Tại hội thảo, bà Naomin Tan, Quản lý chương trình Tài chính Bền vững của WWF-Singapore, cho biết: “Biến đổi khí hậu không chỉ tác động lên tới các cộng đồng và xã hội, mà còn là một rủi ro cho các tổ chức tài chính.
Do đó, các tổ chức tài chính cần phải tính đến các tác động, cũng như những rủi ro và cơ hội từ biến đổi khí hậu trong quá trình đánh giá và quyết định hạng mục đầu tư.
Ngành tài chính đóng một vai trò quan trọng trọng việc chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phát triển carbon thấp thông qua từ chối đầu tư vào các hoạt động không bền vững”.
Theo bà Naomin Tan, đặc biệt đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các tổ chức tài chính, các ngân hàng chính là chìa khoá để thúc đẩy quá trình chuyển đổi trên bằng cách áp dụng chặt chẽ hơn các chính sách đánh giá tác động môi trường và xã hội trong đầu tư, đồng thời phân bổ nguồn vốn cho các hoạt động bền vững.
Tài chính bền vững là một xu thế toàn cầu mà các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn trên thế giới đang thực hiện.
Các tổ chức tài chính cũng bắt đầu nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong việc điều phối nguồn vốn cho các dự án đầu tư thân thiện với môi trường và bền vững.
Năm 2017, Uỷ ban Tài chính Bền vững đã thành lập Tổ công tác Đặc biệt về công bố thông tin tài chính liên quan tới khí hậu (TCFD) – một sáng kiến nhằm xây dựng các khuyến nghị cho các tổ chức tài chính về những rủi ro khí hậu có thể gây ra.
Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã áp dụng các khuyến nghị của TCFD trong đó 16 ngân hàng, với tổng số vốn hơn 7 nghìn tỷ USD, hiện đang làm việc với UNEPFI – Chương trình Sáng kiến Tài chính Môi trường Liên Hợp Quốc – để xây dựng được phương pháp áp dụng TCFD.
Việt Nam đã có nền tảng cơ sở tốt về chính sách và chiến lược để thực hiện Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu như Quyết định 1393 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tăng trưởng xanh ban hành năm 2012 trong đó tăng trưởng phát thải carbon thấp là một trong ba mục tiêu chính. Trong khi đó, ngành tài chính cũng có những bước tiến về mặt chính sách để theo kịp tình hình quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với IFC xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.
Tuy nhiên, “mặc dù Việt Nam đã có những chính sách và quy định nhằm thúc đẩy tài chính bền vững, việc thực thi các chính sách này hiện nay vẫn chưa thực sự tốt” – bà Naomin Tan cho biết.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, cho rằng Việt Nam và các nước khu vực sẽ không thể thực hiện được thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc nếu như khu vực tài chính – ngân hàng không thực hiện vai trò của mình.
Chỉ khi nào các ngân hàng nói không với các dự án gây tác động xấu tới môi trường và xã hội, khi đó chúng ta mới có thể xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Năm 2015, 180 quốc gia trên thế giới đã ký Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu vào năm 2015, trong đó từng nước đưa ra cam kết cụ thể cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.
Việt Nam, khi ký kết thoả thuận, đã đặt mục tiêu cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, và là 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050” của WWF và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, tới năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải carbon độc hại liên quan tới biến đổi khí hậu.
Như vậy đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể là lĩnh vực mà ngành ngân hàng quan tâm đầu tư tới đầu tiên, loại bỏ dần các dự án nhiệt điện than, dự kiến sẽ chiếm 53% trong tổng sản lượng điện của Việt Nam vào năm 2030.