.