Trần Uyên Phương
(Tiếp theo Chương 2 – Phần 1)
Đi qua sóng gió, có những lúc khó khăn nhất, tưởng chừng như rất khó gượng dậy, con học được ở ba nghị lực sống mạnh mẽ, sự chấp nhận nhìn ra sai lầm, thái độ không oán trách, không đổ lỗi. Ba hứng chịu tất cả, với thái độ bình tĩnh và che chở, nhưng chính vì từng trải và dự cảm cho một tương lai rất dài, ba đã rất cứng nhắc, luôn tỉnh táo, và vô cùng quyết liệt.
Giờ thì con hiểu rằng, để tạo ra Tân Hiệp Phát minh bạch, rõ ràng, đánh giá đúng người đúng việc là sự nỗ lực không mệt mỏi và thái độ tự rèn mình trước khi kiểm soát người khác một cách cực kỳ nghiêm khắc của ba trong nhiều chục năm qua. Đánh giá con cái và đặc biệt là người thân, họ hàng đều qua công việc, không nhân nhượng, bất kể người thân là ai thì cũng phải có những thước đo đánh giá rõ ràng và không tạo ra bè phái trong công ty. Có như vậy thì mới có cơ hội cho người tài được đặt đúng ở những vị trí tương xứng và công ty mới phát triển được tới tầm cỡ của nó như bây giờ.
Nhưng bài học trong cuộc sống không bao giờ là đủ. Ba ơi thắng thua là chuyện bình thường trong cuộc sống, đúng không ba? Cảm ơn ba đã cho con luôn được chơi hết mình. Cảm ơn ba cho con hiểu thế nào là đúng nghĩa chơi cuộc chơi lớn, thế nào là sống cuộc sống vì một điều gì đó chứ không phải vì có thật nhiều tiền và giữ tiền để ăn dần.
Nghe dường như rất mâu thuẫn nhưng chỉ có những người thật sự chơi cuộc chơi lớn mới hiểu được tại sao phải sống cuộc sống đơn giản, không bị lệ thuộc vào vật chất, chỉ có những người đó mới hiểu chạy theo vật chất sẽ làm “hèn” và “hư” mình.
Sự khác biệt giữa thế hệ xây và thế hệ kế thừa đó là người kế thừa sẽ khó mà hiểu được cái khổ của người xây, chưa làm ra được tiền mà thấy toàn tiền thì con người ta chỉ học được sự đòi hỏi hơn là phục vụ và cống hiến. Nhưng ba đã dậy cho con hiểu tiền bạc chỉ là phù du, và nhất là nếu khi chưa đủ năng lực để quản lý số tiền khổng lồ đó, thì sở hữu nó tức là mang họa vào thân. Ba đã khiến con đủ mạnh để tin rằng bằng năng lực của mình, con tự do đi trong đời, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều gì, chứ không chỉ là tiền.
Con đã từng sống trong nỗi sợ một ngày nào đó thức dậy không có ba nữa. Con rất hay đi vào giấc ngủ với những suy nghĩ đó. Và đấy chính là lý do khiến cho mỗi lần ba vừa dạo bước tới cửa phòng, con đã giật mình tỉnh giấc, tỉnh hoàn toàn, như chưa hề ngủ, cho dù lúc đó là 4 hay 5 giờ sáng, trong khi mới lúc trước hai cha con còn ngồi trò chuyện tới tận 2-3 giờ.
Con có thể nghe được tiếng chân của ba tới gần, không lẫn với bất kỳ tiếng chân ai khác hoặc tiếng động nào khác. Từ trong sâu thẳm, bản năng của con đón đợi sẵn tiếng bước chân của ba, sự quan tâm và tình yêu thương của ba tới gần? Hay con sợ một ngày nào đó chợt thức giấc lúc bình minh và không còn nhận được hơi ấm mạnh mẽ như những làn sóng ánh sáng đang lan dần tới cửa phòng?
Lúc trước, con sợ điều đó vì cũng giống như khi cảm nhận được hơi ấm của mặt trời, người ta sẽ sợ cái ngày trái đất chỉ còn đêm đen. Con không biết mình có viết tiếp được những câu chuyện mà ba đã viết? Và vì thế, nhiều đêm con thức cùng ba trọn đêm, chuyện trò như hai người bạn tri âm tri kỷ, không cần biết ngày mai còn phải tiếp tục công việc bộn bề ở công ty.
Cũng vì thế, nhiều khi con chỉ ngủ lúc ở trên máy bay, giữa những chuyến công tác, bất kể ngày hay đêm, bởi con đã học từ ba cách nghĩ, nếu giả sử có xảy ra thảm họa gì đi chăng nữa, thì cá nhân mình cũng không kiểm soát hay thay đổi được chuyện đó, vậy thì đừng mất tự do, đừng trở thành nô lệ cho nỗi sợ thảm họa.
Thay vì lo lắng hay hoảng sợ, có thể dành thời gian đó để nghỉ ngơi hợp lý hoặc suy nghĩ về những gì tốt đẹp hơn. Mọi thảm họa, nếu nó đến thật, đều có cách khắc phục và đi qua. Con ngày càng thấm thía triết lý của ba: “Dù gì cũng chỉ sống được một lần, sống cho đáng để sống”. Rồi cũng sẽ đến lúc con ở trong giai đoạn của ba, truyền cây paton cho thế hệ tiếp theo, ngày con nhắm mắt, con cũng muốn được nói với ba: “Ba ơi, con đã sống một cuộc sống thật sự đáng sống”.
Con muốn được có nhiều người giỏi xung quanh con, con cũng muốn bảo vệ che chở cho những người có năng lực, có mục đích sống. Có những người giỏi hơn mình ở xung quanh và học cách để biết sử dụng trí tuệ của mình cũng như của người khác, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống, đó sẽ là “bài tập” lớn mà con và các em cần học hơn là mở một cái gì đó từ đầu rồi chứng minh mình làm được đúng không ba?”
(Xem tiếp chương 3: Ông Tám Hiệp Phát)