Trần Quí Thanh
Kính chào chú Thanh,
Cháu đọc nhiều bài của chú trong trang web Trần Quí Thanh, thấy chú chẳng những là nhà kinh doanh đại tài mà còn là một nhà kinh tế học. Cho nên cháu mạo muội viết thư này hỏi chú một vấn đề mà bản thân không hiểu.
Thưa chú, Bitcoin có phải là tiền không? Khi nào thì tiền ảo được sử dụng như tiền thật? Sử dụng tiền ảo lợi hại như thế nào?
Mong hồi âm của chú.
Chúc chú muôn vàn sức khoẻ.
Lê Thế Thanh (Hà Nội): thanhlebuidoi@gmail.com
—–
Lê Thế Thanh thân mến,
Cháu hỏi chú một đề tài không mới, nhưng không phải có nhiều người biết, nhân tiện chú trao đổi cùng bạn bè về bitcoin trên trang của chú luôn.
Từ xưa đến nay, con người có nhiều cách thanh toán khác nhau, tùy theo trình độ phát triển của mỗi giai đoạn.
Ngày xưa, có cái chợ, đem heo gà, bò ngựa ra đổi, lấy vải vóc gấm lụa, gạo cơm, đó cũng là cách trao đổi, lấy vật chất tự định lượng giá trị và thỏa thuận giữa hai bên. Về sau, rồi người ta dùng bạc, vàng hay các loại kim loại quý khác làm thước đo, định giá để giao dịch. Nhưng trình độ phát triển của nhân loại càng cao thì đòi hỏi thanh toán phải linh động và đảm bảo công bằng trong giao dịch.
Vì thế, ngoài các loại tiền tệ có giá trị vật chất như vàng, bạc, còn có đồng tiền (giấy hoặc xu) do nhà nước sản xuất và bảo hộ, từ thời phong kiến cho đến sau này. Người dân trong một quốc gia giao dịch bằng loại tiền có tính pháp lý do nhà nước sản xuất. Tuy nhiên, thông qua thương mại thế giới, những đồng tiền có giá trị sẽ vượt được biên giới của một quốc gia, được sử dụng ở nhiều nước và đồng đô la Mỹ là một ví dụ.
Đến thời đại của công nghệ thông tin điện tử, Internet, con người còn nghĩ ra loại tiền điện tử hay còn gọi là tiền công nghệ để giao dịch, đó chính là quy luật của phát triển, chẳng có gì phải ngạc nhiên. Cũng giống như trước đây cháu phải viết thư trên giấy, bỏ phong bì giấy, dán tem, đến bưu điện, thì nay cháu viết thư điện tử, có hộp thư điện tử. Cách đây gần 20 năm, ai cũng xa lạ với từ “email”, nhưng nay gần như người ta chỉ xài thư điện tử, phải không cháu.
Trước đây cháu có thể hình dung một lớp học trực tuyến như bây giờ không? Thầy giáo vào lớp học, dạy cho một nhóm học sinh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Giáo viên giảng bài, chữ nghĩa hiện lên đầy đủ, học sinh thảo luận sôi nổi. Nhưng ai cứ ngồi nhà của mình với chiếc máy laptop.
Còn nhiều thứ khác bị loại trừ để cái mới phát sinh khi công nghệ thông tin ra đời.
Vậy thì bitcoin cũng chẳng khác gì, đó là loại tiền điện tử, dùng để thanh toán và có giá trị thanh toán thực sự hiện nay trên thế giới. Nếu nói bitcoin là tiền ảo cũng không đúng, vì nó thanh toán thật, mua bán được các sản phẩm có giá trị thật. Nó không phải là loại tiền tệ vật chất như vàng, nó cũng không phải là tiền tệ pháp định như các loại tiền của ngân hàng trung ương các nước phát hành, nhưng nó lại là tiền có giá trị thật.
Người ta vẫn săn lùng, đầu tư, dự trữ bitcoin rất sôi động, giá trị của bitcoin tăng dần trong những năm qua, người sử dụng bitcoin để thanh toán, giao dịch thương mại cũng tăng lên, điều đó chứng tỏ nó rất có sức sống. Quy luật của phát triển sẽ không dừng lại ở bất cứ “trạm” nào hành trình của nhân loại, cho nên phải chuẩn bị tư thế và tri thức để tiếp nhận những thay đổi do quá trình phát triển tạo ra.
Chính vì nhận thấy xu thế phát triển của các loại tài sản và đồng tiền công nghệ, cho nên Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử. Xin lưu ý, tuy không công nhận bitcoin là một loại tiền tệ, nhưng Chính phủ cũng phải có những biện pháp để chủ động trong việc quản lý, ứng xử, xử lý đối với các loại tiền công nghệ.
Cháu có hỏi chú về sử dụng tiền “ảo” lợi hại như thế nào, chú chỉ trả lời ngắn gọn thế này, bản thân bitcoin chứa dựng cả lợi và hại, ưu điểm và nhược điểm. Vấn đề còn lại là người tham gia cuộc chơi này có đủ thông minh để khai thác ưu điểm và tránh được nhược điểm hay không mà thôi.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)