Trần Quí Thanh
—–
Thưa bác,
Cảm ơn bác đã trả lời cháu trong bài: “Đừng rơi vào cái bẫy của chính mình”. Cháu muốn hỏi bác thêm một vấn đề nữa, được không ạ?
Thưa bác, cháu nghe ông Ngô Đình Đức, nhà sáng lập và CEO của Công ty dịch vụ tư vấn POCD, ngành nhân sự ở Việt Nam đang hết sức lạc hậu. Xin bác bình luận và kiến giải vấn đề này ạ.
Chúc bác vui khoẻ
Lê Nguyễn Hoài Thương (Đà Nẵng), hoaithuong_thuonghoai_ DN@gmail.com
—–
Lê Nguyễn Hoài Thương mến!
Cũng như nhiều ngành khác trong quản trị doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp của Việt Nam đều không có sự thay đổi để theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn, ngành nhân sự cũng trong tình trạng này.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những đòi hỏi cấp thiết đối với doanh nghiệp, với slogan “thay đổi hay là chết”. Muốn thay đổi trời đất gì thì trước tiên hết là thay đổi con người, vì vậy, ngành nhân sự đóng vai trò quan trọng trong quản trị doanh nghiệp.
Xưa Thân Nhân Trung nói : “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu này có thể vận vào doanh nghiệp, đó là “nhân tài là nguyên khí doanh nghiệp”. Biết là vậy, nhưng để có nhân tài thực sự thì chính ngành nhân sự của doanh nghiệp phải có chiến lược tuyển dụng khoa học và hiệu quả.
Cụ thể là xác định các vị trí then chốt của doanh nghiệp, từ đó tìm cho ra những nhân tài nắm giữ vị trí then chốt đó. Họ là những “key person”, là báu vật của doanh nghiệp, không có họ thì không thể thực hiện thành công các mục tiêu của doanh nghiệp. Nói thì dễ nhưng thực hiện không dễ, vì chỉ cần chọn “key person” sai thì có thể gãy đổ toàn bộ chiến lược phát triển.
Sử dụng người giỏi như Gia Cát Lượng, nhưng vẫn phạm sai lầm khi để Quan Vân Trường giữ Kinh Châu. Và chính vì cái thói kiêu ngạo của mình, Quan Công đã phá sách lược “Đông hòa Ngô, bắc cự Tào” của Lượng. Chính xác hơn, cơ đồ nhà Thục bắt đầu suy sụp từ khi Quan Công để mất Kinh Châu vào tay Đông Ngô.
Thời hiện đại, không ai làm công tác nhân sự bằng cách chờ người tài mà phải đi “săn đầu người”. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tìm đến các trường đại học, cao đẳng nghề để tuyển dụng nhân sự. Cũng không đề bạt nhân sự theo kiểu “sống lâu lên lão làng”, mà chọn người giỏi để giao nhiệm vụ. Thậm chí, tổ chức thi tuyển các chức danh giám đốc, trưởng phòng ban, điều này sẽ kích thích năng lực làm việc, sức sáng tạo, tinh thần cầu tiến của mọi người.
Cuối cùng, bác đã nêu ý kiến này trong bài viết trước, nhưng vẫn nhắc lại vì rất quan trọng, đó là thường xuyên tổ chức đào tạo cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp. Kiến thức, chuyên môn của mỗi ngành nghề thì mênh mông và thay đổi không ngừng, nếu như những “key person” của doanh nghiệp bị lạc hậu so với thời cuộc thì doanh nghiệp không thể tồn tại. Đừng sợ tốn tiền khi cử cán bộ đi học các khóa đào tạo trong và ngoài nước, vì chính họ sẽ làm ra của cải cho doanh nghiệp.
Chúc cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)