Trần Quí Thanh
TPHCM xin được cơ chế quản lý phù với quy mô 9 triệu dân và các điều kiện hiện hữu để phát triển, đúng với tầm của thành phố đầu tàu. Câu chuyện này được bàn từ nhiều năm, với nhiều tên gọi khác nhau, như có thời đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị.
Tại buổi thảo luận về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sáng ngày 14.11.2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra quan điểm: “Đã là đầu tàu cả nước, là động lực mà đi chậm thì các toa phía sau sẽ chậm theo. Nên quy định cơ chế đặc thù không phải cho TPHCM mà cho cả nước”. Theo tui, đây là cách nhìn chính xác, có tầm của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đừng nghĩ rằng tạo ra chính sách đặc thù cho TPHCM có nghĩa là của riêng thành phố này, mà đó là sản phẩm quản lý điều hành của Nhà nước, Chính phủ. Thành công của TPHCM là sự thành công chung của toàn quốc, nó không chỉ là đem lại của cải, tăng ngân sách, thu hút đầu tư, mà còn là hình mẫu để áp dụng cho các địa phương khác trong điều kiện phù hợp. Tui cho rằng, tất cả mọi thứ đều phải thay đổi, phải cải cách, cơ chế chính sách quản lý là đối tượng phải cải cách trước tiên.
Ví dụ, TPHCM thu hút đầu tư, tạo ra việc làm thì không chỉ sử dụng người lao động của thành phố này, mà kỹ sư, bác sĩ, công nhân, người lao động khắp cả nước đều là đối tượng thụ hưởng chính sách. TPHCM thu ngân sách vượt trội, đồng tiền đó không phải xây trường học cho riêng công dân thành phố, mà cho con em cả nước.
Không cần bàn cãi gì thêm về việc hỗ trợ tối đa cho đầu tàu chạy nhanh, mà vấn đề là hỗ trợ cái gì. Giữ lại tiền hay một số nguồn. thu khác không quan trọng, quan trọng là phân cấp, phân quyền để TPHCM tự quyết và tự chịu trách nhiệm.
Một dự án để chờ đợi, qua các cấp của thành phố rồi đến các bộ ngành trung ương, chưa tới nơi đã lạc hậu, doanh nghiệp mất đi cơ hội để thành công. Vậy thì hãy phân quyền cho thành phố tự quyết.
Một tiến sĩ học từ nước ngoài về, có chất lượng thực sự, được mời tham gia vào cơ quan nhà nước, vậy thì phải có cơ chế tự quyết về lương thì mới thu hút được nhân tài. Với kiểu trả lương cào bằng như hiện nay thì không thể có một đội ngũ công chức chất lượng cao như mong muốn, không có được một nền hành chính lành mạnh như kỳ vọng.
Cho nên, tui tâm đắc ý quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Cũng có những ý kiến băn khoăn là nếu cho phép TPHCM quyết định thu nhập tăng thêm mà cao hơn cả tiền lương thì sẽ tạo ra chênh lệch rất lớn đối với các tỉnh, thành khác. Tôi nghĩ rằng nếu qua thí điểm ở TPHCM mà tạo ra được động lực, giúp chúng ta cải cách tiền lương thì đó là điều hay”.
Tui tin rằng nếu có cơ chế thoáng và phân quyền đủ, TPHCM sẽ bứt phá.
Sài Gòn 15/11/201
TQT
Link bài: Cơ chế riêng cho TP HCM: Đã chín muồi!
Pingback: Sài Gòn hãy sẵn sàng và tự tin để “thay áo mới” - Trần Quí Thanh