Chuyện nhà Dr Thanh – Chương 2 – Thư gửi ba – (Phần 1)

Trần Uyên Phương

Ba ơi … Mỗi lần đi tham gia YPO con lại rất nhớ ba. Thật trái ngược là ban đầu khi được “tung cánh sổ lồng” đến với những khoá học này, con chỉ muốn quên tất cả những thứ khác, để tập trung cho việc học, thứ mà con luôn khao khát, và thậm chí là, quên đi cả những bộn bề của gia đình, dòng họ và công việc kinh doanh với những sóng gió không bao giờ dừng lại?

Hay tại vì đi học với YPO – nhóm những nhà lãnh đạo, nên chính tại những khoảnh khắc quên kỳ diệu này, con lại nhớ ba, nhớ những bài học khắc nghiệt nhưng sâu sắc trên con đường kinh doanh và cả trong cuộc sống mà chỉ đến khi đã thật sự trưởng thành, con mới có thể hiểu.

Hoá ra, không phải chỉ những khi bước ra thế giới, con mới được học mà quá trình học hỏi thật sự đã bắt đầu từ khi con mới sinh ra và còn chưa hề ý thức được về sự “dạy” và sự “học” của trường đời, trong đó ba là người thầy “ra thầy”, không hề lộ “chiêu thức” nhưng thực sự đã dẫn dắt được “học trò” bước vào bài học, sống, trải nghiệm và lớn lên trong những bài học.

Lần này trong nhóm bạn học chung của con có 7 người (Úc, Mỹ, Panama, Hong Kong – Anh – Ấn Độ), cả 6 người kia là nam, chỉ có con là nữ. Buổi tối thay vì đi chơi, nhóm con quyết định ở lại để làm bài tập thảo luận nhóm. Một trong những bài tập là trả lời câu hỏi: “Nếu được thay đổi một năm nào đó trong cuộc đời hay muốn giữ và sống lại một năm nào đó trong cuộc đời, bạn sẽ chọn năm nào?”

Có người trả lời chọn năm 2015 vì năm đó đã làm cho họ thay đổi thành người khác, ra quyết định nhanh hơn, dứt khoát hơn và đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn hơn để dành thời gian cho những việc khác, ví dụ gia đình. Có người nói muốn sống lại năm 2001 vì năm đó là năm cuối cùng mẹ của họ còn sống. Có người muốn trở lại năm cuối của phổ thông trung học…

Còn con muốn được sống năm 2014. Năm đó, con thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Biến cố lớn lao đã xảy ra trong cái năm sóng gió kinh khủng đó, nhưng đó lại là sự trui rèn mà ba hay nói “không thành công cũng thành nhân”, khi hoàn cảnh đưa ta vào những thời khắc nóng bỏng và hoàn toàn có thể dẫn tới sụp đổ hay tan rã đó, con hiểu rằng đi qua và trụ lại được sau cơn sóng lớn nghĩa là trưởng thành hơn và nhận được nhiều hơn. 

Việc má bệnh đúng ra phải dẫn đến gia đình mình có thể rơi vào khủng hoảng nhưng hoá ra lại khiến chúng ta trở nên đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau nhiều hơn. Việc mất tiền đúng ra là phải dẫn đến sự hờn giận trách móc, tiếc nuối, than thở, giày vò, nhưng lại là cơ hội cho sự trưởng thành của mọi người, trong đó có con, cơ hội để khẳng định mình lớn mạnh và cơ hội để tiếp tục khẳng định năng lực của từng thành viên trong gia đình.

(Còn nữa)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *