Chúng ta thiếu tài năng khoa học hơn là thiếu tiền

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

Cán bộ khoa học trẻ của Việt Nam gặp khó khăn trong nghiên cứu khoa học, mức hỗ trợ thấp, cho nên nhiều người không muốn nghiên cứu khoa học. Nội dung này được anh Lê Đức Tùng, giảng viên, Bí thư Đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại diễn đàn “Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11.

Cũng có ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước sính ngoại, nên không hợp tác với nhà khoa học trong nước để làm ra các sản phẩm công nghệ ứng dụng cho sản xuất.

Trước hết, tui xin bàn chuyện chính sách hỗ trợ cho các nhà khoa học trẻ. Đây là việc của nhà nước, các trường viện có cán bộ khoa học, nhận đề tài, được nhà nước cáp ngân sách, ít hay nhiều tui cũng không được rõ.

Nhưng cộng đồng xã hội chỉ quan tâm tới sản phẩm, thì trên thực tế, chúng ta không có nhiều công trình có chất lượng, ứng dụng vào trong sản xuất của doanh nghiệp hay sử dụng trong thực tiễn.

Đừng nói đến các nhà nghiên cứu trẻ, kể các các trường, viện lâu đời, với một đội ngũ nhà khoa học đông đảo, cũng chưa cho được nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị. Tui xin lấy ví dụ, đất nước sản xuất lúa gạo như Việt Nam, nhưng bao nhiêu năm nay các viện vẫn chưa nghiên cứu ra được loại giống có chất lượng tốt như gạo Thái Lan.

Tui đồng ý rằng, nghiên cứu khoa học là trò chơi của nhà giàu, ít tiền thì không đi tới đâu, nhưng tui cũng cho rằng, tài năng là yếu tố căn bản. Nhà nước chi tiền không ít, nhưng công trình bỏ vào ngăn kéo ngay sau khi nghiệm thu chiếm đa số. Cứ nói luẩn quẩn vì không có tiền nhiều nên không đầu tư nghiên cứu khoa học, và ngược lại, vì không có công trình xuất sắc nên không đầu tư. Nhưng tui nói thiệt, chúng ta đang thiếu tài năng khoa học hơn là thiếu tiền.

Còn ý kiến cho rằng doanh nghiệp trong nước sính ngoại, tui xin phản biện rằng, tui là người yêu nước, rất mong có những dây chuyền sản công nghệ trong nước áp dụng được vào sản xuất, nhưng không có cho tui mua. Các doanh nghiệp khác cũng vậy thôi.

Kinh doanh là tính toán hơn thiệt từng đồng, nếu sản phẩm trong nước tốt, giá rẻ hơn nhập ngoại, thì không doanh nghiệp nào không mua.

Gần đây tui có nghe Bộ Khoa học Công nghệ kêu gọi các nhà khoa học phải “Tiếp thị khoa học”, có nghĩa là đem công trình mình đi giới thiệu, thuyết phục doanh nghiệp hợp tác đầu tư để triển khai thực hiện. Tui thấy ý này hay, nhưng cho đến nay, chưa thấy có sản phẩm hình thành từ hợp tác giữa nhà khoa học với doanh nghiệp.

Nếu có công trình khả thi, tui nghĩ doanh nghiệp không dại gì mà không đầu tư.

Sài gòn ngày 11/12/2017

TQT

Đọc thêm, link: Vì sao người trẻ ít mặn mà với nghiên cứu khoa học?

 

 

 

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *