Trần Quí Thanh
—–
Thưa anh,
Lâu rồi không viết thư trò chuyện với anh. Nay nhân vụ Apec tự nhiên có ý muốn hỏi anh một chuyện.
“Tương lai của việc làm” là một chủ đề được thảo luận tại APEC CEO Summit 2017. Liệu việc làm thời 4.0 có bị kẹt cho các nước chậm phát triển và đang phát triển như người ta nói không anh?
Chúc anh mạnh giỏi.
Lê Thị Bội Lan ( phố Cầu Bông với anh đây): le_lan1958@gmail.com
—–
Lê Thị Bội Lan mến!
APEC 2017 chọn chủ đề “Tương lai của việc làm” để thảo luận là quá đúng, bởi vì diễn đàn dành cho các nền kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà không bàn đến “việc làm” thì quá vô lý phải không em.
Nhưng vì sao gọi là “Tương lai của việc làm” đó mới là điều chúng ta cùng suy nghĩ. Và anh cũng nói với em luôn, tương lai đó không xa đâu, nó đã đến gần sát rồi. Với kinh nghiệm của một đời doanh nhân như anh, thấy cái tương lai đó như “lửa cháy ngang mày”.
Bởi vì “Tương lai của việc làm đó” được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0, và tất cả các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ của thế giới này đều làm đảo lộn việc làm một cách ghê gớm, và đó chính là quy luật của phát triển.
Một chiếc máy được phát minh ra để thay thế sức lao động thủ công của con người vậy thì sẽ có nhiều người nghỉ việc vì cái máy.
Khoa học công nghệ của thời đại 4.0 sẽ là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, các dây chuyền sản xuất cực kỳ hiện đại với hệ thống robot thông minh sẽ thay thế cả ngàn công nhân, điều đó không phải là sự tưởng tượng mà là hiện thực.
Tương tự như vậy, các ngành sinh học, vật lý nano sẽ can thiệp đến tối đa vào các lĩnh vực không chỉ thuộc sinh học, vật lý, sẽ loại trừ rất nhiều những “phiên bản” khoa học cũ, và thay thế bằng các sản phẩm thông minh gấp nhiều lần. Như vậy, thị trường lao động sẽ không phải là gương mặt của ngày hôm nay.
Các nhà lãnh đạo đều thấy điều đó và rất lo lắng cho một “tương lai của việc làm”. Lo lắng không phải bó tay, mà phải chuẩn bị cho nguồn nhân lực phù hợp với đòi hỏi của thời đại công nghiệp, công nghệ mới.
Đừng tưởng thế giới 4.0 mặc họ, còn ta cứ 2 chấm thì ung dung sống. Bởi vì, giá thành của một sản phẩm 4.0 rẻ bằng ½ của 2.0, vậy thì chúng ta sản xuất hàng hóa để bán cho ai?
Quy luật phát triển bắt buộc chúng ta phải thay đổi, phải nâng cao dân trí, trình độ kiến thức của công dân, áp dụng khoa học kỹ thuật trên mọi mặt, đào tạo ra tầng lớp trí thức tinh hoa để sẵn sàng cho ít nhất là tiếp thu được sản phẩm công nghệ, trí tuệ thông minh. Có tiền mua dây chuyền nhưng vận hành dây chuyền cũng phải có học.
Chuẩn bị cho nguồn nhân lực 4.0, phải thay đổi từ chương trình giáo dục trong trường học. Những gì chúng ta đang dạy cho con cái mình đã quá lạc hậu rồi, phải thay đổi để chính con cái chúng ta có được tư duy 4.0 ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Để các cháu phải biết rằng, không học hành thì sẽ thất nghiệp và nghèo đói.
Ngay cả khi no đủ thì con người ta cũng cần việc làm, vì đó là quyền con người, là giá trị sống. Cho nên, đào tạo để con người có việc làm trong tương lai là trách nhiệm nặng nề của các nhà lãnh đạo của mọi quốc gia trên thế giới.
Việc Nam là nước đang phát triển, mối lo đó nặng gấp ngàn lần.
Chúc em vui khoẻ.
Trần Quí Thanh
(Hãy viết thư cho tui: tranquithanh1953@gmail.com)