Nói không với các dự án tác động xấu tới môi trường, mới có một nền kinh tế bền vững

L. Quỳnh/ Báo NĐT
 
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong mấy năm qua, xâm nhập mặn vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sạt lở chạy dài từ vùng duyên hải miền Trung cho đến biển Tây là báo động  khẩn cấp về tình trạng tổn hại về môi trường.
 
Đến nay thì chúng ta không còn thời gian để báo động mà phải hành động.
 
Trước hết là không chấp nhận các dự án đầu tư tác động tiêu cực đến môi trường như Vedan hay Formosa. Khi còn nghèo, chúng ta chấp nhận những dự án đó vì việc làm và những lợi ích ngắn hạn, nhưng cái giá phải trả đã quá rõ.
 
Tại sao các quốc gia giàu biết di dời các dự án gây ô nhiễm ra khỏi nước họ, còn mình lại chuốc vào thân.
 
Có phải vì nghèo không? Không. Bởi vì Bhutan còn nghèo hơn Việt Nam, nhưng họ không chấp nhận bất cứ dự án đầu tư nào gây ô nhiễm môi trường.
 
Trần Quí Thanh
 
—–
Ngành tài chính Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò của mình hơn nữa trong việc giúp dịch chuyển nền kinh tế trong nước sang mô hình phát thải carbon thấp, thông qua đầu tư vào các dự án phát triển xanh, có tính đến các yếu tố rủi ro môi trường và xã hội.
Đây là thông điệp chính trong hội thảo “Tài chính Bền vững về Khí hậu và Năng lượng”, do WWF-Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) tổ chức ngày 29.3.
Điện gió Bạc Liêu. Ảnh: TL.

Tại hội thảo, bà Naomin Tan, Quản lý chương trình Tài chính Bền vững của WWF-Singapore, cho biết: “Biến đổi khí hậu không chỉ tác động lên tới các cộng đồng và xã hội, mà còn là một rủi ro cho các tổ chức tài chính.

Do đó, các tổ chức tài chính cần phải tính đến các tác động, cũng như những rủi ro và cơ hội từ biến đổi khí hậu trong quá trình đánh giá và quyết định hạng mục đầu tư.

Ngành tài chính đóng một vai trò quan trọng trọng việc chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình phát triển carbon thấp thông qua từ chối đầu tư vào các hoạt động không bền vững”.

Theo bà Naomin Tan, đặc biệt đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, các tổ chức tài chính, các ngân hàng chính là chìa khoá để thúc đẩy quá trình chuyển đổi trên bằng cách áp dụng chặt chẽ hơn các chính sách đánh giá tác động môi trường và xã hội trong đầu tư, đồng thời phân bổ nguồn vốn cho các hoạt động bền vững.

Tài chính bền vững là một xu thế toàn cầu mà các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn trên thế giới đang thực hiện.

Các tổ chức tài chính cũng bắt đầu nhận thức được vai trò quan trọng của họ trong việc điều phối nguồn vốn cho các dự án đầu tư thân thiện với môi trường và bền vững.

Năm 2017, Uỷ ban Tài chính Bền vững đã thành lập Tổ công tác Đặc biệt về công bố thông tin tài chính liên quan tới khí hậu (TCFD) – một sáng kiến nhằm xây dựng các khuyến nghị cho các tổ chức tài chính về những rủi ro khí hậu có thể gây ra.

Hiện nay, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã áp dụng các khuyến nghị của TCFD trong đó 16 ngân hàng, với tổng số vốn hơn 7 nghìn tỷ USD, hiện đang làm việc với UNEPFI – Chương trình Sáng kiến Tài chính Môi trường Liên Hợp Quốc – để xây dựng được phương pháp áp dụng TCFD. 

Đầu tư vào các dự án phát triển xanh, có tính đến các yếu tố rủi ro môi trường và xã hội là cách mà ngành tài chính góp phần giảm các tác động của BĐKH hiện nay. Ảnh: TL.

Việt Nam đã có nền tảng cơ sở tốt về chính sách và chiến lược để thực hiện Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu như Quyết định 1393 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tăng trưởng xanh ban hành năm 2012 trong đó tăng trưởng phát thải carbon thấp là một trong ba mục tiêu chính. Trong khi đó, ngành tài chính cũng có những bước tiến về mặt chính sách để theo kịp tình hình quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với IFC xây dựng sổ tay đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội cho 10 ngành kinh tế trong hoạt động cấp tín dụng.

Tuy nhiên, “mặc dù Việt Nam đã có những chính sách và quy định nhằm thúc đẩy tài chính bền vững, việc thực thi các chính sách này hiện nay vẫn chưa thực sự tốt” – bà Naomin Tan cho biết.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, cho rằng Việt Nam và các nước khu vực sẽ không thể thực hiện được thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc nếu như khu vực tài chính – ngân hàng không thực hiện vai trò của mình.

Chỉ khi nào các ngân hàng nói không với các dự án gây tác động xấu tới môi trường và xã hội, khi đó chúng ta mới có thể xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Năm 2015, 180 quốc gia trên thế giới đã ký Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu vào năm 2015, trong đó từng nước đưa ra cam kết cụ thể cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Việt Nam, khi ký kết thoả thuận, đã đặt mục tiêu cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, và là 25% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Theo báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam – Tầm nhìn đến năm 2050” của WWF và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam, tới năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải carbon độc hại liên quan tới biến đổi khí hậu.

Như vậy đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể là lĩnh vực mà ngành ngân hàng quan tâm đầu tư tới đầu tiên, loại bỏ dần các dự án nhiệt điện than, dự kiến sẽ chiếm 53% trong tổng sản lượng điện của Việt Nam vào năm 2030.

Nguồn: Theo Báo Người Đô Thị
Link bài: Nói không với các dự án tác động xấu tới môi trường
(http://nguoidothi.net.vn/noi-khong-voi-cac-du-an-tac-dong-xau-toi-moi-truong-moi-co-mot-nen-kinh-te-ben-vung-13141.html)
Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *